Kim Loan
Sài Gòn bị đổi chủ khi tôi mới chín tuổi, chưa kịp biết mộng mơ với những bản nhạc tình trước năm 1975.
May mắn thay, vài năm sau đó, khi phong trào “đốt sách trả thù” của chính quyền Cộng Sản lắng xuống, mấy anh chị lớn trong nhà còn giữ lại được một số tờ nhạc, băng nhạc cũ, đem ra nghe lén mỗi đêm khuya vắng.
Các tờ nhạc đa số là nhạc Phạm Duy, Trần Thiện Thanh, nghe mấy ông anh ôm đàn và hát, tôi thích lắm.
Băng nhạc cassette thì chỉ có một hai băng của ca sĩ Thái Thanh, nghe đi nghe lại, nào Ngàn Thu Áo Tím, Nghìn Trùng Xa Cách, Kỷ Vật Cho Em… nhưng chả hiểu sao đọng lại trong tôi nhiều nhất, là Ngày Xưa Hoàng Thị, có lẽ vì câu chuyện tình lãng mạn đẹp xinh của tuổi học trò làm tôi xao xuyến.
Thuở ấy, nào có Google hay báo chí để tra hỏi, nên tôi nào rành rẽ về bài thơ hay bài nhạc, chỉ biết yêu vô cùng lời nhạc, lời thơ, thế thôi.
Lớn lên chút nữa, bắt đầu tuổi “teen”, tôi nhập thêm các bài nhạc tình từ bạn bè cùng xóm cùng lớp, đủ thể loại, vì không có thời gian và hiểu biết để phân chia “giai cấp” các bài nhạc.
Nỗi khát khao với âm nhạc trong môi trường bị cấm đoán, có bài nào thì nghe bài nấy, hoặc chép vào cuốn sổ tay nắn nót từng dòng: Ðồi Tím Hoa Sim, Yêu Một Mình, Túp Lều Lý Tưởng, Tôi Ðưa Em Sang Sông, Bao Giờ Biết Tương Tư, Thành Phố Buồn, Nhớ Người Yêu…
Nói chung là “thập cẩm”, và bài nào tôi cũng thấy… hay hay.
Nhớ những trưa Hè, bên ngoài mưa rơi, tôi và nhỏ bạn thân nằm trong nhà, vừa nhai bắp luộc vừa nghêu ngao những khúc nhạc tình, dù chưa hề biết yêu: “Nếu, nếu một ngày không có tôi, thì người yêu ơi, đừng quên tôi nhé, xin đừng hờn dỗi, xin hiểu cho tôi…”
Thời gian đó, ngoài ông anh lớn đi dạy ở Cần Thơ, tôi có hai ông anh đang học Ðại Học, hàng tuần có bạn bè kéo về nhà tôi tụ tập ăn uống, đờn địch ca hát rất vui. Tôi nhỏ tuổi không được tham gia, nhưng có núp ở sau bếp… nghe lỏm.
Ông anh thứ ba chơi đàn trong ban nhạc của phường xã và ban nhạc sinh viên. Nhóm bạn của anh thường xuyên đến ca hát ở nhà tôi.
Thời buổi hiếm hoi các nhạc cụ, nhà tôi vẫn có hai cây đàn guitar, các bạn của anh khéo tay tự làm một bộ trống, thế là có đủ cho ban nhạc “xập xình”.
Mấy anh còn hát thâu vào băng cassette làm kỷ niệm. Ðêm khuya, chờ cả nhà tôi ngủ say, không gian im lặng, “phòng thu” bắt đầu thâu băng (không có tiếng trống, chỉ có tiếng đàn guitar).
Tôi nằm ngay phòng kế bên phòng khách, dỏng tai nghe không sót bài nào, và ấn tượng mạnh mẽ với một giọng nam trầm, mượt mà ấm áp:
“Một người quen đã đi lấy chồng, một người yêu tôi đã sang sông, tình ngày xưa gió cuốn lâng lâng, thương những chiều nắng đến bâng khuâng…”, và có lẽ anh này thất tình sao đó mà lại hát tiếp một bài nức nở: “Em biết không em chỉ một lời, em giết anh khi mới nửa đời?” tôi nghe tới đâu mê mẩn tới đó, quên cả ngủ!
