Báo cáo: ĐCSTQ bức hại hơn 15,000 học viên Pháp Luân Công trong năm 2020

Ngọc Mai

Đoàn diễu hành gần 10.000 học viên Pháp Luân Công tại New York, năm 2019 (ảnh: The Epoch Times).

Cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn tiếp tục trong bối cảnh đại dịch, theo The Epoch times.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là môn tu luyện Phật gia bao gồm các bài tập nhẹ nhàng và những bài giảng dựa trên các nguyên lý Chân Thiện Nhẫn. Theo ước tính chính thức của chính quyền Trung Quốc, môn tập này đã thu hút từ 70 triệu đến 100 triệu người theo học vào năm 1999.

ĐCSTQ lo sợ sự phát triển nhanh chóng của môn tu tập sẽ trở thành mối đe dọa cho sự cai trị của đảng này, nên vào tháng 7/1999, nó đã phát động một chiến dịch đàn áp có hệ thống đối với những học viên tu luyện Pháp Luân Công.

Các học viên Pháp Luân Công luyện công tại một công viên ở Bắc Kinh vào năm 1998 (ảnh: The Epoch Times).

Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, kể từ thời điểm tháng 7/1999, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ, hàng trăm nghìn người bị tra tấn trong thời gian ở tù và hàng ngàn người đã chết do bị bức hại. Những vi phạm trắng trợn về tự do tôn giáo và nhân quyền này vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.

Báo cáo năm 2020 về bức hại Pháp Luân Công

Vào ngày 12/1, Minh Huệ, website chuyên theo dõi cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc, đã công bố số liệu thống kê mới nhất dựa trên các cuộc điều tra.

Theo báo cáo, vào năm 2020, ít nhất 6.659 học viên trên khắp Trung Quốc đã bị bắt và giam giữ; ít nhất 88 người chết do hậu quả của cuộc bức hại.

Báo cáo cũng cho biết trong cùng năm, 622 học viên đã bị kết án vì đức tin vào Chân Thiện Nhẫn, 537 người bị buộc phải tham gia các lớp “giáo dục” chính trị, và 3.588 người đã bị chính quyền khám xét nhà.

Hơn 8.000 người khác bị cảnh sát quấy rối, ví dụ như bị cảnh sát đến nhà tra hỏi, tịch thu sách và tài liệu Pháp Luân Công, hoặc giám sát hoạt động của họ.

Vào năm 2020, nhiều tỉnh và thành phố đã treo giải thưởng lên tới 100.000 Nhân dân tệ (khoảng 15.460 đô la) cho những công dân báo cáo hoạt động của các học viên Pháp Luân Công cho cảnh sát, The Epoch Times đưa tin trước đó .

Trong số những người bị bức hại, 1.188 người là người già trên 65 tuổi, bao gồm 17 người trên 90 tuổi.

Ngoài việc ngược đãi về thể chất và tinh thần, ĐCSTQ còn cưỡng đoạt tài sản của các học viên. Vào năm 2020, nhà nước đã thu giữ tổng cộng 9.8 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,5 triệu USD) của người tu luyện Pháp Luân Công, theo hồ sơ của Minh Huệ. Hầu hết số tiền này là do bị cảnh sát tịch thu hoặc tòa án phạt tiền.

Giáo viên tỉnh Cát Lâm bị kết án vì viết thư cho thủ tướng Trung Quốc

Bà Tống Ngạn Quần là một giáo viên đến từ thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 8/1996.

Theo báo cáo của Minh Huệ, vào sáng ngày 26/3/2020, cảnh sát đã đến nhà bà Tống. Họ nói rằng bức thư mà bà gửi cho Thủ tướng Lý Khắc Cường, trong đó yêu cầu ĐCSTQ chấm dứt bức hại Pháp Luân Công, đã bị Bắc Kinh trả lại và rằng Văn phòng Kháng cáo Quốc gia đã lệnh cho họ bắt giữ bà.

Buổi tối hôm đó, cảnh sát đã đưa bà tới trại tạm giam Thành phố Cát Lâm. Trước đó, năm 2003 bà từng bị cảnh sát bắt và bị kết án 12 năm tù chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Theo Minh Huệ, trong thời gian bị giam giữ, bà đã bị đánh đập, ép ăn và tiêm các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Khi được tạm tha vào tháng 1/2014, bà chỉ nặng khoảng 30kg.

Bà Tống trước và sau khi bị bức hại (ảnh: Minh Huệ).

Cha của bà Tống đã tìm cách giải cứu con gái mình tại đồn cảnh sát. Cảnh sát đã bày tỏ sự cảm thông với bà Tống, nhưng họ cũng nói rằng lệnh bắt giữ là chỉ đạo từ trên và họ không thể làm gì khác được.

