An Liên
Gần đây, Trung Quốc đã cắt điện do thiếu than, khiến cuộc sống của người dân nhiều nơi gặp khó khăn. Do giá than tăng cao, một số hệ thống sưởi ấm tại các khu dân cư ở các thành phố phía bắc giờ chỉ hạ nhiệt độ của hệ thống sưởi trung tâm trong nhà xuống 3 độ C, tức là giảm 10 độ so với trước đây (13 độ C). Nếu người dân muốn sử dụng điều hòa nhiệt độ gia đình để tăng nhiệt độ phòng thì lại bị cắt điện. Hậu quả là mùa đông cuối năm 2020, rét đậm rét hại người dân khó giữ ấm, trong nhà vô cùng lạnh. Tuy nhiên, ít ai biết rằng nguyên nhân thực sự của tình trạng này lại là hậu quả của việc ĐCSTQ đang “chơi ván cờ lớn” chống lại Hoa Kỳ, theo Vision Times.
Nhiều nơi cắt điện, các phương tiện truyền thông chính thống “bác bỏ tin đồn”
Tờ “Tin tức đa chiều” của Bắc Kinh đưa tin vào ngày 28/12/2020 rằng Trung Quốc đã chứng kiến tình trạng thiếu điện trong nhiều năm. Một số thành phố ở các tỉnh phía nam như Chiết Giang, Hồ Nam và Giang Tây đã bị yêu cầu cắt điện. Các công ty được yêu cầu sản xuất ngoài giờ cao điểm, và điện thang máy, hệ thống sưởi trong nhà, thậm chí cả ánh sáng đường phố cũng bị hạn chế.
Trước sự bất thường này, thời gian đầu, một số bài báo phân tích đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông trong nước, cho rằng việc ĐCSTQ tẩy chay nhập khẩu than của Úc là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc. Ví dụ, một bài báo trên tờ “Tin tức Bắc Kinh” ngày 17/12/2020 cho biết nhập khẩu than giảm mạnh trong tháng 11 là do những thay đổi trong môi trường thương mại. Cái gọi là những thay đổi trong môi trường thương mại cùng sự sụt giảm mạnh về lượng than nhập khẩu, trên thực tế là hệ quả trực tiếp của các lệnh trừng phạt thương mại của ĐCSTQ đối với Úc kể từ nửa cuối năm ngoái. Mặc dù nhiều nhà máy điện ở Trung Quốc đã mua than Úc nhưng chính quyền đã cấm dỡ hàng trên các tàu hàng chở than của Úc, do đó than cập cảng nhưng không được thông quan, vì vậy các nhà máy điện phụ thuộc vào than Úc để sản xuất điện phải đối mặt với tình thế nan giải là không đủ than đốt.
Nhưng ngay sau đó các phương tiện truyền thông Trung Quốc bắt đầu thay đổi giọng điệu, cố gắng giảm thiểu tác động của lệnh cấm vận đối với than Úc. Vì lệnh cấm vận đối với than Úc là mệnh lệnh từ bên trên, nếu các phương tiện truyền thông tiếp tục các cuộc thảo luận, thì lý do thật sự người dân bị cắt điện sẽ được phơi bày. Tờ “Tin tức đa chiều” ngày 29/12/2020 cho biết “Lý do cho việc cắt giảm điện của Trung Quốc đã được phát hiện, vì vậy không cần lo lắng về việc nguồn cung cấp than của Úc bị cắt giảm”.
Bài báo này nhấn mạnh rằng lý do cơ bản dẫn đến tình trạng thắt chặt nguồn cung cấp than và cắt điện ở một số thành phố phía Nam là do các nhà máy điện lớn ước tính không chính xác mức tiêu thụ điện tăng vọt vào mùa đông năm 2020; đồng thời tác động của việc Trung Quốc tẩy chay nhập khẩu than Úc đối với nguồn cung than và sản xuất nhiệt điện từ than của Trung Quốc là không đáng kể.
