Chinh Phụ Ngâm

Lê Chiều Giang

“Chồng em rách nát chiến bào
Vi vu gió thổi bay vào Kinh Đô.”

Kiều Loan-  kịch thơ Hoàng Cầm

Cô bạn lườm nguýt, nhìn tôi như một kẻ ”phản quốc”, khi tôi nói với cô rằng, suốt hết thời thiếu nữ tôi đã chẳng có quen ai, không biết người lính chiến nào trong Quân Đội VNCH.

Tôi mê Chinh Phụ Ngâm. Mê những anh hùng Trác Bạc, vung kiếm đao quét sạch quân thù nơi chiến trường xa xăm, mù mịt.

Những tráng sĩ kiêu hùng, dạn dầy gió sương… Đẹp bàng bạc với hình ảnh của chút ngông cuồng, phiêu lãng.

Niềm u hoài của thiếu phụ mong chồng, se sắt trong những đêm dài chờ đợi, cũng phải mơ màng, rơi rơi theo trăm vần thơ trác tuyệt, đẹp ngời và nên thơ…

“ Chiến tranh”, mà tôi còn “chọn lựa”, còn tìm cho ra những khổ đau trong bối cảnh lãng mạn, thơ mộng và còn phải đẹp như trăng.

“…Chàng ruỗi ngựa dặm trường mây phủ

Thiếp dạo hài lầu cũ rêu in…”

“…Tìm chàng thuở Dương Đài, lối cũ

Gặp chàng nơi Tương Phố, bến xưa…” [ Chinh Phụ Ngâm ]

Khi chiến tranh nẩy lửa, tang thương vùi dập trên khắp cả quê hương, SàiGòn vẫn có những đứa học trò như tôi, chỉ nghe “ chiến tranh ” trong Radio, ngó sơ sơ những thời sự chiến trường qua TV, và đặc biệt, không theo dõi những Quảng Trị kinh hoàng, Khe Sanh bừng lửa trên báo chí….Nhất định chỉ đọc Chinh Phụ Ngâm…, Và chiến tranh của tôi, đã mơ màng theo Chinh Phu lang bạt hay Cô Phụ ngồi chờ chồng trong những đêm dài mưa rơi, gió lộng….

Cho đến khi tôi gặp Anh, cứ coi như đã gặp người chiến sĩ duy nhất, dù cuộc đao binh ̣đã tàn.

Năm 1982, Anh mới ra khỏi trại tù vài tháng, sau 7 năm bị đầy ải nơi rừng thiêng nước độc, Cổng Trời.

Thời gian đó, đi theo anh chị họa sĩ Cù Nguyễn, tôi mang hết tủ sách của Nghiêu Đề đã nhọc công giấ́u diếm ra bày, bán chữ nghĩa ngoài Chợ Sách trên đường Calmette, Ký Con.

Bán thì ít mà tôi mải mê đọc lại những cuốn sách quí đó thì nhiều. Tôi xót xa, tiếc rẻ khi phải bán đi sách của Arthur Koestler, Dostoevsky hay Solzhenitsyn….

Những dịch giả miền Nam đã mang văn chương thế giới trải dài… cho nền văn hoá Việt những ánh đèn rực rỡ sáng. Đã mang những minh triết, tinh hoa từ muôn phương, giúp tuổi trẻ chúng tôi được thưởng lãm và học hỏi qua những quyển sách vô cùng giá trị, để chúng tôi có đầy ắp những thăng hoa cho một cuộc sống đẹp ngời.

Bằng giọng miền Bắc của Sàigon thanh thao, nhưng lại trầm như một note nhạc rơi xuống thấp. Anh đã làm tôi muốn tặng luôn cuốn “ Đôi bạn chân tình” của Hermann Hesse thay vì phải bán với gíá rất mắc, một cuốn sách mà chắc không còn ai có.

Chị Cù Nguyễn đưa mắt nhìn như muốn khiếu nại, thắc mắc. Sao tôi bán mà như cho không, quyển sách hiếm hoi tới một độc giả vừa gặp như vậy?

Tôi hay bị xúc động rồi mụ mị ngang xương, điều này bí mật, không ai hiểu được đâu. Chắc chỉ có mình tôi biết…

Sau khi mua và đã đọc gần hết “tủ” sách của tôi, Anh viết cho tôi mỗi ngày, trên mặt sau của tờ giấy bạc trong bao thuốc lá.

Những cay đắng của một người sau bảy năm dài tù đầy, trở lại căn nhà xưa, người vợ đã bỏ đi biền biệt….Anh chỉ viết như tâm sự lan man, chút chi tiết u ám cho tôi hiểu, còn lại là những mông lung quanh vài quyển sách đã đọc…Hoặc vài ý nghĩ rời của những tháng ngày tuyệt vọng, không còn thiết tha gì, với bao đổi thay nghiệt ngã đầy tàn bạo trên quê hương.

