Vũ Dương
Jack Ma, người sáng lập Tập đoàn Alibaba, đã mất tích được hai tháng. Tờ Financial Times ngày 8/1 chỉ ra rằng vấn đề của Jack Ma có thể đã trở thành chủ đề chính trị nhạy cảm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trang Forbes làm thống kê, trước Jack Ma nhiều tài phiệt lớn Trung Quốc cũng bị biến mất và bị điều tra.
Tờ Forbes ngày 7/1 đăng tải bài viết cho biết, các nhà tài phiệt Trung Quốc một khi bị nghi ngờ có ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị và kinh tế của các nhà chức trách, họ sẽ bị điều tra, hoặc làm cho mất tích, gần đây nhất là trường hợp của Jack Ma.
Ông Quách Quảng Xương, chủ tịch và đồng sáng lập của Fosun International Limited, được biết đến với biệt danh “Warren Buffett của Trung Quốc”, đã bị chính quyền điều tra vào ngày 10/12/2015 vì “liên quan đến tham nhũng”. Tập đoàn Fosun của ông Quách có tài sản lên đến 115 tỷ USD.
Ông Chu Thành Kiến (Zhou Chengjian), người sáng lập Tập đoàn thời trang Metersbonwe, đã bị chính quyền điều tra vì “giao dịch nội gián, thao túng giá cổ phiếu” vào tháng 1/2016, ông đã xuất hiện sau khi bị mất liên lạc một tuần. Doanh thu năm 2019 của Tập đoàn Metersbonwe đã vượt 800 triệu đô-la Mỹ, bản thân ông Chu Thành Kiến cũng sở hữu khối tài sản lên đến 1,3 tỷ đô-la Mỹ.
Ông Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua), người đứng đầu Tập đoàn Tomorrow Group, đã bị Bắc Kinh cưỡng bức đưa về Trung Quốc đại lục từ một khách sạn ở Hồng Kông vào tháng 1/2017. Tài phiệt họ Tiêu đã “biến mất” trong 3 năm, đến nay vẫn chưa rõ tung tích. Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đã tiếp quản 9 công ty tài chính của Tập đoàn Tomorrow Group từ tháng 7 năm ngoái.
Ông trùm bất động sản Bắc Kinh Nhậm Chí Cường vào tháng 3 năm ngoái đã đăng một bài bình luận với tiêu đề: “Gã hề xấu dù đã bị lột sạch quần áo cũng muốn trở thành hoàng đế”, được lan truyền rộng rãi trên mạng. Bài viết chỉ trích hành vi che giấu dịch bệnh của Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình và giới chức ĐCSTQ, khiến dịch bệnh mất kiểm soát và tạo nên nhiều thảm kịch, sau đó ông bị “mất tích”. Hạ tuần tháng 9 năm ngoái, ông Nhậm Chí Cường bị kết án 18 năm tù, tài sản cũng bị chính quyền tịch thu.
Forbes dẫn lời ông Aaron Friedberg, giáo sư chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học Princeton, Hoa Kỳ, nói rằng tình cảnh của các nhà tài phiệt Trung Quốc này cho thấy ĐCSTQ đang cố gắng loại bỏ tất cả các nhân tố có thể thách thức chế độ của nó.
Tờ Le Monde của Pháp chỉ ra rằng tình cảnh của Jack Ma gợi nhớ đến ông Ngô Tiểu Huy (Wu Xiaohui), cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo hiểm An Bang, sau khi mất tích một thời gian bị kết án 18 năm tù và bị tịch thu toàn bộ tài sản. Rõ ràng, ở Trung Quốc, ngay cả người quyền lực nhất cũng như các doanh nhân nổi tiếng nhất cũng không thể thoát khỏi sự kiểm tỏa của ĐCSTQ.
Phân tích mới nhất của Financial Times chỉ ra rằng, ĐCSTQ gần đây ra chỉ thị cho các kênh truyền thông lớn không đăng tải thông tin liên quan đến Alibaba, điều này cho thấy trường hợp của Jack Ma đã trở thành chủ đề chính trị nhạy cảm của Trung Quốc.
Học giả nghiên cứu tại Viện Đại học California – Berkeley Tiêu Cường (Xiao Qiang) phân tích thêm trên Financial Times rằng, các bài viết về Jack Ma trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cho thấy tính “nghiêm trọng và bất bình thường” trong cách diễn đạt, rất giống cách diễn đạt khi báo cáo về “những sự kiện chính trị lớn”, chẳng hạn như các báo cáo liên quan đến vụ án Bạc Hy Lai năm xưa.
Học giả Tiêu Cường cho rằng các công ty của Jack Ma có liên quan trực tiếp đến một vài gia tộc chính trị quyền lực nhất Trung Quốc, rắc rối mà ông gặp phải lần này rất có thể có liên quan đến bối cảnh chính trị sau lưng ông ta.