Bà phải hầu tòa vào ngày 10/11/2020. Vào cuối tháng 12/2020, gia đình bà được thông báo rằng bà Tống bị kết án 3 năm rưỡi tù giam.

Tuổi trẻ tươi đẹp bị chôn vùi trong nhà tù và oan sai

Lý Lực Tráng là một học viên Pháp Luân Công và là cựu bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện số 1 của Đại học Y Cáp Nhĩ Tân ở đông bắc Trung Quốc. Vì đức tin vào Chân Thiện Nhẫn, ông đã nhiều lần bị bắt, nhà bị lục soát và bị đưa đi cải tạo lao động bất hợp pháp, bị tra tấn bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Lần đầu tiên, ông Lý bị bắt vào tháng 5/2001 và bị kết án 2 năm tại Trại lao động cưỡng bức Bức Trường Lâm Tử. Tại đây, ông thường xuyên bị đánh đập và sốc điện bằng dùi cui. Trước khi kết thúc thời hạn lao động, ông đã bị kết án 4 năm tù giam, nơi ông bị các tù nhân tra tấn và tấn công tình dục, theo một báo cáo của Minh Huệ.

Bác sỹ Lý Lực Tráng (ảnh: Minh Huệ).

Bệnh viện đã sa thải ông Lý trong thời gian ông bị giam giữ. Sau khi ra tù, ông đã phải bán quần áo trên đường phố để kiếm sống.

Tháng 3/2008, ông bị bắt lần thứ hai và bị kết án thêm một năm tại trại lao động. Kết hợp hai bản án lao động và một bản án tù, ông đã phải chịu tổng cộng 6 năm rưỡi tra tấn, bức hại đức tin.

Ngày 8/4/2020, ông một lần nữa bị bắt giữ vì truyền rộng thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công và phơi bày tội ác của ĐCSTQ. Sau đó, ông đã bị giam giữ tại Trại tạm giam Triệu Châu ở Đại Khánh.

Ngày 29/12/2020, ông Lý đã bị xét xử thông qua một phiên tòa ảo.

Các học viên bị đánh đập và đe dọa

Ngày 10/4/2020, sáu học viên Pháp Luân Công đã đến đồn cảnh sát huyện Thịnh Vượng ở Vũ Xương, đông bắc Trung Quốc, để yêu cầu thả một học viên đã bị tạm giữ trước đó.

Anh Lý Nham và một học viên khác đã nói chuyện với cảnh sát trưởng Dương Xuân Lai về Pháp Luân Công và lý do tại sao ĐCSTQ quyết định phát động cuộc đàn áp. Cảnh sát trưởng đã trở nên tức giận khi biết rằng hai người là học viên Pháp Luân Công, ông ta đã chửi bới và đẩy họ ra khỏi đồn cảnh sát.

Sau khi sáu người rời đi, cảnh sát theo dõi và chặn xe của họ, khám xét chiếc xe và đưa họ về đồn cảnh sát.

Tại đồn cảnh sát, các cảnh sát liên tục tát Tôn Thiết Nông, một học viên khác trong nhóm cho đến khi anh ấy không thể cử động được. Ngoài ra, một số cảnh sát đã lôi anh Lý Nham vào một căn phòng không có người giám sát và đánh đập anh một cách dã man.

Sau đó, cảnh sát đã yêu cầu các học viên không được vạch trần hay thảo luận về cuộc bức hại với những người khác, hoặc tiết lộ thông tin cho cộng đồng quốc tế.

Các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ

Vào ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12/2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xử phạt 17 quan chức nước ngoài vì vi phạm nhân quyền, trong đó có Hoàng Nguyên Hùng, Giám đốc Sở Cảnh sát Ngô Thôn thuộc Cục Công an thành phố Hạ Môn, Trung Quốc

Quyết định này cấm Nguyên Hùng và vợ nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ trừng phạt một quan chức Trung Quốc vì bức hại các học viên Pháp Luân Công.

Trong một thông cáo báo chí, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói “Hoàng Nguyên Hùng đặc biệt vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tín ngưỡng của người tập Pháp Luân Công, bản thân ông ta đã tham gia vào việc giam giữ và thẩm vấn người tập Pháp Luân Công”.

“Thế giới không thể đứng yên trước việc chính phủ [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] thực hiện các hành vi lạm dụng khủng khiếp và có hệ thống đối với người dân Trung Quốc, bao gồm vi phạm quyền được quốc tế công nhận về tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo hoặc tín ngưỡng,” ông Pompeo nói thêm.

Related posts