Tiểu Mai
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dường như đang thực hiện một chiến lược đa chiều ở vùng Caribe nhằm mục tiêu xây dựng các căn cứ quân sự trong khu vực. Tình hình có vẻ giống với những gì chính quyền độc tài này đã làm ở Biển Đông, nơi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc xây dựng các đảo mới và quân sự hóa chúng, bất chấp những cam kết ngược lại.
Đây là nhận định của tiến sĩ Lawrence A. Franklin trong một bài phân tích trên trang web của Viện Gatestone – một tổ chức nghiên cứu chính sách quốc tế. TS Franklin là một cựu quan chức quân đội Mỹ. Ông từng là chuyên gia phân tích cấp cao tại Cục Tình báo Quốc phòng trực thuộc Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ thời Chiến tranh Lạnh.
Trong bài phân tích này, tiến sĩ Franklin đã cảnh báo về sự nguy hiểm của việc Trung Quốc tăng cường đầu tư vào khu vực Caribe về kinh tế và quân sự.
Sáng kiến Vành đai Con đường: Bẫy nợ treo lơ lửng cho vùng Caribe
ĐCSTQ đang đầu tư mạnh mẽ để thành lập một Khu vực Vành đai và Con đường ở Caribe nhằm xâm nhập khu vực. Sáng kiến này bao gồm các dự án xây dựng như hiện đại hóa sân bay và cảng biển.
Tuy nhiên, TS Franklin trong bài bình luận đã chỉ ra rằng những nỗ lực này cũng tạo cơ hội cho Trung Quốc chiếm đoạt chủ quyền các quốc gia trong vùng Caribe bằng cách dụ dỗ họ rơi vào bẫy nợ, khiến họ phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
Điều này đã từng xảy ra ở nhiều quốc gia ở Châu Á. Tại Sri Lanka, việc mất đi khả năng trả nợ Trung Quốc trong thương vụ hiện đại hóa cảng Hambantota đã khiến quốc gia Nam Á này mất cảng biển này vào tay Bắc Kinh. Theo đó chính phủ Sri Lanka bị buộc phải ký kết với Trung Quốc một thỏa thuận bàn giao cảng biển này và 15.000 mẫu đất xung quanh cho Trung Quốc thuê trong vòng 99 năm.
Ở Caribe, chiến lược “bẫy nợ” này có thể còn nguy hiểm hơn vì một số quốc gia mà Trung Quốc đang đầu tư vào bao gồm các nước có chính phủ chống Mỹ – chẳng hạn như Venezuela và Cuba – những quốc gia sẵn sàng hơn trong việc phục vụ tham vọng của Trung Quốc nếu điều đó có thể làm tổn thương đến vị thế của Mỹ trong khu vực.
Các quốc gia khác đã nhận được đầu tư của Trung Quốc bao gồm Jamaica và Bahamas, nơi Trung Quốc đang tham gia vào các dự án cảng biển. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tham gia vào quá trình hiện đại hóa sân bay quốc tế Cheddi Jagan ở Guyana, nơi từng là địa điểm hoạt động của quân đội Mỹ trong Thế chiến II. Với đường băng dài khoảng 3 km, sân bay Cheddi Jagan có thể dễ dàng “chào đón” các máy bay quân sự của Trung Quốc.
Ngoài sáng kiến “Vành đai và Con đường” trong khu vực, cuộc thâm nhập vào vùng Caribe của Trung Quốc còn bao gồm sáng kiến “ngoại giao y tế” trong đại dịch, theo đó Bắc Kinh cung cấp cho Mỹ La-tinh, đặc biệt là các quốc đảo, các thiết bị y tế như khẩu trang, đồ bảo hộ cá nhân, găng tay, máy thở, xe cứu thương và thuốc men.
Vào tháng 5, Trung Quốc đã triệu tập một hội nghị trực tuyến về COVID-19 ở cấp thứ trưởng với sự tham gia của 9 quốc gia vùng Caribe gồm: Antigua, Barbados, Bahamas, Dominica, Granada, Guyana, Suriname, Trinidad và Tobago.
