Cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ 53 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ bằng Luật An ninh Quốc gia, gây chấn động dư luận. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đáp lại rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ ngồi nhìn người Hồng Kông bị ĐCSTQ đàn áp, và sẽ xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các bên liên quan, theo Sound Of Hope ngày 7/1.
Ngoại trưởng Pompeo đã đưa ra một tuyên bố vào tối thứ Tư (6/1) theo giờ Mỹ, nói rằng cuộc đột kích này phản ánh rõ ràng việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi thường người dân và pháp quyền của họ. Hoa Kỳ tức giận về điều này và sẽ hành động để ngăn chặn nó. Ông nói: “Ở Hồng Kông, người dân đang bị áp bức bởi ĐCSTQ. Bây giờ, nước Mỹ sẽ không khoanh tay đứng nhìn”.
Mike Pompeo nói: “Mỹ sẽ xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt hoặc các hạn chế khác đối với bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào liên quan đến việc đàn áp người Hồng Kông, bao gồm cả các đại diện thương mại của Hồng Kông tại Washington cũng sẽ bị thực thi các hạn chế”.
Trong số 53 nhà dân chủ bị bắt, Luật sư nhân quyền và là thủ quỹ Động lực Dân chủ John Clancey là công dân Mỹ. Ngoại trưởng Pompeo đặc biệt nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ không tha thứ cho việc giam giữ hoặc quấy rối tùy tiện công dân Mỹ. Ông John Clancey hiện đã được tại ngoại.
Liên minh Nghị viện xuyên quốc gia về Chính sách Trung Quốc (IPAC) – bao gồm hơn 170 thành viên Nghị viện Châu Âu từ 18 quốc gia cũng ra tuyên bố, rằng việc bắt giữ các nhà dân chủ Hồng Kông càng chứng tỏ rằng Luật An ninh Quốc gia đã bị lợi dụng để “đàn áp mọi hình thức đưa ra ý kiến phản đối nền chính trị ở Hương Cảng”, cộng đồng quốc tế cần thực hiện “các hành động khẩn cấp và chưa từng có” để buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm việc xem xét các hành động trừng phạt kinh tế tại Liên Hợp Quốc, để bảo đảm rằng ĐCSTQ không thể hành động tùy tiện liều lĩnh.
Kể từ khi ĐCSTQ ép buộc thực thi “phiên bản Hồng Kông của Luật An ninh Quốc gia” lên Hồng Kông, Mỹ đã thực hiện một số biện pháp trừng phạt, bao gồm tước bỏ quy chế kinh tế đặc biệt của Hồng Kông, trừng phạt đối với Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Ủy viên thường vụ BCT, Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Vương Hộ Ninh và các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc và Hồng Kông, đồng thời đóng băng tài sản của họ tại Hoa Kỳ và trừng phạt các ngân hàng mà họ giao dịch. Nhiều quốc gia như Anh, Canada và Úc cũng đã ngừng các thỏa thuận dẫn độ với Hồng Kông, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn xin nhập cư và tị nạn của người Hồng Kông.