Lá thư Canada : Chúc Đầy Tiếng Cười

TRÀ LŨ  

Chúng ta vừa bước vào năm mới, bỏ lại năm cũ đầy lo âu của dịch Vũ Hán và cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đầy ồn ào và phân hóa. Tân vương Biden đã lên ngôi và cựu hoàng Trump đã về ẩn.

Làng An Lạc của chúng tôi, tiếng là An Lạc mà nhiều lúc cũng xôn xao giao động. Nhưng nhờ phước lớn của tổ tiên, nhờ hội viên viễn phương Từ Hòe đã hồi cư từ cuối năm qua, sự an lạc đang được hồi phục. Ngày tiễn ông Táo về trời, theo truyền thống, ông đã dựng cây nêu ở nhà cụ Chánh và cùng cụ Chánh nấu bánh chưng bánh tét cho cả làng. Mọi năm thì dân làng quây quần giúp ông nấu bánh và nghe các chuyện cười. Năm nay thì không vì luật giãn cách, ai cũng tiếc hùi hụi. Tối ba mươi tết, ông chở bánh chưng tới từng nhà, còn Chị Ba Biên Hòa bắt chước theo chân ông cũng chở quà tết tới từng nhà. Quà của Chị Ba là một hộp trái cây: Trái mảng cầu, trái dưa hấu và trái xoài, với thiệp chúc ghi câu này ‘ Cầu Dư Xài’. Chị giải thích: xưa nay ai cũng cúng trên bàn thờ đĩa 4 trái cây ‘ cầu vừa đủ xài’, nếu chỉ vừa đủ xài thì cầu làm gì, ta phải ‘cầu dư xài’ mới quý chứ, mới đáng ao ước chứ. Tôi nghĩ rằng đây là cái ý mới của anh John chồng chị.

Sáng mồng một tết, ai cũng làm lễ cúng tổ tiên và tết ông bà cha mẹ tại nhà. Đúng trưa chúng tôi mới họp làng qua máy ‘on line’, tuy không được tay bắt mặt mừng như mọi năm nhưng cũng vui lắm. Đúng là một cái tết lịch sử. Các cụ có biết làng tôi mở đầu cuốc họp năm mới như thế nào không? Đặc sắc và đặc biệt vô cùng. Chúng tôi cùng xem lễ trực tuyến một lúc. Cả làng cùng mở máy ‘Daily TV Mass’, tức thì có lễ ngay. Ôi bưổi lễ đầu năm mới sốt sắng làm sao. Cuối lễ Cụ Chánh tiên chỉ đã dâng lời đội ơn Thiên Chúa đã cho cả làng những ngày tháng hạnh phúc và cầu xin Chúa tiếp tục những hồng ân ấy cho năm mới, vừa cho dân làng, cho bạn bè xa gần, vừa cho đất nước Canada, Hoa Kỳ và quê hương Việt Nam. Mọi người cùng chung tiếng Amen, rồi mới quay ra chúc tết nhau.

Cụ B.95 tỏ ra cảm động nhất. Cụ bảo cụ nhớ đất Bắc quê cụ ngày xưa quá. Nào cánh đồng con gái mơn mởn, nào tiếng mẹ ru con giữa trưa hè, nào hoa sấu rụng bên bờ sông, nào hoa sen ngào ngạt cả bầu trời, nào nhãn Hưng Yên, vải Vụ Bản, cam Bố Hạ, cá Anh Vũ Việt Trì…ôi nhớ quá.

