Tâm Thanh
Trung Quốc đang dự tính xây một siêu đập nước trên một con sông lớn giữa Ấn Độ và Bangladesh. Điều này khiến các chuyên gia Ấn Độ cũng như Bangladesh quan ngại sâu sắc.
Dự án đập nước khổng lồ sẽ được xây dựng gần biên giới tranh chấp đang có hoạt động quân sự gia tăng giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Một khi bất đồng giữa hai nước về vấn đề biên giới tại dãy Himalaya ngày càng gia tăng, Trung Quốc sẽ nắm ưu thế chiến lược hơn so với Ấn Độ. Ngoài ra, do Bangladesh phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nước ngọt từ các con sông trong khu vực, nên dự án này cũng khiến Bangladesh vô cùng lo lắng.
Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ, Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc hồi cuối năm ngoái đã công bố quyết định xây một con đập khổng lồ trên sông Brahmaputra. Theo báo cáo từ truyền thông Trung Quốc, con đập dự tính sẽ có công suất phát điện lên tới 60 gigawatt (GW), gấp 3 lần so với đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử ở Trung Quốc đại lục.
Khi mối quan hệ song phương Trung-Ấn ngày càng xấu đi, ĐCSTQ đã có nhiều hành động đơn phương nhằm kiểm soát dòng chảy của các con sông xuyên quốc gia, khiến Ấn Độ cảnh giác cao độ. Jagannath Panda, chuyên gia về các vấn đề Đông Á tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar ở New Delhi cho biết:
“ĐCSTQ đang cố gắng liên kết vấn đề nguồn nước với các tranh chấp biên giới rộng hơn để gây áp lực lên Ấn Độ”.
Mặc dù Đại sứ quán Trung Quốc tại New Delhi đã cố gắng giảm nhiệt dư luận về kế hoạch xây đập hồi tháng trước thông qua một tuyên bố nêu rõ:
“Bất kỳ kế hoạch phát triển nào cũng phải được hoạch định và xác nhận một cách khoa học, cân nhắc đầy đủ đến các tác động đối với vùng hạ lưu, cũng như lợi ích của các quốc gia ở thượng và hạ nguồn”.
Tuy nhiên, chuyên gia Jagannath Panda cho hay:
“Tuyên bố bằng văn bản [của phía Trung Quốc] là vô nghĩa”.
Ông cũng chỉ ra rằng, trong cuộc xung đột quân sự căng thẳng ở biên giới hai nước hồi năm 2017, Bắc Kinh đã không cung cấp cho New Delhi bất kỳ thông tin thủy văn nào về tình hình lũ lụt ở khu vực đông bắc Ấn Độ.
Các chuyên gia quân sự ở New Delhi cũng cho rằng, một con đập được xây gần biên giới tranh chấp sẽ có tác động nghiêm trọng và sâu rộng đến an ninh quân sự của Ấn Độ.
Chuẩn tướng Arun Sahgal, thành viên nhóm chính sách Delhi Policy Group cho biết:
“Nếu một dự án như vậy được khởi công gần biên giới tranh chấp, nó sẽ trở thành lằn ranh đỏ khổng lồ đẩy Ấn Độ vào mọi tình huống quân sự có thể tưởng tượng ra”.
Hơn nữa, sau khi phía Trung Quốc hoàn tất một dự án quy mô lớn như vậy, họ có thể triển khai các hệ thống vũ khí phòng không, phát triển đường xá và xây dựng các thị trấn mới.
Ngay sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch xây đập, các quan chức Ấn Độ cho biết, New Delhi cũng sẽ hoàn thiện kế hoạch xây một con đập đối ứng trên sông Brahmaputra.
TS Mehra, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Tài nguyên nước Ấn Độ cho hay: “Kế hoạch này nhằm khắc chế những tác động từ dự án thủy điện của Trung Quốc”.
Ngoài Ấn Độ, dự án xây đập của Trung Quốc cũng khiến quốc gia láng giềng Bangladesh cảnh giác cao độ.
Bangladesh cho rằng, dự án siêu đập nước của Trung Quốc sẽ có nhiều tác động tiêu cực đến họ hơn là Ấn Độ. Malik Fida Khan, giám đốc điều hành trung tâm dịch vụ thông tin địa lý và môi trường ở Dhaka cho biết: “Vào thời điểm mùa khô ở Bangladesh, nguồn cung nước từ sông Brahmaputra là đặc biệt quan trọng”.
Nếu Trung Quốc xây dựng siêu đập, con đập này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến dòng chảy của con sông, mà còn tác động rất lớn đến hệ sinh thái ở hạ lưu sau khi các vật chất lắng đọng và chất dinh dưỡng trong nước bị chặn lại ở thượng nguồn”.
Đây không phải là lần đầu tiên dự án thủy điện của Trung Quốc làm dấy lên căng thẳng trong khu vực, bởi Trung Quốc từ lâu cũng đang vấp phải chỉ trích của các nước hạ lưu sông Mê Kông vì gây ra tình trạng khô hạn ở các nước này do xây dựng một loạt đập thủy điện trên thượng nguồn.