Sau đó tôi có… liều mình hỏi ông anh tôi để biết chủ nhân giọng hát truyền cảm đó là ai, anh trả lời gọn lỏn: “Hắn đi vượt biên rồi!” (chẳng lẽ để… trả thù đời?)
Lên cấp ba, âm nhạc đến với tôi rộng mở hơn, với các bài hát thịnh hành của xã hội lúc bấy giờ, và nhất là phong trào “nghe nhạc Trịnh mới là… phong cách”.
Tôi không phủ nhận nhạc Trịnh hay, nhưng tôi chưa bao giờ thần tượng cả tác giả lẫn tác phẩm, dù rằng có một vài bài nhạc của người nhạc sĩ này gắn liền với tuổi trẻ của tôi dưới mái trường.
Ðêm đêm về nhà, tôi vẫn trung thành với những tape nhạc vàng của gia đình, đã có thêm những tiếng ca khác mà anh chị tôi thu thập từ bạn bè hoặc từ các tiệm sang băng lậu ngoài chợ trời Tạ Thu Thâu: Thanh Thuý, Nhật Trường, Thanh Lan, Phương Dung, Sĩ Phú, Duy Quang, Elvis Phương… với nhiều bài hát mới.
Riêng bài Ngày Xưa Hoàng Thị vẫn sống lâu nhất trong trái tim tôi, vì một buổi trưa đầu Hè năm lớp 12, tôi bước vào lớp, thấy trong hộc bàn một tờ giấy màu xanh lơ, có ép một cánh bướm làm từ hoa phượng và mấy câu thơ:
“Em tan trường về – cuối đường mây đó – Anh tìm theo Ngọ – Dáng lau lách buồn – Tay nụ hoa thuôn – Vương bờ tóc suối – Tìm lời mở nói – Lòng sao ngập ngừng…”, chẳng có tên người gửi, cũng chẳng ghi tên người nhận.
Lập tức, đám “thám tử” con gái lớp tôi chạy đi “điều tra lý lịch” tác giả lá thư. Ðược biết, người ngồi cùng chỗ đó của tôi (lớp buổi sáng) là chàng tuổi trẻ tên là Hồng Ân, nhỏ hơn tôi một tuổi (vì học lớp 11), trắng trẻo, đẹp trai, con nhà giàu ngay ngã tư chợ Xóm Mới.
Nhưng các “thám tử” không thể tìm ra, là lá thư ấy chàng trẻ tuổi cố ý gửi cho tôi, hay tính gửi cho… con bé nào khác mà để quên trong hộc bàn?
Tôi chả quan tâm chuyện đó, thư để trong hộc bàn của tôi, rất ngay ngắn gọn gàng, nghĩa là gửi cho tôi. (Ai cấm em trai tương tư… bà chị học trên lớp hở mấy nàng “thám tử” rách việc kia?).
Cánh bướm đẹp quá, tờ thư xinh quá, và nhất là mấy câu thơ lần đầu tiên tôi được đọc vì trước đó chỉ nghe bài hát. Dù chỉ có mấy câu, tôi cũng đoán cả bài thơ sẽ còn hay hơn nhiều. Tôi bỏ lá thư trong cặp, mang về nhà, đọc đi đọc lại nhiều lần, và mong “người ta” gửi tiếp cho trọn… bài thơ!
Tôi cũng chẳng ngờ bài hát đó lại có duyên, theo tôi đến tận con đường vượt biển, qua trại tị nạn Thailand.
Hôm ấy, tôi đang say giấc nồng trưa Hè thiu thiu thì bỗng nghe bên nhà hàng xóm mở cassette (xài bằng bình acquy) bài Ngày Xưa Hoàng Thị qua giọng ca Thái Thanh.