Cụ Chánh tiên chỉ nghe cụ B.95 nói xong thì cũng gật gù: Tôi cũng giống y như bà, nhớ miền Bắc cố hương của mình núi đồi hang động chập chùng như chốn bồng lai. Ôi sướng làm sao khi được ngắm cánh đồng xanh trổ lúa vàng lượn sóng, được ngồi bên bếp lửa hồng sưởi ấm giữa cái lạnh cắt da, được nghe tiếng hò giã gạo dưới đêm trăng, được nghe tiếng chuông chùa ngân nga những buổi chiều tà, ôi quê tôi đẹp làm sao! Ấy là chưa nói đến cây đa bến nước, con đò nan mong manh trên sông, những ráng chiều đỏ ửng bầu trời, những đàn trâu về trên đê…Những hình ảnh quê tôi ngày xưa đẹp hơn những hình ảnh lâu đài ở phương tây này. Ôi ngày tết sao mà nhớ quê thế này…

Nghe đến đây thì bồ chữ Từ Hòe cùng gật gù. Cụ vừa nhắc tới đàn trâu trên bờ đê. Con trâu là hình ảnh đẹp nhất tại quê hương nông nghiệp của chúng ta. Ở Canada và Hoa Kỳ này chỉ có bò, chứ không có trâu. Con nít ở đây không thể tưởng tượng được những cảnh đẹp ngày xưa ngoài Bắc, như em bé đầu đội nón mê miệng thổi sáo cỡi trâu về nhà, với ông bố vác cày theo sau. Ngày xưa còn bé, ai cũng thuộc lòng bài này trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư:

…Ai bảo chăn trâu là khổ? Chăn trâu sướng lắm chứ, Đầu đội nón mê như lọng che, tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ…

Và ai cũng nhớ bài lời nhà nông nói với con trâu thân yêu như nói với người bạn:

Trâu ơi, ta bảo trâu này, trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta, cấy cầy vốn nghiệp nông gia, Ta đây trâu đấy ai mà quản công…

Anh John lên tiếng: tôi ở Canada cũng chỉ nghe tới trâu qua sách vở, ngay cả vợ tôi đây sống ở Miền Nam cũng không biết nhiều về trâu, vậy nhân tết con trâu Tân Sửu xin bác Từ Hòe nói thêm về con vật nổi tiếng này cho chúng tôi nghe với. Bác mà kể thì chắc sẽ có nhiều chuyện vui về con vật bạn nhà nông này.

Anh John đã bấm đúng mạch, ông Từ Hòe kể ngay: Con trâu có gốc là một vị thần. Sách kể rằng thuở ban đầu Ông Trời sai một vị thần đem hạt lúa và hạt cỏ xuống trần gian. Ông thần này đãng trí, thay vì gieo hạt lúa xuống ruộng trước thì ông gieo hạt cỏ, do đó cỏ mọc lên tốt hơn lúa. Dân gian làm cỏ khổ cực quá bèn khiếu nại với ông trời. Ông trời cho điều tra và thấy đúng bèn phạt vị thần kia xuống trần gian và biến thành con trâu để ăn cho hết cỏ dại.

Nông dân được con trâu giúp canh tác thì sung sướng và quý con trâu lắm. Chỉ nhà giầu mới đủ sức mua trâu và nuôi trâu, Trong ca dao có ghi rõ việc này: Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà, Cả ba việc ấy lọ là khó thay. Hay câu khác: Miếng trầu là đầu câu chuyện, Con trâu là đầu cơ nghiệp…

Trong văn học sử có cuốn tiểu thuyết nổi tiếng ‘ Con Trâu’ của nhà văn Trần Tiêu in năm 1940. Trong sách nhà văn cực tả cảnh nông dân sống chết với ruộng lúa và con trâu, và quý nhất là con trâu cái. Vì con trâu cái sẽ đẻ con, đây là kho vàng, là tương lai sự giầu có.

Tại miền Bắc con trâu quý như vậy nên chỉ dùng để làm ruộng mà thôi, không ai được giết ăn thịt. Nếu muốn giết trâu thì phải xin phép. Trong sách có ghi chuyện việc một cống sinh kia vừa thi đậu muốn giết trâu ăn mừng. Anh ta làm đơn xin phép quan phủ, quan phủ đi vắng nên bà Hồ Xuân Hương lúc đó là vợ quan phủ, đã thay mặt quan phê vào đơn rằng: Người ta thì chẳng được đâu, Ừ thì thày cống làm trâu thì làm.

