Mạnh Đức
Với con số 15,7 tỷ USD, thấp hơn 7% so với năm 2019, nhưng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam vẫn nằm trong danh sách các nước nhận kiều hối lớn nhất năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo VNE, trong một bài viết hôm ngày 18/1, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho hay, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tính đến tháng 10/2020 ước đạt 15,7 tỷ USD, thấp hơn 7% so với năm 2019, nhưng vẫn giúp Việt Nam tiếp tục có tên trong danh sách các nước nhận kiều hối lớn nhất năm 2020, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, theo công bố từ Ngân hàng Thế giới.
Tổng kiều hối gửi về Việt Nam đạt 71 tỷ USD trong 5 năm qua, tăng trưởng trung bình 6%/năm, trong đó năm 2018 và 2019 đạt lần lượt là 16 và 16,7 tỷ USD. Việt Nam là quốc gia nhận kiều hối lớn thứ 9 thế giới năm 2020, xếp thứ ba khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, sau Trung Quốc và Philippines.
Hoạt động đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp của kiều bào tại Việt Nam cũng diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức khác nhau, với 362 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 1,6 tỷ USD tính đến tháng 5/2020. Ngoài ra, còn rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư của kiều bào với quy mô vừa và nhỏ, hoạt động trong mọi lĩnh vực tại các địa phương trong cả nước.
Nhiều thiết bị, vật tư y tế và khoảng 37 tỷ đồng đã được người Việt ở nước ngoài quyên góp để hỗ trợ đồng bào trong nước phòng, chống đại dịch Covid-19. Cộng đồng người Việt cũng tổ chức phòng chống dịch, hỗ trợ chính quyền và người dân sở tại bằng những hành động thiết thực, từ các suất ăn hỗ trợ bác sĩ, khẩu trang tự may khi khẩn cấp đến hỗ trợ trang thiết bị y tế, đóng góp tài chính.
Theo phân tích của Tạp chí Tài chính, trên thực tế, kiều hối là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.
Nhờ kiều hối, Việt Nam có thêm nguồn thu ngoại tệ ổn định, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc nguồn vốn nước ngoài cũng như sức ép tỷ giá của đồng đôla Mỹ, góp phần cân đối trong cán cân thanh toán thương mại. Mặt khác, kiều hối giúp tạo thêm công ăn việc làm, ổn định đời sống cho người dân thông qua đầu tư, kinh doanh của Việt kiều, đồng thời góp phần cải thiện ngân sách cho nhà ở, y tế, giáo dục…
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, lượng kiều hối sẽ còn gia tăng hơn nữa trong tương lai khi kinh tế thế giới dần phục hồi.
Cùng với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các nguồn vốn từ bên ngoài vào Việt Nam và có xu hướng tăng lên qua các năm.
Trong nhiều giai đoạn, giá trị của kiều hối còn tăng vượt so với vốn đầu tư trực tiếp FDI. So với các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) thì kiều hối vào Việt Nam luôn có giá trị lớn hơn và luôn có tính ổn định cao hơn cả.
Hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc và học tập tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.