Tôi bỗng tỉnh ngủ, như chợt gặp lại “người xưa”, cầm theo giấy bút chạy qua để thưởng thức điệu nhạc quen thuộc và chép lời. Chị chủ nhà, cũng là người chung chuyến tàu với tôi, rất vui vẻ quay đi quay lại bài hát gần chục lần (sắp nhão cả tape) để tôi kịp ghi lại đầy đủ bài hát.
Từ đó tôi cứ lẩm nhẩm bài này với bạn bè cùng lô nhà và cả khi chúng tôi tụ tập nhóm “đờn ca tài tử”.
Nhóm chúng tôi, những thanh niên thiếu nữ, trong đó Dzũng Lé là tay guitar cừ khôi, trước khi đi vượt biên, từng chơi cho các nhóm nhạc “Ca Khúc Chính Trị” tại Sài Gòn.
Còn có Trung, chàng thư sinh Nhạc Viện, đi vượt biên ôm theo cây đàn Violin, khi tàu bị bão tố trên biển Ðông, hành lý phải quăng ra biển cho nhẹ con tàu, Trung vẫn cương quyết ôm cây đàn, che chở bảo vệ nó, mang nó vào trại tị nạn.
Những buổi tối gió lạnh nhớ nhà, chúng tôi đề nghị Trung kéo đàn những bài tango nổi tiếng, như La Cumparsita (mà nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt là Vũ Nữ Thân Gầy), La Paloma (Phạm Duy viết thành Cánh Buồm Xa Xưa), hay điệu Valse với nhạc phẩm trứ danh Blue Danube (Phạm Duy viết thành Dòng Sông Xanh).
Giữa đêm Ðông se lạnh tha phương, tiếng đàn violin réo rắt, tha thiết, bay bổng đến lặng người. Khán giả tị nạn kéo đến càng đông, Trung nhắm mắt say sưa kéo đàn, chẳng để ý biết bao đôi mắt ngắm nhìn thán phục, cảm mến.
Mến chàng nghệ sĩ ít nói, có duyên, hay mến tiếng đàn mênh mang vời vợi nơi trại tạm dung?
Rồi tiếng đàn chuyển qua những nhạc phẩm trữ tình khác, nào Dấu Tình Sầu, Niệm Khúc Cuối, Ðêm Nay Ai Ðưa Em Về… khiến mọi người rưng rưng thổn thức.
Tôi không có giọng hát hay nhưng thuộc nhóm “hay hát”, nên sau phần độc tấu violin và phần solo của những giọng ca quyến rũ người nghe, cuối cùng cũng đến lượt tôi được… cầm giấy ca bài “tủ” của mình, rất hào hứng, say sưa: “Em tan trường về…” Cứ ngỡ ca chơi trong nhóm cho vui, ai ngờ Dzũng Lé đã cho tôi một bất ngờ nhớ đời.
Mùa Giáng Sinh 1992, trường Việt Ngữ và nhóm nhân viên ngoại quốc YWAM (Youth With A Mission) tổ chức buổi tiệc tiễn đưa cô hiệu trưởng Sue về Australia. Tôi là cựu giáo viên nên được mời và được yêu cầu mặc áo dài với các cô khác vì cô Sue cũng mặc áo dài.
Tôi hớn hở đến dự, thảnh thơi ngồi ăn uống, xem văn nghệ có Dzũng Lé chơi đàn guitar trong ban nhạc. Ðến giữa chương trình, Dũng Lé ghé tai người MC thì thầm gì đó, rồi anh MC ra giới thiệu:
– Kính thưa quý vị, sau đây là một giọng ca… bình thường, nhưng tâm hồn văn nghệ thì trên cả bình thường! Cô chưa bao giờ vắng mặt trong các nhóm văn nghệ bỏ túi trong các khu nhà trong trại. Xin mọi người cho một tràng pháo tay cho cô cựu nhân viên bưu điện và hiện nay là nhân viên Cao Uỷ Ðịnh Cư…
Tôi chưa kịp phản ứng gì, bà con vỗ tay rầm rộ và đẩy tôi lên sân khấu. Tôi nhăn mặt, liếc Dzũng Lé:
– Ca bài gì bây giờ?
– Thì cái bài Ngày Xưa Hoàng Thị bà hay ca đó.