Nhiều người cho biết thịt trâu rất ngon và rất bổ, món dân gian mê nhất là món xào thịt trâu với rau cần và tỏi. Nhau của trâu xào với lá bí non, ăn cũng cực ngon. Máu trâu pha với rượu được coi là thuốc đại bổ.

Ngoài thịt ra, cơ thể con trâu cũng được dùng vào nhiều việc rất hữu ích. Như sừng trâu làm quân cờ, lược chải đầu, con thoi dệt vải, quản bút, nan quạt, cán ô, cái tù-và. Xương trâu làm cúc áo, lược chải tóc và nan quạt. Da trâu cho nhiều công dụng nhất: giầy dép, cặp đựng sách, ví tiền, bao kính, và nhất là làm mặt các loại trống. Lông trâu làm bàn chải. Phân trâu rất tốt cho cây cam cây quýt các loại bí và khoai lang.

image.png

Tại quê hương của chúng ta có 2 biểu tượng đặc trưng Việt Nam: con trâu và cây tre. Nói đến đây xong thì ông Từ Hòe xin hết và nhờ ông ODP tiếp sức. Cả làng vỗ tay râm ran, mãi với thôi.

Ông bồ chữ ODP lên tiếng ngay. Rằng bác vừa nhắc đến con trâu và cây tre làm tôi chợt nhớ tới hai chuyện vui. Chuyện thứ nhất là tên con trâu bị 2 nơi đọc sai. Nơi thứ nhất là dân ở miền biển ngoài Bắc, nhiều người đã không đọc được chữ TR. Con trâu thì đọc là con tâu. Do dó mới có giai thoại chế nhạo thế này, họ đọc câu ‘ Con trâu trắng béo tròn trùng trục nằm bên bờ tre trơ trụi’ là ‘ con tâu tắng béo tòn tùng tục nằm bên bờ te tơ tụi’. Ai nghe cũng phá ra cười, chê rằng anh nói quê quá. Nơi thứ hai là dân Hà Nội đất văn vật thì phát âm chữ TR thành ra CH, do vậy họ đọc là ‘ con châu chắng béo chòn chùng chục nằm bên bờ che chơ chụi’. Không ai cười là nói quê cả mà lại khen ‘chà, tiếng Hà thành có khác’. Lời chê và tiếng khen này có công bằng không các cụ?

Chuyện thứ hai: cây tre là một biểu tượng rất quê hương VN. Con trâu cả khi sống cả khi chết đều hữu ích, cây tre cũng vậy. Lá tre là món ăn quý cho loài ngựa. Thân tre thì được dùng vào trăm việc hữu ích, nào làm nhà, làm chõng, làm giường, làm rổ rá, làm nón, làm lạt gói bánh, làm đòn gánh, làm khí giới…Bụi tre là hình ảnh của làng quê thanh bình, là biên giới của làng xóm. Sau lũy tre xanh, bày trẻ ngày ngày đánh bi đánh đáo, thả diều đi câu, tắm truồng ở cầu ao làm bằng thân những cây tre ghép lại. Tiếng động nông thôn là tiếng hò trâu cày ruộng, là tiếng chim gáy ở cành tre vắt vẻo, là tiếng đưa võng kẽo kẹt bà ru cháu à ơi, là hương ngát của hoa cau hoa bưởi, là mùi thơm của mùa lúa chín… Ôi quê hương ngày xưa của tôi sao mà đẹp đến thế. Cụ Ngô Đình Diệm thời đệ Nhất Cộng Hòa đã chọn cây tre làm biểu tượng ‘Tiết trực tâm hư’của Tổng Thống, quả là hay và đẹp.

