Kim Chung một thời vang bóng

Trang Nguyên

Nếu đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga nổi tiếng vào thập niên 1960 thì đoàn hát Kim Chung cũng vang bóng một thời vào nửa cuối thập niên 1950. Đoàn hát ban đầu gặp nhiều khó khăn khi di cư vào Nam. Người dân trong Nam không quen với lối ca hát của đào kép đất Bắc nên người xem ít ỏi. Dần dần đào kép đoàn Kim Chung nhận ra điều đó, cố gắng ca vọng cổ theo giọng Nam, càng ngày càng thu hút khán giả.

Khán giả đi xem cải lương của đoàn Kim Chung (Ảnh: Internet)   

Ông Tư Giao, một người mê cải lương và cũng là ký giả kịch trường của tờ Sân Khấu kể cho tôi nghe chuyện thăng trầm của sân khấu Kim Chung khi mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn hồi năm 1954. Ðến xứ lạ, không hợp phong cách với lời ca giọng điệu nên vắng bóng người xem. Hầu hết khán giả của đoàn Kim Chung lúc đó là người Bắc mới di cư vào Nam, nhớ quê, nhớ các giọng ca của đào kép xứ Bắc nổi tiếng đương thời như Kim Chung, Bích Hợp, Bích Sơn, Huỳnh Thái… nên đến rạp xem ủng hộ. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít khán giả, không đủ bù các chi phí hằng ngày. Ông bầu Long (Trần Việt Long) làm liều để giữ đoàn không tan rã, dùng tiền túi nuôi cả đoàn hát ba bốn chục người, thuê luôn rạp Trung ương Hí viện (tức rạp Aristo trên đường Lê Lai) để củng cố niềm tin cho đào kép.

Ông Long từng là công tử con nhà giàu, từng đi du học ở Pháp, Ðức lại mê cải lương và mê thêm luôn cô đào Kim Chung nên bỏ tiền thành lập đoàn hát lấy tên là Ðoàn cải lương Kim Chung. Thuở đó, đoàn Kim Chung đình đám lắm, mệnh danh là “Tiếng chuông vàng Bắc Việt”. Từ lúc lên mười, Kim Chung đã tham gia Ban Ðồng Ấu Nhật Tân, chuyên diễn tuồng Hồ Quảng của ông bầu Tài Quang. Năm 16 tuổi, Kim Chung đã là đào chính của đoàn Cải Lương Tố Như, nổi tiếng trên sân khấu đất Bắc, được mệnh danh là “Ðệ nhất danh ca Bắc Hà”.

Khi cải lương có mặt ở Hà Nội lập tức được khán giả miền Bắc tiếp nhận, nhanh chóng trở thành một môn nghệ thuật sân khấu mới ngày càng ăn sâu bám rễ trên đất Hà thành. Và không ngờ, hơn 20 năm sau, Công ty Sân khấu Kim Chung – công ty mang tên “Ðệ nhất danh ca Bắc Hà” lại làm nên sự nghiệp lớn trên đất Sài thành, không chỉ ở sân khấu cải lương thu hút đông đảo khán giả miền Nam mà còn là nơi phát hiện, đào tạo và làm nên tên tuổi của nhiều ngôi sao cải lương Nam phần.

Quảng cáo trên báo của đoàn Cải lương Kim Chung Xuân Bính Thân 1956 (Ảnh: Internet)

Cải lương dễ đi vào lòng người, phù hợp với tâm lý con người Việt Nam, không phân biệt ở địa phương nào. Về mặt nghệ thuật, cải lương vừa thừa kế được một số yếu tố của tuồng, chèo, lại vừa có được những yếu tố mới mẻ, hiện đại của nghệ thuật phương Tây là kịch nói. Có lẽ vì thế cải lương được đông đảo quần chúng ở cả ba miền đón nhận như một xu hướng nghệ thuật sân khấu mới, ra đời và lan tỏa vào nửa đầu của thế kỷ XX.Xem thêm:   Băng mô tô Hells Angels

Theo tài liệu kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương cho biết: Từ năm 1935 tới năm 1941 nhiều gánh hát cải lương được thành lập ở miền Bắc như Nhật Tân Ban, Quốc Hoa, Tố Như, Ái Liên, Ðức Huy, Nam Hồng v.v. Nhiều gánh vào Nam biểu diễn và gặt hái được thành công. Ngược lại, một số gánh hát của miền Nam như An Lạc Ban, Phước Cương, Tân Hí Ban, Trần Ðắt, Năm Phỉ, Phụng Hảo, Thanh Tùng, Năm Châu, Kim Thoa ra Bắc biểu diễn cũng được khán giả rất mến mộ.

Bấy nhiêu chi tiết lịch sử đủ cho thấy nghệ thuật cải lương dù xuất phát từ miền Nam nhưng rất nhanh chóng chinh phục được công chúng miền Bắc, nhất là ở Hà Nội, một công chúng có trình độ, không hề “dễ tính” trong thưởng thức văn học nghệ thuật. Trước đó đã có tuồng, chèo và cả kịch nói là loại hình sân khấu hoàn toàn mới mẻ, mới được du nhập vào nước ta gần như đồng thời với sự xuất hiện của cải lương trên đất Bắc.