Lời bào chữa này rất miễn cưỡng. Trước khi dịch bệnh bùng phát vào năm 2019, mức tiêu thụ điện đã đạt đến đỉnh điểm, nhà máy điện khi đó đã cung cấp đủ điện chứng tỏ nhà máy đã đủ công suất phát điện. Mức tiêu thụ điện của điều hòa không khí đã đạt đến đỉnh điểm vào mùa hè năm ngoái, và việc cung cấp điện vẫn diễn ra bình thường. Nếu nguồn cung cấp than đủ vào cuối năm ngoái, nhà máy điện đáng lẽ đã có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện. Trên thực tế, tình trạng thiếu nguồn cung cấp điện vào cuối năm ngoái là do giá than tăng cao và các nhà máy điện phát điện hạn chế.
Đằng sau việc cắt giảm: các nhà máy điện đấu tranh vì giá than
Tại Trung Quốc, giá sản lượng điện từ các nhà máy điện đã được quy định. Chính phủ sử dụng nhiều cách khác nhau để áp dụng các giới hạn giá tối đa đối với giá điện trên lưới và sử dụng định giá của chính phủ đối với giá truyền tải và phân phối. Do hầu hết điện ở các vùng ven biển do các nhà máy nhiệt điện cung cấp nên giá than có ảnh hưởng lớn đến giá điện. Nguồn cung cấp than bao gồm than trong nước và than nhập khẩu, chất lượng than trong nước kém và giá thành cao, trong khi than nhập khẩu có nhiệt lượng cao và giá thành tương đối rẻ.
Khi giá than trong nước cao, các nhà máy điện ven biển sẽ chuyển sang nhập khẩu than, và than Úc là phổ biến nhất. Than Úc có đặc điểm ít tro, ít lưu huỳnh và nhiệt lượng cao, giá thành chỉ bằng một nửa so với than trong nước. Nếu cấm nhập khẩu than của Úc, nhà máy điện chỉ có thể sử dụng than trong nước, chỉ cần giá than cao hơn 600 nhân dân tệ/tấn, chi phí sản xuất điện sẽ tăng, nhà máy điện sẽ bị thua lỗ. Do đó, chi phí phát điện và công suất sử dụng thiết bị của nhà máy điện có những thay đổi ngược lại, khi giá than tăng, nhà máy điện có thể giảm công suất sử dụng thiết bị, sản lượng điện giảm xuống do đó giảm bớt áp lực tăng chi phí.
Kể từ mùa hè năm ngoái, các nhà máy điện ở các khu vực ven biển đã phải vật lộn để giảm giá than. Theo một báo cáo của tờ “Tin tức năng lượng Trung Quốc” vào ngày 27/7/2020, “Tại sao sáu nhà máy điện ven biển ngừng báo cáo số liệu?”. “Sáu công ty sản xuất nhiệt điện than lớn ở các vùng ven biển (ám chỉ các nhà máy điện Hoa Năng, Quốc Điện, Thái Đường, Việt Điện, Thượng Điện, và Triết Điện ở các tỉnh ven biển) đã bắt đầu “đấu tranh” với các công ty than trong nước.
Vào giai đoạn cao điểm ở tiêu thụ điện vào mùa hè năm ngoái, phụ tải điện nhiều nơi thường xuyên lập kỷ lục mới, các nhà máy điện chạy hết công suất để cung cấp điện. Tại thời điểm này, sáu nhà máy điện lớn dọc theo bờ biển đã ngừng công bố dữ liệu về lượng than tiêu thụ hàng ngày, lượng tồn kho và số ngày có sẵn của họ. Tại sao các nhà máy điện không còn tiết lộ dữ liệu? Đằng sau đó là cuộc chiến giữa than và điện. Số liệu tồn kho than thường xuyên được các nhà máy điện ven biển công bố trong nhiều năm có thể phản ánh trực tiếp nhu cầu than ở Đông và Nam Trung Quốc. Báo cáo trên tờ “Tin tức năng lượng Trung Quốc” đã đề cập đến việc dừng cung cấp dữ liệu kho than của nhà máy điện chắc chắn là một cuộc “đấu tranh” với các công ty than. Vì Tập đoàn Than Sơn Tây sử dụng dữ liệu công khai từ các nhà máy điện làm “vũ khí” cho việc tăng giá than Sơn Tây, nên mâu thuẫn giữa than và điện ngày càng trở nên gay gắt.