Ông ODP vừa ngưng về cây tre thì ông H.O. xin kể một chuyện vui xen kẽ. Bác nói tới cụ Ngô làm tôi nhớ tới Cụ Hồ. Rằng sau 1975, các quan cán bộ từ Bắc vào Nam suốt ngày ra rả ca ngợi Bác Hồ. Nói ra rả suốt ngày chưa đủ, các quan còn viết khẩu hiệu khắp nơi. Có một khẩu hiệu được viết lớn trên tường giữa một ngôi chợ thế này ‘ Bác Hồ sống mãi trong quần chúng’. Khẩu hiệu viết dược vài ngày thì một buổi sáng kia ai đi qua chợ nhìn lên khẩu hiệu thì cũng phá ra cười, có người cười chảy cả nước mắt nước mũi. Các cụ biết tại sao không? Thưa, có một tên ngụy nào đó đã dám lén leo lên viết thêm một chữ TA vào cuối câu khẩu hiệu trên. Bây giờ khẩu hiệu đọc là ‘ Bác Hồ sống mãi trong quần chúng ta’. Thât là hỗn và láo qúa sức. Bác đang là thần tượng đại nhân ở trong lòng mọi người, bây giờ Bác hóa ra thằng tiểu nhân hung hăng.

Cả làng lại phá ra cười. Người cười to nhất và lâu nhất là anh John. Anh bảo tiếng Việt thật tuyệt vời, chỉ thêm một chữ TA nhỏ xíu ở cuối câu mà nó biến đổi hết ý nghĩa của cả câu. Xưa nay tôi đã thán phục tiếng Việt có mấy chữ mà tôi cho là đắc ý nhất và hay hết sức, như chữ TÒM trong bài thơ tả cảnh anh chồng muốn tò tí với vợ lúc vợ đang thổi cơm ( Bây giờ lửa đã nhóm lên, Lợn no, con nín, tòm tem thì tòm ), như chữ XẰNG trong câu thơ của anh si tình tiếc người yêu vì tham giầu đi lấy một thắng bé nhà giàu ( Anh tiếc thay tờ giấy trắng để thằng bé cỏn con nó vẽ xằng…), như chữ LỪ ( Chồng chê mặc kệ chồng chê, Dưa khú nấu với cá trê ngọt lừ… Nhưng chữ TA trên đây thì hay hơn hết.

Ai nghe đến đây cũng cười òa. Ông H.O. lại góp ý với anh John: Sao anh không kể chuyện tiếng TỎM ở hồ bơi để mọi người nghe cho đủ bộ. Mấy bà đang khoái chuyện cười của Anh John bèn lên tiếng xin nghe chuyện TỎM. Anh John đã lỡ trớn rồi nên phải nháy mắt xin phép vợ là chị Ba ngồi kề, rồi kể: Rằng tại một hồ bơi kia có một anh mù rất giỏi. Anh chỉ ngồi bên bậc thang nhảy rồi lắng tai nghe, ai nhảy xong thì anh biết ngay là đàn ông hay đàn bà. Có ông bạn phục anh này quá bèn hỏi nhỏ là nhờ đâu mà anh giỏi quá như thế. Anh mù cười rồi nói khẽ: Đàn ông mà từ trên cầu nhảy xuống hồ thì chỉ kêu tỏm một cái rồi hết. Còn ai mà kêu tỏm một cái rồi sau đó còn tiếng ùng ục, thì đó phải là đàn bà. Đúng không? Thật là hết ý.

Nghe đến đây thì Cụ Chánh xin chấm dứt chuyện ở hồ bơi để trở về chuyện cười ngày tết con trâu. Ông H.O. quê ở miền nói con tâu tắng lên tiếng trách cả nước đã bất công vì chỉ chế nhạo con tâu tắng của quê ông. Sao không chế nhạo chuyện nói ngọng ở Miền Nam như chuyện ‘cái rổ đựng cá rô’ thì nói là ‘cái gổ đựng cá gô’, ‘Người Việt nói tiếng Việt’ thì nói là Người Diệt nói tiếng Diệt.

