Hải Lam
Năm 2020 đang khép lại, dưới đây là một số sự kiện nổi bật ở châu Á theo góc nhìn của tờ SCMP.
1. Châu Á ứng phó với dịch viêm phổi Vũ Hán
Từ Thái Lan cho đến Đài Loan, giới chức trên khắp châu Á đã ứng phó với dịch viêm phổi Vũ Hán theo những cách hiệu quả hơn so với các nước phương Tây.
Việt Nam, với các biện pháp cách ly nghiêm ngặt và truy vết tiếp xúc mạnh mẽ, đã đánh bại đợt lây nhiễm đầu tiên vào tháng 4 và trải qua gần 100 ngày không ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương chủ yếu nhắm đến mục tiêu xóa sổ virus bằng cách giảm lây truyền trong cộng đồng xuống 0, dẫn đến tỷ lệ tử vong thấp hơn và phục hồi kinh tế nhanh hơn.
2. Shinzo Abe từ chức
Shinzo Abe, thủ tướng tại nhiệm lâu nhất Nhật Bản, hồi tháng 8 đã đột ngột từ chức vì lý do sức khỏe. Kế nhiệm ông là Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga, người đã cam kết tiếp tục các chính sách của Abe.
3. Trung – Ấn đụng độ ở biên giới
Giữa tháng 6, lính Trung Quốc và Ấn Độ đụng độ tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh, nơi cả hai đều tuyên bố chủ quyền. 20 lính Ấn Độ thiệt mạng trong khi Trung Quốc không xác nhận thương vong ở phía mình.
Sau vụ ẩu đả, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đều điều lượng lớn binh sĩ cùng khí tài hạng nặng tăng viện cho khu vực biên giới, khiến nhiều bên lo ngại căng thẳng có thể dẫn đến xung đột vũ trang toàn diện giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
4. Đồn đoán về sức khỏe Kim Jong-un
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bị đồn ốm nặng hoặc thậm chí qua đời hồi tháng 4.
Một số trang tin sau đó nói rằng lãnh đạo Triều Tiên đã không thể hồi phục sau một cuộc phẫu thuật tim. Các tin đồn càng “nóng” lên với tin tức em gái Kim Jong-un đã được trao các nhiệm vụ mới. Tuy nhiên, vài ngày sau, khi ông Kim xuất hiện trước công chúng.
5. ‘Trò chơi vương quyền’ ở Malaysia
Chính trường Malaysia 2020 được ví như “trò chơi vương quyền” vì một tuần hỗn loạn chính trị hồi đầu năm. Mahathir Mohamad, người từng làm thủ tướng hai nhiệm kỳ, đã trở lại vị trí này sau cuộc bầu cử năm 2018, khi đã ngoài 90 tuổi. Hồi tháng hai, ông từ chức, nhưng thực chất ông mở ra một “cuộc chiến” quyền lực với cựu đồng minh Anwar Ibrahim.
Anwar từng là cấp phó của Mahathir khi Mahathir giữ chức thủ tướng vào những năm 1990. Khi khủng hoảng tài chính châu Á khiến kinh tế Malaysia rơi vào suy thoái cuối những năm 1990, mối quan hệ giữa hai người rạn nứt.
6. Biểu tình Thái Lan
Hoàng gia Thái Lan đối mặt áp lực lớn khi kể từ tháng 7, các cuộc biểu tình nổ ra với ba yêu cầu chính gồm đòi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức, thay đổi hiến pháp và cải cách chế độ quân chủ.
Biểu tình đã trở thành thách thức lớn nhất đối với hoàng gia Thái Lan trong suốt nhiều thập niên, khi người biểu tình phá vỡ những điều cấm kỵ bằng cách công khai chỉ trích chế độ quân chủ, vốn phải được tôn kính theo Hiến pháp.
7. Ký kết Hiệp định RCEP
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được “thai nghén” cách đây 8 năm như một cách để kết hợp các hiệp định thương mại hai chiều giữa các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với 6 đối tác thương mại chính.
Sau 31 vòng đàm phán, RCEP được ký kết tại Hà Nội hôm 15/11 giữa 10 nước thành viên ASEAN và 5 đối tác của khối là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
8. Cuộc chiến công hàm ở Biển Đông
Sau khi Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague đưa ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông vào năm 2016,, phán quyết hiếm khi được các bên có tuyên bố chủ quyền chồng lấn viện dẫn.
Nhưng giờ đây, phán quyết đã trở thành trụ cột của “chiến thuật pháp lý” mà các bên tranh chấp sử dụng trong năm nay để tăng cường sức ép lên Bắc Kinh. Bằng chứng rõ ràng nhất là một loạt công hàm ngoại giao mà các quốc gia có tranh chấp trong ASEAN và cả các quốc gia không có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông như Mỹ và Australia đã gửi cho Liên Hợp Quốc trong 9 tháng qua, liên quan đến yêu sách “đường 9 đoạn”.
Hơn 15 công hàm, hai công thư gửi cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cùng một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Brunei đã được đưa ra trong một loạt cuộc trao đổi được gọi là “cuộc chiến công hàm”.