Trở lại đoàn Kim Chung khi vào Nam, cái nôi sản sinh ra nghệ thuật cải lương, đoàn hát mới đương nhiên bị lấn áp. Ðất mới, khán giả mới, giọng ca đào kép mới không giống giọng ca của đào kép trong Nam, sân khấu Kim Chung sẽ bị ảnh hưởng nếu không thay đổi cho phù hợp thị hiếu khán giả trong Nam vốn khó tính nhưng lại bao dung với các đoàn cải lương. Dần dần đoàn Kim Cương bắt đầu chinh phục được khán giả. Ông Long thuê dài hạn rạp Aristo để cả đoàn có nơi hoạt động và định hình lại phong cách biểu diễn. Ấy thế mà hồi đó, giới cải lương trong Nam cứ bảo ông Long này dở hơi. Một tuồng diễn chừng tuần lễ là hết khán giả, xưa nay chưa có gánh hát nào nằm lì một chỗ vài ba tháng diễn tuồng. Ðó là lý do tại sao các đoàn hát phải lưu động biểu diễn ở khắp nơi. Hơn nữa, rạp Aristo tuy nằm ở trung tâm Sài Gòn nhưng lại là nơi mà sinh hoạt của người dân rất phức tạp vì nằm gần nhà ga xe lửa, đường sá di chuyển bất lợi, so với các rạp gần đó như Thành Xương hay Nguyễn Văn Hảo.

Quảng cáo của đoàn Kim Chung hát tại rạp Aristo (Ảnh: Internet)

Sở dĩ ông bầu Long chọn thuê rạp Aristo dài hạn là vì giá thuê khá rẻ do ít đoàn hát nào đến thuê. Ông ký hợp đồng 5 năm, trả tiền từng năm, chủ rạp mừng húm lại còn cho giá rẻ. Tính ra chi phí thanh toán cho đào kép và số khán giả người Bắc di cư ủng hộ từng đêm, ông cũng không lỗ lã bao nhiêu. Nhưng thật may mắn, khán giả trong Nam bắt đầu tò mò đến rạp để xem đào kép mới miền Bắc hát cải lương ra sao. Ðào kép Kim Chung đáp ứng được giọng hát không thua gì đào kép trong Nam, dần thu hút đông đảo khán giả. Gánh Kim Chung bắt đầu ăn nên làm ra chỉ sau một thời gian ngắn. Ðiều làm cho giới cải lương kinh ngạc là đoàn Kim Chung hát liền tù tì vở “Trăng giãi đêm sương” suốt 40 đêm, phá kỷ lục của các đoàn khác diễn vở ăn khách nhất cũng chỉ đến tuần thứ ba là thưa khán giả.Xem thêm:   Cây thông Noel tại Pháp

Ngoài những đào kép đất Bắc của đoàn Kim Chung sẵn có, bầu Long còn hợp đồng với các đào kép tên tuổi được khán giả mến mộ, cho nên có thể nói phần lớn tài danh sân khấu cải lương đã ở dưới trướng của bầu Long. Các nghệ sĩ tên tuổi hát cho Kim Chung người ta phải kể: Út Trà Ôn, Hùng Cường, Tấn Tài, Út Bạch Lan, Thanh Hải, Diệu Hiền, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ, và ba giọng ca mùi mẫn: Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương…

Thời gian này cũng là lúc Sài Gòn phát triển nhanh chóng các rạp chiếu bóng. Các rạp hát nhỏ dần bị phá bỏ và nhiều địa điểm xây cất mới rạp hát hiện đại hơn dành cho điện ảnh và các đoàn cải lương.

Đoàn Kim Chung hát Tết ở rạp Olympic (Ảnh: Internet)

Rạp Aristo không còn nữa nhưng vẫn là nhân chứng cho một giai đoạn phát triển và làm nên tên tuổi của đoàn Kim Chung tại đất Sài thành. Ðó cũng là nhờ tài năng quán xuyến của ông bầu Long và hiền thê Kim Chung của ông. Trong giới cải lương nhiều người còn nhớ tài ngoại giao của ông bầu Long với Bộ Thông Tin khi xin cho đoàn được sang Pháp lưu diễn, sau khi đoàn Thanh Minh Thanh Nga được Bộ cử sang Pháp biểu diễn thành công rực rỡ. Ðoàn Kim Chung xin đi tự túc, lời ăn lỗ chịu. Hơn nữa, bấy giờ chính quyền cũng ý thức được tầm quan trọng trao đổi văn hoá của các đoàn nghệ thuật sang nước ngoài nên dễ dàng chấp thuận cho đoàn Kim Chung lưu diễn. Sang Pháp biểu diễn, ông Long thuê rạp ở các tỉnh có đông người Việt, hát suốt cả tuần thu về bộn bạc, rồi về Paris hát nhiều suất ở các rạp lớn. Sau chuyến lưu diễn đoàn Kim Chung càng nổi tiếng hơn trong nước, suất hát nào cũng đông kín khán giả kéo dài cả chục năm. Làm ăn phát đạt, ông bầu Long sắm nhà bên Pháp, cho con cái học hành bên đó, hai vợ chồng ông đi Tây liên tục.

Sau 1975, ông bầu Long và đào Kim Chung cùng gia đình đi Pháp. Ðến năm 1981, ông về nước mang theo dự tính xây dựng lại đoàn Kim Chung. Nhưng, tuổi già sức yếu, ông đành ẩn thân cho đến năm 81 tuổi, năm 2003, thì về với Tổ nghiệp cải lương. Và bà vợ, đào Kim Chung thì mất sau ông 5 năm tại Tân Bình, thọ 85 tuổi.

Related posts