Anh John thấy câu chuyện nói ngọng này có vẻ căng trong không khí ngày tết nên ông liền chuyển sang hướng khác. Anh bảo ban đầu anh vốn nói tiếng miền Nam quê vợ, nhưng từ khi được vào làng và nghe tiếng Bắc thì anh thấy trong tiếng Việt có nhiều tiếng đôi ghép tiếng Bắc tiếng Nam dính vào nhau thật tuyệt vời, hai tiếng mà cùng chỉ một nghĩa, như bơi lội, dối gạt… tiếng bơi tiếng dối là tiếng Bắc kỳ, tiếng lội tiếng gạt là tiếng Nam kỳ, rõ ràng Bắc Nam họp chung làm một. Nhiều tiếng như vậy lắm, như đe dọa, đùa giỡn, gầy ốm, khỏe mạnh, khuân vác, kiêng cữ, té ngã, thương yêu…

Cả làng vỗ tay khen anh John có cái nhìn thật tuyệt vời.

Ông H.O. cũng xin góp một tiếng cười ngày tết. Ông bảo ông và nhóm cựu tù nhân với ông phải lên tiếng công khai xin lỗi 2 đại văn hào Nguyễn Du và Nguyễn Trãi. Chuyện như thế này, hồi ấy các văn phòng giữ các hồ sơ xin đi Mỹ theo diện tù cải tạo đều nằm trên đường Nguyễn Du và Nguyễn Trãi ở Saigon. Anh em nộp đơn xong đều mong cho đơn đi mau, khi gặp nhau thì trao đổi tin tức: Sao, đơn tới Nguyễn Du chưa, sao đơn Nguyễn Trãi sắp xong chưa, đèo mẹ thằng Nguyễn Trãi đòi ăn tiền… Chúng tôi sang tới đây nghĩ lại, thấy mình đã vô tình vì vắn tắt mà nói xúc phạm tới hai tổ phụ tiền nhân, xin cúi đầu xám hối.

Các cụ nhớ cái gốc của ông H.O.trong làng tôi chứ. Diện H.O. chỉ có ở bên Hoa Kỳ. Ông H.O. này từ Saigon sang Hoa Kỳ định cư rồi sang Canada thăm ông bác. Sang Canada ít bữa thì gặp người đẹp là cháu cụ Chánh. Cô này vừa đẹp vừa trẻ vừa có duyên, miệng cười xinh hết sức. Ông bị tiếng sét ái tình, thế là ở lại luôn Canada.

Chị Ba Biên Hòa xin Cụ Chánh nhân ngày tết cho đôi lời về kinh nghiệm sống thọ và hạnh phúc. Cụ Chánh đáp ngay: Lão cũng đang muốn bàn về việc này. Tôi thấy ai cũng chúc nhau sống thọ, nhưng sống thọ mà bệnh hoạn thì ích gì, vừa khổ thân mình, vừa làm khổ con cháu. Tuổi già lý tưởng là tuổi vẫn còn ăn ngon, ngủ ngon, tai thính mắt sáng, đầu óc minh mẫn, đi đứng vững vàng và cần nhất là luôn giữ được nụ cười trên môi, và làm cho người chung quanh hạnh phúc, thế mới là tuổi thọ đáng sống. Nụ cười và tiếng cười quý vô cùng. Kìa xem ngôi sao màn bạc nổi tiếng khắp thế giới Elizabeth Taylor, đã có 8 đời chồng, về già bà còn nói bà thấm mệt về đường tình, sẽ không cưới ai nữa, nhưng nếu ai có óc hài hước và làm cho bà cười nhiều thì bà rất sẵn lòng sống chung với người đó đến mãn đời.

Các bạn thấy chưa, tiếng cười quan trọng như vậy đó. Me Thánh Teresa Calcutta cũng khuyên mọi nữ tu hãy cười nhiều hơn khi phục vụ tha nhân. Hiện nay trên thế giới có mấy trăm ngôn ngữ khác nhau, và tiếng cười nói được tất cả các ngôn ngữ này. Tiếng cười là một ngôn ngữ quốc tế, là tiếng nói của tình yêu, tình thương. Tiếng cười không tốn kém mà nó mua được biết bao nhiêu sự tốt lành. Mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên nên làm là mỉm cười, cười với một ngày mới đang bắt đầu. Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ.

Kính chúc các cụ năm mới Con Trâu đầy tiếng cười.

TRÀ LŨ

Related posts