Anh còn loanh quanh viết vài câu cho tôi hiểu rằng, niềm vui duy nhất của Anh bây giờ chỉ là, ngồi quán Cafe bên đường nhìn…tôi bán sách!!

Tôi ngậm ngùi nghiệm ra nỗi lòng đầy não nề, ẩn ức của cả dân tộc tôi, trong đó có Anh. Bỗng dưng mà mất trắng cả một quê hương, dù sau những năm dài đã phải trả bằng bao máu xương và nước mắt.

Tôi không có đủ sự mạo hiểm để thư qua thư lại cùng Anh. Nhưng cũng chẳng có nghĩa là tôi không chờ, không đợi, những lời lẽ dễ thương, đậm đà Anh viết mỗi ngày. Thêm vào đó, chữ Anh rất đẹp và bay bướm, mà tuổi đời tôi còn nhỏ và đầy những u mê…Còn thích cả từ một nét chữ hào hoa, hay một giọng nói thâm trầm, ấm áp…

Anh kiên nhẫn viết, dù chẳng bao giờ tôi dám trả lời.

**************

Tôi rục rã, tang thương từ ngày Chồng đau yếu, rồi qua đời…

Tang lễ Anh trang trọng, với rất đông bạn bè quí mến xa gần tới tiễn đưa, chứ không phải chỉ riêng tại California, nơi chúng tôi đã nhiều năm sinh sống.

Khi sắp sửa ra về, sau một ngày dài đầy nghi lễ…Bỗng trước mặt tôi là ai, rất lạ. Chưa kịp thắc mắc, Ông đưa tôi cuốn sách cũ:” Đôi bạn chân tình”, Hermann Hesse. Không nói thêm câu nào, Ông bỏ đi ngay.

Trong một luân lý vừa đủ, vẫn cần phải gìn giữ, tôi cho thái độ của Ông khi bước rất nhanh, rời khỏi nơi mới chôn cất người quá cố, là một sự hợp lý…Nhưng vẫn nhìn theo dáng Ông, nhận ra người mua sách, và chợt tôi nhớ lại những tờ giấy nhỏ năm xưa, đã 15 năm cũ.

Ghép trong cuốn sách là tờ giấy bạc còn thơm mùi thuốc lá. Đặc biệt là những dòng chữ vẫn rất đẹp, kèm theo là số điện thoại…

Chẳng có nghị lực, can đảm nào để tôi nghĩ tới chuyện huyên thuyên, líu lo cùng với ai. Sau một biến cố dễ sợ, đã nhốt tôi trong vật vã, đớn đau suốt 3 năm dài, và không biết sẽ còn cho đến bao giờ nữa?

Điều bắt buộc là tôi phải quên ngay Ông. Và rất ngăn nắp, tôi xếp Hermman Hesse vào trong tủ sách, như đã cất đi một niềm bí ẩn.

*****************

Cô bạn đã ghép tôi tội “phản quốc”, nhất định mời tôi tới buổi họp mặt kỷ niệm 30 tháng 4, do hội HO tổ chức ngày mai..

Để tránh chuyện bị vu vạ thêm cả tội “ bán nước”, chỉ vì đã không bao giờ là “Người yêu của lính”. Tôi đành phải thuận theo lời, đi với bạn.

Tôi khóc khi bài Quốc Ca hào hùng vang lên cùng lá cờ bay trong gió. Đã bao năm rồi tôi mới đến cùng với quê hương, một quê hương đầy tai ương, và với cả những dập vùi thê thảm…

Có ai đó trên sân khấu, ôm đàn hát giọng tenor vang vọng, đã làm tôi phải lắng nghe:

“…Hồng hà mênh mông trôi cát tới chân làng quê

“…Hồng Hà ơi, ta nhớ mùa thu xưa nước về, khi bóng cờ đêm khuya… ” [ Đỗ Nhuận ]

Tôi nhận ra người đang hát là Ông, người đọc Hermann Hesse. Không ngờ Ông hát rất hay một bài tôi thích nhất. Tiếng hát vang xa và cao vút như của Luciano, một trong “The Three Tenor” mà tôi thường say sưa, tưởng như phải nghe cho đến chết.

Tôi chợt rúng động, bởi qua tiếng hát, tôi nhớ lại giọng nói quyến rũ của Ông khi gặp ở “Chợ Sách” những năm xưa…

Và, Ông cũng chợt nhận ra tôi, khi đi vòng qua vòng lại, cười nói cùng bè bạn.

Như một đợi chờ quen thuộc, tôi tưởng Ông lại sắp đưa cho tôi miếng giấy bạc, với những nét viết hào hoa…

**

Tôi về tay không. Ông đã chẳng còn hút thuốc.

LêChiềuGiang

Related posts