– Nhưng tui không thuộc.
– Nhớ tới đâu ca tới đó, dễ mà.
– Nhưng chưa tập dợt với ban nhạc gì ráo.
– Bà khỏi lo, cứ tập trung vào chuyên môn… ca hát, tụi tui sẽ… đuổi theo bà!
Tôi đành bấm bụng làm ca sĩ. Ban nhạc đánh bài Ngày Xưa Hoàng Thị theo điệu valse hơi nhanh, nhưng tôi bị ảnh hưởng cách hát luyến láy, “điệu chảy nước” của cô Thái Thanh nên mở đầu câu hát thật dẻo, thật dịu dàng đong đưa, rồi lên cao vút, thành ra ban nhạc bị trật nhịp, nhạc chơi đường nhạc, tôi hát đường tôi, họ ra sức… rượt theo, vã mồ hôi hột.
Ðã vậy, lời bài hát cứ lặp đi lặp lại: “Em tan trường về… Anh theo Ngọ về… Em tan trường về… Mưa bay mờ mờ…”, tôi run quá, không nhớ lời kết, cứ đứng đó ca tới ca lui: “Em tan… Anh theo… Em tan… Anh theo…”, khán giả ở dưới cũng nhận ra điều ấy, càng vỗ tay lớn hơn theo nhịp để cổ vũ tôi đang mặt mũi xanh lè vì bối rối.
Dù sao, Dzũng Lé cũng là tay guitar chuyên nghiệp, đã nhanh miệng làm “đạo diễn”, dẫn dắt ban nhạc xuống “tông”, và nhắc tôi từ từ bình tĩnh, có Dzũng hát kèm phía sau, dìu tôi vào câu “coda”, kết thúc rất ngoạn mục trong tiếng reo hò của cả hội trường.
Sáng hôm sau tôi ra bưu điện dò thư, mấy anh bưu điện nhìn tôi cười mỉm chi:
– Chào em… Ngọ, chiều qua hát bài hát không có… lối ra luôn hen!
Tôi cười mắc cỡ dù mấy anh đó là đồng nghiệp cũ thân thương như người trong nhà. Từ đó, họ gọi tôi là “em Ngọ”, và tôi cũng thích tên “Nguyễn Thị Ngọ” vì tôi “đường đường chính chính” sinh năm Bính Ngọ, chớ không có ý như một vài bà cô nào đó, nhận vơ mình là “nàng thơ” trong bài hát.
Riêng tôi thì tôi biết, khi thi sĩ Phạm Thiên Thư “chân anh nặng nề, lòng anh nức nở” thì tôi chưa được sinh ra hoặc còn đang bận rộn… tắm mưa ngoài đường!
Và cũng nhờ “tiếng tăm” của buổi làm “ca sĩ ” lan xa trong trại mà chú nhà báo Hồ Ông (trước 1975 là cây viết châm biếm của tờ Con Ong, hiện đang định cư bên Úc) đem đến cho tôi tờ tạp chí Làng Văn viết về Phạm Thiên Thư có cả nguyên vẹn bài thơ “Ngày Xưa Hoàng Thị”.
Tôi mừng rỡ sung sướng chép lại trên cuốn sổ Thơ của mình, và còn giữ đến nay trong tủ sách gia đình tại Canada.
Biết bao nhiêu bài hát đã đi vào trái tim tôi, nuôi nấng tâm hồn tôi từ thuở niên thiếu. Mỗi khi có ai nhắc đến Ngày Xưa Hoàng Thị, trong tôi lại xốn xang những đoạn đời dấu yêu của “Ngày Xưa Nguyễn Thị… Tôi” (bắt đầu từ khi mê Thái Thanh), ùa về như thác đổ, lúc vui lúc buồn nhưng chan chứa những kỷ niệm từ cuộc đổi đời, rồi tuổi học trò, tuổi thiếu nữ chớm biết yêu đương… có khi làm tôi thao thức mất ngủ cả đêm vì bồi hồi, nhớ nhung…
Ai mang bụi đỏ đi rồi?!