Hoàng Thu
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Reagan – ông George Shultz vừa qua đời vào ngày 6/2, hưởng thọ 101 tuổi. Ông là người đã theo đuổi đến cùng và thực hiện 6 bảo đảm về an ninh vốn là chính sách ngoại giao cơ bản của Hoa Kỳ đối với Đài Loan từ thời Reagan, theo Epoch Times.
Theo Central News Agency, ông Schultz là một nhà nghiên cứu xuất sắc tại Học viện Hoover, một chuyên gia tư vấn tại Đại học Stanford, và là giáo sư danh dự của Trường Kinh doanh Đại học Stanford.
Ông Schultz có 3 lần làm bộ trưởng (Bộ trưởng Bộ Lao động, Ngân khố và Ngoại giao). Ông được biết đến nhiều nhất với tư cách là Ngoại trưởng của cựu Tổng thống Mỹ Reagan, từ năm 1982 đến năm 1989 và là ngoại trưởng lâu nhất kể từ Thế chiến II.
Trong vai trò Ngoại trưởng, ông Schultz đã gửi một bức điện cho Lý Khiết Minh, khi đó là giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan vào ngày 17/8/1982, tiết lộ sáu cam kết đảm bảo về an ninh với Đài Loan, trong đó bao gồm cam kết Mỹ không thay đổi lập trường về chủ quyền của Đài Loan, không gây áp lực lên Đài Loan, yêu cầu Đài Loan và Trung Quốc đàm phán công bằng. Nội dung bức điện này cũng đã được chính quyền tổng thống Trump giải mật hồi giữa tháng 7 năm ngoái.
Trong suốt cuộc đời của mình, ông Schultz đã giữ bốn chức vụ nội các khác nhau, bao gồm Ngoại trưởng, Bộ trưởng Ngân khố, Bộ trưởng Lao động và Giám đốc Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng.
Ông đã từng giảng dạy tại 3 trường đại học hàng đầu của Mỹ, bao gồm Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Chicago và Đại học Stanford. Ông cũng từng là chủ tịch của một công ty xây dựng và kỹ thuật lớn trong 8 năm.
Ông Schultz đã phục vụ tại Viện Hoover hơn 30 năm. Vào ngày 17/12/2019, ông đã tham dự buổi phát hành công khai nhật ký riêng của Tưởng Kinh Quốc, con trai của Tưởng Giới Thạch với người vợ đầu Mao Phúc Mai.
Ngày 13/12 năm ngoái là sinh nhật lần thứ 100 của Schultz. Ông đã viết một bài báo với tiêu đề “10 điều quan trọng nhất tôi học được về lòng tin trong một trăm năm cuộc đời” trên tờ Washington Post. Nội dung bài báo đề cập rằng, ông biết giá trị của “niềm tin” trong những năm đầu đời, và ông tiếp tục hấp thụ giá trị cũng như tầm quan trọng của niềm tin giữa các cá nhân trong suốt cuộc đời mình.
“Trust is the coin of the Real” (tạm dịch ‘Niềm tin là giá trị của thực tại’) là câu nói nổi tiếng của ông và là tiêu đề một trong những cuốn sách ông đã xuất bản. Ông viết: “Nếu có sự tin tưởng trong căn phòng, những điều tốt đẹp sẽ xảy ra, bất kể đó là phòng khách, lớp học, phòng thay đồ, văn phòng, công xưởng hay phòng chiến tranh. Không có sự tin tưởng trong căn phòng, những điều tốt đẹp sẽ không xảy ra. Mọi thứ khác chỉ là hình thức”.
Schultz sinh ra ở New York vào ngày 13/12/1920 và lớn lên ở New Jersey. Ông theo học chuyên ngành kinh tế tại Đại học Princeton và gia nhập Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ sau khi tốt nghiệp năm 1942 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1945. Ông lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế Công nghiệp tại Học viện Công nghệ Massachusetts vào năm 1949.
Năm 1955, ông Schultz lần đầu tiên vào nội các với tư cách là cố vấn kinh tế của Tổng thống Eisenhower. Năm 1969, Schutz được Tổng thống Nixon bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Lao động. Từ năm 1972, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách Kinh tế, tiến hành một loạt cuộc đàm phán thương mại với Liên Xô.
Năm 1974, Schultz rời văn phòng và gia nhập Tập đoàn Bechtel, một công ty năng lượng tư nhân, với tư cách chủ tịch trong 8 năm, trong thời gian phục vụ trong ngành, ông vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với giới học thuật và giảng dạy tại Đại học Stanford.
Sau đó, ông lại tham gia nội các dưới thời chính quyền Reagan, Schultz đóng hai vai trò quan trọng, một là chủ tịch Ủy ban Cố vấn Chính sách Kinh tế và hai là Ngoại trưởng. Trong nhiệm kỳ Ngoại trưởng, Schultz không chỉ khép lại thành công Chiến tranh Lạnh Liên Xô – Mỹ, mà còn cho phép Mỹ phát triển quan hệ ngoại giao mạnh mẽ với các nước châu Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Sau khi mãn nhiệm, ông một lần nữa làm cố vấn cấp cao trong doanh nghiệp và học viện với tư cách là cố vấn cấp cao của Better Group, và trở lại Đại học Stanford để giảng dạy tại Trường Kinh doanh và thực hiện nghiên cứu tại Học viện Hoover.
Cựu ngoại trưởng Schultz còn là tác giả của nhiều cuốn sách và đã giành được nhiều giải thưởng. Tháng 1 năm 1989, ông nhận được “Huân chương Tự do của Tổng thống”, danh hiệu dân sự cao quý nhất ở Hoa Kỳ; ông cũng nhận được bằng danh dự của một số trường đại học Mỹ.
Cuốn hồi ký của Schultz “Sự hỗn loạn và chiến thắng: Những năm tháng làm ngoại trưởng” của Schultz đã trở thành một cuốn hồi ký mẫu mực cho các quan chức chính phủ.
Ông Schultz qua đời tại nhà riêng trong khuôn viên Đại học Stanford, để lại vợ, 5 người con, 11 cháu nội và 9 chắt.