Trung Quốc đã và đang sử dụng vai trò là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất dược phẩm và thiết bị y tế để gặt hái thiện chí giữa đại dịch COVID-19, cung cấp những nguồn trợ cấp y tế ra các nước trên thế giới. Tại Caribe, Trung Quốc đã giao 30.000 bộ dụng cụ xét nghiệm vi rút cho Jamaica, 100.000 khẩu trang bảo hộ cho Cuba và khoảng 100 máy thở cho Cộng hòa Dominica. Ngoài ra, Trung Quốc còn xây dựng các bệnh viện ở Dominica, St. Kitts, Jamaica, Barbados và Trinidad.
Quyền lực mềm thông qua ngoại giao và “giáo dục”
ĐCSTQ cũng đang vận dụng “quyền lực mềm” thông qua chính sách ngoại giao tuyên truyền chống Mỹ thông qua các đại sứ khu vực và việc thành lập “Viện Khổng Tử”. Viện Khổng Tử là cơ sở thiết lập quan hệ đối tác giáo dục công lập giữa các trường cao đẳng và đại học ở Trung Quốc và các nước khác, bao gồm cả ở vùng Caribe.
Trung Quốc đã thành lập 10 Viện Khổng Tử như vậy trong khu vực, bao gồm ở các nước Antigua, Barbuda, Suriname, Bahamas, Barbados, Cuba, Guyana, Jamaica, Trinidad và Tobago, và Venezuela. Các viện này tuyên truyền cùng một loại ngôn luận ủng hộ ĐCSTQ và chống Đài Loan. Ngoài ra, Viện Khổng Tử ở Suriname – nơi có một trong những cộng đồng Hoa kiều lớn nhất tại Caribe – cũng bị nghi ngờ tuyển dụng điệp viên cho ĐCSTQ.
“Quyền lực mềm” này đã dẫn đến việc Cộng hòa Dominica rút lại quan hệ ngoại giao với Đài Loan, nhiều khả năng là để để tận dụng tất cả các cơ hội kinh tế mà mối quan hệ với quốc gia đông dân nhất thế giới này mang lại.
Thiết lập hiện diện quân sự ở Caribe
Theo TS Franklin, mục đích tối hậu của Trung Quốc trong khu vực có thể là thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài, trường kỳ ở Caribe, tương tự như những gì họ đã làm được ở Biển Đông. Trên thực tế, Trung Quốc đã có một số bước tiến cho mục tiêu này, ví như viện trợ cho quân đội các nước trong khu vực.
Lực lượng Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tặng máy bay vận tải Y-12 cho Guyana. Ngoài ra, PLA tiếp tục viện trợ quân sự cho các nước như Jamaica. Trong khi đó, xe cảnh sát do Trung Quốc sản xuất đã được xuất khẩu vào Guyana, còn xe máy của Bắc Kinh thì cho lực lượng cảnh sát ở Trinidad và Tobago.
Đặc biệt, các sĩ quan quân đội từ hầu hết các quốc gia trong khu vực đang không ngừng được đào tạo tại các học viện quân sự ở Trung Quốc.
Tất cả tài trợ này có thể mở đường cho việc Trung Quốc xây dựng các căn cứ trong Vùng Caribe, như nó đã làm được ở Biển Đông. Tại Biển Đông, Bắc Kinh đã xây dựng thành công các căn cứ trên quần đảo Hoàng Sa được một loạt quốc gia khác tuyên bố chủ quyền, bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và các nước khác.
Việc tăng cường lực lượng quân sự ở Caribe cũng có thể gây ra căng thẳng ở Tây Thái Bình Dương và Biển Đông, nơi Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể, và thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trong vùng biển mà Trung Quốc có yêu sách, nhất là dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, nếu Trung Quốc thiết lập một đầu tàu quân sự ở Caribe, thì Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba lặp lại tiềm năng như hồi năm 1982. Hồi đó, Liên Xô đã đặt tên lửa ở Cuba để khiến Mỹ phải rút tên lửa của mình đóng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong kịch bản mới này, Trung Quốc có thể yêu cầu Mỹ giảm bớt sự hiện diện quân sự đáng kể ở khu vực Tây Thái Bình Dương để đổi lấy việc cắt giảm lực lượng quân sự tương ứng của PLA ở Vùng Caribe.