Quạt gió trên quê hương Don Quixote

Trần Lý Lê

Ngày xa xưa, khi được đọc bản dịch tác phẩm để đời Don Quixote de la Mancha của Miguel de Cervantes (Đông Ky Sốt – hiệp sĩ phiêu lưu, dịch giả Bùi Đức Sinh), con bé lên mười là Dế Mèn đây đã mê mệt vì câu chuyện lôi cuốn hấp dẫn quá. Đến giờ đi ngủ còn lén cha mẹ trùm mền bật đèn pin đọc thêm cho đến khi mỏi mắt mới chịu thôi. Đọc đi đọc lại mấy lần vẫn còn say sưa để đến bây giờ mấy chục năm sau, những mẩu chuyện về hiệp sĩ thỉnh thoảng vẫn “sống” lại trong tâm trí.

Cối xay gió        

Sau này được đọc lại tác phẩm bằng Anh ngữ và hiểu thêm chút ít về bối cảnh xã hội thế kỷ XVII, sự say mê ấy vẫn còn nguyên vẹn. Tiền bối Cervantes quả là một người viết tài tình! Qua câu chuyện của một con người mất ngủ triền miên, chịu ảnh hưởng của ảo giác, ảo tưởng… các dấu hiệu của sự điên loạn hay “psychosis”, nên hành xử khác người của nhân vật chính. Và vào thuở ấy, câu chuyện đã gói ghém các tín hiệu nói đến cái “đúng” của cá nhân bất kể những cái “sai” của xã hội chung quanh là một việc làm vô cùng “cấp tiến”.

Toledo, từ trên đồi

Yêu thích chuyện của Don Quixote khiến phe ta tò mò tìm cách đến thăm quê hương La Mancha của hiệp sĩ. Lần đầu tiên vào năm 2000 rồi mới đây, tháng Hai 2020, trước khi đại dịch bùng phát. Năm nọ cũng như bây giờ, những cánh quạt gió (cối xay dùng sức gió) ở miền đất ấy đã giữ trọn sự say mê của Dế Mèn.

Cầu kiểu Moor

Tất nhiên quạt gió hay “windmill” không phải là một phát kiến hay “tài sản” riêng của Tây Ban Nha. Sách vở ghi chép rằng, quạt gió là một cấu trúc dùng sức gió để quay những cánh quạt, tạo ra năng lượng, thoạt tiên dùng để xay lúa nên ngoài “windmill” còn có tên là “windpump” hoặc “windurbin”. Quạt gió có gốc gác từ Trung Ðông và Trung Á, nơi cư dân sử dụng từ thế kỷ IX, lan truyền đến Âu Châu trong thế kỷ XI, từ đó, nhan nhản khắp nơi kể cả châu Mỹ. Theo ý riêng, những chiếc quạt gió “đẹp” nhất của thế giới và còn đang được sử dụng ngày nay nằm ở Hòa Lan (the Netherland).

Nhà thờ chính tòa

Trở lại với những chiếc quạt gió của La Mancha trong làng Consuegra. Làng này ở phía nam Toledo, cách thủ đô Madrid khoảng 90 dặm. Toledo là một thành phố nằm trên đồi, bao quanh bởi dòng sông Targus, có khá nhiều di tích, từ chiếc cầu kiểu Moor, đền thờ Do Thái (trước đây là nhà thờ Thiên Chúa giáo La Mã), nhà thờ kiểu Gothic của thế kỷ XIII, và ngôi nhà thờ nhỏ xíu San Tomé trưng bày một tác phẩm nổi tiếng của El Greco. Mách nhỏ với bạn đọc, tác phẩm của El Greco cũng như các họa phẩm lẫy lừng khác được trưng bày tại Prado Museum ở Madrid, phải nhìn ngắm cả hai, ba ngày mới mãn nhãn. Lần này Dế Mèn đi theo tour nên phải lúp xúp chạy theo người diễn giải để được nghe các chi tiết về một vài tác phẩm nổi tiếng, nhưng chuyến này là lần thứ nhì nên không phàn nàn chi ráo!

Bảng chỉ đường

Thuở trước, các dòng nữ tu khá nhiều, ngày nay chỉ còn một nhà dòng mở cửa. Nơi đó chỉ còn vỏn vẹn vài ba nữ tu, ngày ngày tiếp tục chế bánh churro đem bán. Cửa tiệm bánh ngọt đều trưng bày hình ảnh các nữ tu ấy. Ngay từ trên xa lộ, các hình tượng về Don Quixote đều được trưng bày khắp nơi, từ hình tượng một ông già khẳng khiu với người đồng hành thấp lùn, tròn quay Sancho Panza đến con lừa Rocinante…

Synagogue

Consuegra là một làng nhỏ nằm trên đồi the Cerro Calderico, có 12 cối xay gió bao quanh, và người ta tin rằng đó là những cánh quạt gió được mô tả trong tác phẩm của văn hào Cervantes. Mỗi cối xay gió có một tên riêng, phỏng theo tên gọi của tác phẩm. Làng giữ được hai cối xay gió trong một bảo tàng viện nhỏ nhỏ, cạnh lâu đài cổ, Castle of La Muela, trước đây là nhà tu the Knights of San Juan, thuộc dòng tu The Order of St. John của giáo hội La Mã. Các di tích được ghi nhận là di sản lịch sử của Tây Ban Nha vào năm 2006.

Quán hàng

Phe ta tò mò về tác phẩm Don Quixote de la Mancha hơn là kỹ thuật chế tạo cối xay gió nên đi quanh nhìn ngắm mà không chú ý mấy đến các chi tiết xoay quanh cấu trúc của cối xay. Cối xay là một tháp cao nghệu, nhiều tầng, trên cùng là trụ quạt bốn cánh. Khi gió thổi, cánh quạt quay bánh xe xoay vòng mang theo bộ phận xay, nghiền hạt lúa. Bên dưới là cái sàng khổng lồ, tách rời bột và trấu. Tháp có tám cửa sổ mở ra bốn hướng để nông gia nhận hướng gió mà xoay cánh quạt.

Quán hàng

Ông cụ Don Quixote qua óc tưởng tượng phong phú của nhà văn đã khiến Dế Mèn “giàu có” suốt một thời thơ ấu. Món ăn tinh thần ấy phe ta mang theo vào đời; lúc nào buồn bực mệt mỏi thì lại nghĩ đến cảnh tượng ông cụ rút gươm đánh gió và đặt câu hỏi. Sự khó khăn trở ngại kia có phần nào đến từ sự tưởng tượng? Rút gươm uýnh gió như ông cụ hoang tưởng kia là việc làm tổn hao sức lực và vô vọng?

Tác giả chụp hình lưu niệm.

Related posts