Cuộc chiến giữa than và điện này bắt nguồn từ việc chính phủ kiểm soát giá điện, nếu chính phủ lại kiểm soát nhập khẩu than và giá than trong nước ở mức cao thì cuộc đấu tranh này chắc chắn sẽ leo thang. Kể từ mùa hè năm ngoái, chính quyền Bắc Kinh ngày nào cũng hô vang “Tiếp tục sản xuất và làm việc”, và các phương tiện truyền thông đều tuyên truyền về “sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc”. Các nhà máy điện không hiểu những tin tức này, họ không biết mức tiêu thụ điện vào mùa đông sắp đến và họ có dự trữ đủ than kịp thời không? Nguyên nhân thực sự là do nhà máy điện không đủ khả năng mua than với giá hơn 700 nhân dân tệ/tấn, và việc nhập khẩu than của Úc bị chính phủ ngăn chặn nên đã xảy ra tình trạng phân chia điện vào cuối năm ngoái.
Nguồn cung cấp than của Úc bị cắt khi đến Hong Kong
Trong những năm gần đây, than của Úc có chất lượng cao, giá thành rẻ, nhập vào thị trường Trung Quốc với giá rẻ, nhiều nhà máy điện ven biển từ lâu đã trang bị thêm các tổ máy sử dụng than Úc. Kể từ nửa cuối năm ngoái, lượng than nhập khẩu từ Úc của nhà máy điện đã cạn kiệt do chính quyền Bắc Kinh bất ngờ ra lệnh cấm nhập than Úc. Hiện có 73 tàu than của Úc bị mắc kẹt tại các cảng của Trung Quốc, với gần 8 triệu tấn than trên tàu. Theo báo cáo của tờ “The Australian”, Bộ trưởng Tài nguyên Úc Keith Pitt nói rằng than Úc trên tàu không thể được thông quan, “Than thuộc sở hữu của người mua Trung Quốc và do ĐCSTQ quản lý về mặt bốc dỡ”.
Theo tin tức ngày 14/1 năm nay, chính quyền ĐCSTQ quyết tâm tấn công kinh tế Úc và đã nói rõ với các chủ tàu than Úc mắc kẹt tại các cảng Trung Quốc rằng hàng hóa trên tàu sẽ không được dỡ xuống Trung Quốc. Than của Úc không thể được vận chuyển vào bờ và chính quyền Bắc Kinh đã hứa rằng than nhập khẩu từ Indonesia và các nước khác sẽ được vận chuyển trong một thời gian, nhưng chất lượng của than này kém xa so với than của Úc. Trong số các loại than trong nước, chỉ có một số loại than ở Mông Tây, Thần Hoá, Tấn Bắc đáp ứng yêu cầu chất lượng của các nhà máy điện, nhưng giá cả vượt xa khả năng chi trả của nhà máy điện, vì vậy nhiều nhà máy điện đã gặp khó khăn về tài chính.
Tại sao chính quyền Bắc Kinh quyết tâm tấn công Úc? Ở khía cạnh này, ĐCSTQ đã nói dối. Tờ “Tin tức đa chiều” giải thích rằng lệnh cấm vận đối với than của Úc là do hàng loạt cáo buộc chính trị vô trách nhiệm của chính phủ Úc chống lại ĐCSTQ đã dẫn đến quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Úc. Cái gọi là “cáo buộc” của chính phủ Úc chống lại ĐCSTQ chủ yếu yêu cầu điều tra nguồn gốc của dịch bệnh ở Trung Quốc vào năm ngoái, trong khi ĐCSTQ khẳng định rằng nguồn gốc của dịch bệnh không liên quan gì đến ĐCSTQ. Tuy nhiên, đây có thực sự là lý do duy nhất cho mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Úc? Dĩ nhiên là không. Trên thực tế, ĐCSTQ đang thực hiện một kế hoạch gây áp lực chống lại Úc.
