Anh Vũ
Đầu tuần, ngày 25/01/2020, Viện Pasteur Pháp thông báo bỏ dở dự án nghiên cứu vac-xin ngừa Covid-19. Trước đó tập đoàn dược Sanofi, cũng của Pháp cho biết vac-xin do hãng bào chế sẽ bị chậm lại. Phần đông dư luận cho rằng đây là hai sự kiện tiêu biểu cho thấy sự tụt hậu trong nghiên cứu khoa học của nước Pháp.
Để có vac-xin Pháp thì sẽ phải đợi. Sau thông báo đầu tháng 12 của Sanofi về việc chậm ra vac-xin, hôm 25 tháng Giêng Viện Pasteur đã chính thức bỏ cuộc nghiên cứu bào chế vac-xin phòng Covid-19, dự án đã triển khai với đối tác Mỹ, Merck.
Thông báo ngay lập tức đã gây ra những phản ứng của các giới chính trị tả cũng như hữu ở Pháp. Các bình luận trên mạng xã hội tỏ phẫn nộ cho rằng sự việc trên là bằng chứng nghiên cứu khoa học của Pháp đang bị tụt hậu trên thế giới. Người ta có thể thấy trên twitter những lời bình về một thất bại cay đắng của khoa học, của chính phủ Pháp.
Viện Pasteur đã nghiên cứu về một loại vac-xin sử dụng cơ sở của vac-xin phòng bệnh sởi. Để bào chế và phân phối, viện nghiên cứu Pháp liên kết với phòng thí nghiệm dược MSD – tên chi nhánh ngoài nước của tập đoàn dược Mỹ và Canada, Merck. Năm ngoái MSD đã mua lại công ty công nghệ sinh học của Áo, Themis. Đây cũng là công ty mà Viện Pasteur vẫn có hợp tác trong nhiều dự án chế các loại vac-xin, trong đó có vac-xin ngừa Covid-19. Nhưng Viện Pasteur hôm thứ Hai vừa rồi đã thông báo ngừng nghiên cứu này vì không có được kết quả khả quan trong lần thử nghiệm lâm sàng đầu tiên.
« Thực ra, đúng hơn là Themis và Merck quyết định từ bỏ dự án, thất bại này không liên quan nhiều đến các phương tiện của Viện Pasteur », ông Jacques Haiech, giáo sư công nghệ sinh học, Đại học Strasbourg nhận xét. Ông giải thích thêm : « Trong nghiên cứu vac-xin luôn có may rủi. Sự lựa chọn của Viện Pasteur đơn giản không phải là tốt nhất ».
Mặt khác Viện Pasteur trong một thông cáo đã nói rõ vẫn tiếp tục nghiên cứu hai dự án vac-xin ngừa Civid-19 riêng của mình, hiện đang trong giai đoạn mở đầu. «Loại đầu tiên sẽ là vac-xin uống, được triển khai nghiên cứu cùng công ty công nghệ sinh học TheraVectys, ra đời từ Viện Pasteur, chuyên về mảng triển khai bào chế vac-xin. Vac-xin thứ 2 là loại dựa trên công nghệ ADN ».
Không thể phủ nhận một điều là nghiên cứu vac-xin và nhất là với vac-xin ngừa Covid-19, thì giữa được và mất là chuyện bình thường. Mặc dù vậy, việc bỏ cuộc giữa chừng của Viện Pasteur, nơi hội tụ tinh hoa the giới về vac-xin, là một tin rất xấu cho ngành công nghiệp dược phẩm Pháp. Nhất là khi Sanofi, một niềm tự hào khác của Pháp, đầu tháng 12 vừa qua đã thông báo vac-xin do hãng hợp tác phát triển với công ty Anh Quốc GSK sẽ chỉ ra đời vào cuối năm nay, lý do cũng vì kết quả thử nghiệm không đạt yêu cầu.
Giải thích về những thất bại này, giáo sư Jacques Haiech nhận định, « ngoài chuyện chính sách khắc khổ kinh tế rõ ràng có tác động đến năng lực nghiên cứu khoa học của Pháp, thì chủ yếu có việc những trung tâm nghiên cứu công nghiệp dược phẩm Pháp bị mất đi vì xu hướng chuyển ra nước ngoài từ nhiều năm nay. »
Có nhiều điều để nói về Sanofi lúc này. Hãng dược Pháp hôm 18 tháng Giêng vừa rồi xác nhận kế hoạch xóa 1700 nhân công tại châu Âu, trong đó có nhiều vị trí trong nghiên cứu và phát triển, đặc biệt tại Pháp. Hãng cho biết cuối năm 2019 đã muốn cân đối lại chi tiêu với mục tiêu tiết kiệm khoảng 2 tỷ euro từ giờ cho đến 2022, trong đó có việc ngừng nghiên cứu về bệnh tiểu đường, một trong những lĩnh vực truyền thống của hãng, cũng như là về bệnh tim mạch. Cùng lúc Saofi đầu tư vào nhiều công ty khởi nghiệp ( start-up) về công nghệ sinh học. Trong khi đó, tháng 4 năm 2020, hãng này vẫn chia gần 4 tỷ euro lợi tức cho các cổ đông.
Trước hết cần phải nói đây là thất bại của nghiên cứu khoa học Pháp, trong khi mà Liên Hiệp Châu Âu trong tổng thể của mình đã cho thấy những giới hạn. Liên Âu không có khả năng đặt cả đống tiền lên bàn như Hoa Kỳ : Khi Washington bổ sung 10 tỷ đô la chi cho khủng hoảng dịch với chiến dịch tìm kiếm vac-xin thần tốc, Warp Speed ngay từ tháng 5 năm 2020. Còn Bruxelles chỉ có được ngân khoảng trên 3 tỷ đô la một chút, theo ghi nhận của bà Anne Bucher, cựu tổng giám đốc y tế thuộc Ủy Ban Châu Âu.
Bà Anne Bucher còn dẫn chứng, Hoa Kỳ từ 2006 đã có hẳn một cơ quan về nghiên cứu phát triển y sinh học, nhằm bảo đảm duy trì khả năng sản xuất vac-xin quy mô quốc gia và để thu hút các nhà khoa học. Việc tài trợ của Nhà nước cho nghiên cứu và đầu tư đều có sự đổi lại bằng việc cắm các đơn vị sản xuất trên lãnh thổ quốc gia. Chính sách công nghiệp trong lĩnh vực y tế này ở Mỹ hoàn toàn tương phản với chính sách ở châu Âu. Ủy Ban Châu Âu đến tháng 11/2020 mới thống qua một dự án Liên Âu về y tế.
Mặt khác các start-up Mỹ về công nghệ sinh học dựa chủ yếu vào nguồn tiền của các quỹ đầu tư rủi ro, loại hình đầu tư tài chính tư nhân rất phát triển ở Hoa Kỳ. Một nghiên cứu của văn phòng tư vấn McKinsey and Company phát hiện trong năm 2019, các nhà nghiên cứu công nghệ sinh học châu Âu nhận nguồn tài chính tư nhân ít hơn 5 đến 6 lần so với đồng nghiệp Mỹ.