1-1-2020
Tờ lịch cuối cùng của năm 2020 đã rơi xuống, mở đầu cho năm 2021. Năm 2020 là năm mà loài người không thể quên. Đó là một năm lạ thường. Đại dịch Vũ Hán bắt đầu từ những tháng cuối của năm 2019 và kéo dài cho đến nay, không biết bao giờ mới chấm dứt.
Tính cho đến hôm nay, 31.12.2020 theo trang thống kê Worldometers, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 82.991.800 ca nhiễm virus Vũ Hán, trong đó có 1.809.988 ca tử vong. Một con số khủng khiếp đe doạ mạng sống của loài người trên trái đất này.
Mỹ là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch Vũ Hán, với 20.174.094 người nhiễm bệnh kể từ khi dịch bùng phát và 349.982 người trong đó đã tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai sau Mỹ, với 10.267.283 người nhiễm bệnh và 148.774 ca tử vong. Brazil xếp thứ ba, với 7.619.200 người mắc và 193.875 ca tử vong.
Tại châu Âu, giới chức y tế Đức thông báo số ca tử vong do virus Vũ Hán tại nước này trong một ngày đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 người. Cụ thể, trong 24 giờ qua, đã có 1.129 người thiệt mạng, nâng tổng số ca tử vong ở Đức kể từ đầu dịch lên 32.420 người. Số ca nhiễm mới tăng thêm 22.459 lên 1.691.707 trường hợp.
Tại Anh, trong ngày 29/12, nước này đã có thêm 53.135 ca mắc dịch. Đây là lần đầu tiên Anh ghi nhận, số ca mắc mới trong một ngày trên 50.000 ca kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Theo đó, tổng số ca nhiễm tại xứ sở sương mù đã tăng lên 2.382.865 ca. Số người tử vong tại Anh tăng thêm 414 lên 71.567 ca.
Những con số thống kê hàng ngày làm cho người ta ớn lạnh, số người tử vong càng lúc càng cao. Dù thế giới đã sản xuất được vaccine, thế nhưng vẫn chưa thấy tác dụng rõ rệt và làn sóng dịch bệnh ở Mỹ và các nước châu Âu vẫn chưa được khống chế.
Đại dịch này đã làm thay đổi trật tự thế giới, thay đổi tư duy từng con người. Qua đại dịch, con người tự nhìn lại mình, các quốc gia xét lại quan điểm của mình và nhân loại sau cơn khủng hoảng sẽ có một cái nhìn khác.
Thế giới đại chiến lần thứ nhất để lại rất nhiều hậu quả. Cuộc chiến làm hơn mười triệu người chết và hàng chục triệu người khác bị tàn phế, các thành phố, làng mạc, đường sá, cầu cống, nhà máy bị phá hủy.
Chiến tranh thế giới thứ hai là một cuộc chiến tranh toàn diện, kể cả dân thường không ở mặt trận cũng bị đánh bom hàng loạt. Khoảng 70 triệu người đã chết do cuộc chiến này, kể cả những hành động diệt chủng của Đức Quốc xã. Trong số thương vong, 60% người chết là thường dân, chết vì bệnh dịch, nạn đói, nạn diệt chủng và bom đạn.
Đại dịch virus Vũ Hán được ví như cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba. Cho đến bây giờ, số người chết tuy ít hơn hai cuộc thế chiến trước đó, nhưng hậu quả của nó không kém phần bi thảm. Đó là một cuộc chiến mà kẻ thù không thấy mặt, người chết không phân biệt tiền tuyến hay hậu phương, cái chết bay trong không khí, trong hơi thở và ai cũng có thể là nạn nhân. Những cái chết âm thầm và lặng lẽ, thân nhân cũng không được chia tay, chứng kiến những giây phút cuối cùng.
Năm 2020 đi qua với nỗi lo âu. Người trẻ tuổi còn cả đoạn đường dài trước mặt. Người già năm tháng chẳng còn bao nhiêu lại mất đi một năm trôi qua vô ích, một năm chẳng làm được chuyện gì. Nhân loại bị nhốt trong một nhà tù vô hình, những sự dịch chuyển đều mang đến những hậu quả.
Kinh tế thụt lùi, doanh nghiệp ngắc ngoải, tầng lớp người nghèo lại càng khó khăn nhiều hơn trong sinh kế. Một năm không thể quên trong tâm trí của mọi người. Nếu thật sự đại dịch này xuất phát từ âm mưu của kẻ nào đó, kẻ ấy đã thành công khi cả thế giới đã bị đe dọa và chịu ảnh hưởng nặng nề. Và tương lai, lịch sử loài người sẽ đời đời nguyền rủa chúng.
Một năm nữa đã qua đi trong thấp thỏm. Rất may ở Việt Nam, số ca mắc bệnh và tử vong vẫn đang ở con số khá thấp so với các nước trên thế giới. Thành công của Việt Nam là nhờ đất nước này kiểm soát người dân bằng hệ thống công an và quân đội. Do vậy, khi phát hiện người nhiễm bệnh, hệ thống an ninh làm việc cật lực, cộng với quyết tâm của nhà nước, người nhiễm bệnh sẽ bị cô lập, danh sách những người có liên quan được hình thành ngay và họ được theo dõi, cách ly tức thì.
Ở các nước không làm được điều này vì đụng đến quyền tự do cá nhân và hệ thống an ninh cũng không thể lập được danh sách như ở Việt Nam. Việt Nam thành công ngăn chận đại dịch cũng nhờ cơ chế. Hơn nữa, phải công nhận một điều là người dân chấp hành rất tốt những yêu cầu của chính phủ. Ở Việt Nam hầu như 100% người dân ra đường đều mang khẩu trang, một biện pháp rất hữu hiệu để ngăn chận sự lan toả của dịch bệnh.
Năm mới đang đến, cầu mong cho đại dịch chấm dứt, nhân loại được bình an, kinh tế được phục hồi. Những âm mưu chính trị nếu có sẽ bị lột mặt nạ để loài người có thể nhận diện được kẻ thù, kẻ gây nên cơn đại dịch của thế kỷ. Chấp tay cầu nguyện cho ngày mai tươi sáng hơn, con virus giết người sẽ biến mất và trái đất sẽ trở lại là hành tinh xanh hạnh phúc.