Kế hoạch của ĐCSTQ để chống lại Úc
Mùa xuân năm ngoái, ĐCSTQ tuyên bố rằng họ đã chiếm các vùng biển quốc tế ở Biển Đông như một “pháo đài dưới đáy biển sâu” và “bệ phóng” cho các tàu ngầm hạt nhân chiến lược của hải quân ĐCSTQ. Các tàu ngầm hạt nhân chiến lược của ĐCSTQ chủ yếu hoạt động ở vùng biển Bột Hải và Hoàng Hải trong vài năm qua. Độ sâu mực nước ở khu vực đó chỉ hàng chục mét, khiến tàu ngầm hạt nhân rất khó ẩn náu. Kể từ khi hải quân ĐCSTQ chiếm các bãi đá ngầm chìm và xây dựng các đảo trên vùng biển ở Biển Đông, khu vực này đã trở thành “hồ bơi sân sau” cho các tàu ngầm hạt nhân chiến lược của ĐCSTQ.
Mặc dù, các tàu ngầm hạt nhân chiến lược của ĐCSTQ đã có được cảm giác an toàn trong vùng nước sâu của Biển Đông, nhưng chỉ có ba tuyến đường dưới nước ra khỏi Trung Thái Bình Dương từ “pháo đài dưới đáy biển sâu”. Một trong số đó là Kênh Đông Nam đi qua Quần đảo Philippines và đi vào biển Philippines. Vào tháng 8 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ khi đó đã có chuyến thăm đặc biệt đến quần đảo Palau và triển khai lực lượng này ở bờ biển Philippines để chặn tàu ngầm hạt nhân chiến lược của ĐCSTQ. Sau đó ĐCSTQ bắt đầu thử nghiệm thông tuyến Đông Bắc, nằm ở góc đông bắc của Biển Đông, vào cuối mùa thu và đầu mùa đông năm ngoái, các hạm đội tàu ngầm, máy bay chống tàu ngầm và các hạm đội tàu nổi của Hoa Kỳ và Trung Quốc liên tục tranh tài ở vùng biển phía tây nam Đài Loan trong một tháng. Ngoài ra, Hải quân Trung Quốc cũng cố gắng vượt qua Biển Java ở Indonesia từ Đường thủy phía Nam đến Trung Thái Bình Dương. Vì vậy, Indonesia và Úc là những nước đầu tiên phải gánh chịu thiệt hại.
Đối với việc mở đường Nam Bộ dưới nước cho các tàu ngầm hạt nhân chiến lược, Trung Quốc đã tỏ thái độ kiên quyết và áp dụng cách tiếp cận ba hướng kể từ năm ngoái. Đầu tiên, chi một số tiền khổng lồ ở Papua New Guinea (độc lập khỏi Úc vào năm 1975), nằm ở cửa ngõ phía bắc của Úc, để mở đường cho việc xây dựng căn cứ tàu ngầm trên đảo Dalu. Thứ hai, áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế dài hạn đối với Úc để ngăn chặn xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc và cố gắng buộc Úc từ bỏ kế hoạch quốc phòng 10 năm tập trung vào phòng thủ chống tàu ngầm. Thứ ba, khi Hải quân Hoa Kỳ chưa hoàn thành việc triển khai và tuần tra ở vùng biển Trung Ấn-Thái Bình Dương, ĐCSTQ đã sử dụng các phương tiện không người lái dưới nước trên quy mô lớn để bí mật dò tìm dữ liệu thủy văn của các kênh dưới nước của tàu ngầm hạt nhân, và phạm vi phát hiện của nó được mở rộng từ biển Java ở Indonesia đến vùng biển ngoài khơi của Úc.
Các chiến thuật của ĐCSTQ để đàn áp nền kinh tế Úc bao gồm ngăn chặn xuất khẩu than của Úc, do đó các nhà máy điện ở các vùng ven biển đột ngột cắt nguồn than nhập khẩu. Bị ảnh hưởng bởi điều này, nhiều nơi đã bị cắt điện.
Để đe dọa Hoa Kỳ về mặt quân sự, chính quyền Bắc Kinh không tiếc công sức buộc Úc nhượng bộ. Nhưng người dân không biết sự thật cũng như không thể khiếu nại công khai. Chừng nào tham vọng thống trị thế giới của ĐCSTQ không biến mất, người dân Trung Quốc có thể phải gánh chịu nhiều chi phí khác nhau cho nó.