Minh Nam
Theo Epoch Times, một báo cáo mới đây cảnh báo rằng chính quyền Trung Quốc đang mở rộng đàn áp công dân của mình nhắm vào những người lưu vong và bất đồng chính kiến ở nước ngoài.
Bắt cóc, tấn công và đe dọa chỉ là một số chiến thuật được Bắc Kinh sử dụng để trấn áp những người chỉ trích ở nước ngoài, cũng như các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số, trong một chiến dịch được nhóm vận động Freedom House mô tả là “tinh vi và toàn diện nhất” trên thế giới.
Kể từ năm 2014, ĐCSTQ đã dính líu đến ít nhất 214 vụ tấn công thân thể đối với công dân nước này ở nước ngoài – con số lớn nhất cho đến nay so với các quốc gia khác, nhóm này cho biết trong báo cáo về đàn áp xuyên quốc gia được công bố vào ngày 4/2.
Báo cáo cho biết: “Độ rộng tuyệt đối và quy mô toàn cầu của chiến dịch là vô song. Trong một trường hợp nổi bật, các đặc vụ Trung Quốc đã bắt cóc Quế Mẫn Hải, một công dân Thụy Điển ở Thái Lan vào năm 2015, vì xuất bản sách chỉ trích các nhà lãnh đạo của chế độ. Sau đó, trong khi bị giam giữ, chính quyền Trung Quốc tuyên bố ông Hải đã từ bỏ quốc tịch Thụy Điển và khôi phục quốc tịch Trung Quốc. Đầu năm 2020, anh ta bị kết án 10 năm tù vì “cung cấp thông tin tình báo ra nước ngoài”.
Mặc dù không phải tất cả các mục tiêu đều phải đối mặt với những hành vi nghiêm trọng như vậy. Những người khác phải đối mặt với sự quấy rối và đe dọa bởi các đặc vụ Trung Quốc. Các mục tiêu bao gồm người thiểu số Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ, cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, những người ủng hộ nhân quyền và những người trong cuộc trước đây của ĐCSTQ. Có hàng triệu người Trung Quốc và dân tộc thiểu số ở ít nhất 36 quốc gia bị ảnh hưởng.
Các học viên Pháp Luân Công ở nước ngoài, một nhóm tinh thần bị ĐCSTQ bức hại, cũng phải chịu sự trả thù của chính quyền Trung Quốc hoặc những người thân tín của họ.
Freedom House cho biết các thành viên của nhóm đã bị “quấy rối thường xuyên và thỉnh thoảng bị tấn công thân thể bởi các thành viên của các phái đoàn Trung Quốc đến thăm hoặc những người thân Bắc Kinh trong các cuộc biểu tình ở nước ngoài”.