Vũ Dương
Có phải ĐCSTQ đang lặp lại chiêu trò quen dùng trong lịch sử?!…
Clubhouse, một ứng dụng do Hoa Kỳ phát triển và được hỗ trợ bởi công nghệ cốt lõi do Trung Quốc tài trợ gần đây đã trở nên phổ biến trong và ngoài nước Trung Quốc, được cư dân mạng Trung Quốc đổ xô dùng vì chưa bị kiểm duyệt. Nhưng vì nhiều cư dân mạng đã chia sẻ các vấn đề về Đài Loan, Hồng Kông và Tây Tạng trên nền tảng này, khiến phần mềm này đã bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chặn ngay sau khi nó được tung ra ở Trung Quốc chưa được bao lâu. Có nhà phân tích lo ngại rằng ĐCSTQ cố ý mở nền tảng này cho cư dân mạng Trung Quốc, mục đích rất có thể là nằm trong kế hoạch “dụ rắn ra khỏi hang” để bắt giữ những ai bất mãn với chính quyền, nội dung trò chuyện và đăng tải có thể sẽ trở bằng chứng để ĐCSTQ kết tội người dân.
Tổng hợp báo cáo trên các phương tiện truyền thông, có cư dân mạng đã cho hay, ứng dụng Clubhouse đã bị cấm trên Weibo vào tối thứ Hai (ngày 8/2). Người này nói rằng không thể cập nhật động thái của phòng trò chuyện (room chat), dù kết nối được thì hội thoại trong đó cũng bị “ngắt quãng”, giống như “tín hiệu bị cắt” vậy.
Một cư dân mạng khác cho biết anh ta đã đăng ký Clubhouse vào ngày 8/2 và mọi thứ vẫn bình thường, phần mềm cũng gửi thông báo “Chào mừng bạn đến với Clubhouse”, nhưng anh ta không vào được phòng trò chuyện nào.
Được biết, nhiều thành phố ở Trung Quốc, bao gồm Hàng Châu, Thâm Quyến, Hải Nam và Tây Bắc Trung Quốc đều có cư dân mạng cho biết họ không thể sử dụng Clubhouse.
Tính năng vượt trội “có một không hai” của Clubhouse đối với cư dân mạng Trung Quốc
Clubhouse là một ứng dụng mới. Khác với chia sẻ văn bản, hình ảnh và video, Clubhouse sử dụng tính năng trò chuyện thoại trong thời gian thực để chia sẻ chủ đề, trò chuyện nhóm, chia sẻ câu chuyện và trao đổi suy nghĩ.
Clubhouse áp dụng hệ thống mời, dù tải phần mềm về nếu không lấy được mã đăng nhập thì cũng vô ích. Và đây cũng là khái niệm câu lạc bộ ưu tú của Clubhouse. Sau khi tham gia Clubhouse thành công, mỗi người dùng sẽ có hai cơ hội để mời bạn bè và sử dụng số điện thoại của họ để gửi lời mời đến những người cụ thể. Người dùng có thể tìm các chủ đề mà họ thích và tham gia vào phòng trò chuyện. Khi trò chuyện kết thúc, tất cả các tin nhắn tức thời sẽ bị xóa sau khi đóng cửa phòng trò chuyện, vậy nên cũng có thể nói là “tắt xong xóa liền”.
Đối với cư dân mạng Trung Quốc, Clubhouse tốt hơn nhiều so với các phương tiện truyền thông xã hội như WeChat, Douyin và QQ. Clubhouse cũng mang lại cho một số cư dân mạng không gian trò chuyện tự do vì chưa bị ĐCSTQ kiểm duyệt, do vậy nhu cầu về mã mời tham gia Clubhouse đã tăng lên ở Trung Quốc gần đây. Các chủ đề được thảo luận trong các phòng trò chuyện thường là các chủ đề cấm kỵ của ĐCSTQ, từ trại tập trung Tân Cương, các vấn đề Đài Loan đến luật an ninh quốc gia của Hồng Kông …
Ví như trong một phòng trò chuyện, mọi người sẽ cùng tham gia thảo luận về việc lãnh đạo ĐCSTQ nào phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát Lục Tứ tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Trong một phòng trò chuyện khác, người dùng sẽ chia sẻ kinh nghiệm đối phó với tay sai của ĐCSTQ. Trong một phòng trò chuyện khác, những người tham gia đã tổ chức một buổi lễ tưởng niệm thầm lặng cho ngày giỗ đầu của bác sĩ Lý Văn Lượng.
Clubhouse có liên đới với công ty công nghệ Trung Quốc
Tuy nhiên, có thông tin tiết lộ rằng công nghệ hội thoại tức thì của Clubhouse được cung cấp bởi công ty công nghệ Agora có trụ sở tại Thượng Hải, điều này cũng trở thành mối quan tâm của một số cư dân mạng muốn trải nghiệm công nghệ mới lạ.
Ông Phương Bảo Kiều (Francis Fong Po Kiu), Chủ tịch danh dự của Phòng Thương mại Công nghệ Thông tin Hồng Kông, đã đề cập rằng người dùng Clubhouse hiện đang ở mức cảnh giác thấp, ứng dụng này sử dụng nền tảng đám mây Agora để lưu trữ dữ liệu. Nếu dữ liệu được lưu trữ ở Trung Quốc, các nhà chức trách có thể truy cập bất cứ lúc nào tùy theo quyền hạn do luật pháp địa phương cấp cho.
Ông Phạm Kiến Văn (Eric Fan Kin Man), Phó chủ tịch quyền riêng tư và an ninh mạng của Phòng Thương mại Công nghệ Thông tin Hồng Kông, trong một cuộc phỏng vấn với Apple Daily cho biết, Clubhouse yêu cầu người dùng đăng ký số điện thoại di động hoặc mua mã đăng nhập, điều này khiến ông cảm thấy khác lạ và lo lắng về các vấn đề riêng tư bảo mật, bởi số điện thoại di động và giọng nói vốn là thông tin nhạy cảm, vậy nên người dùng nên đặc biệt cảnh giác.
ĐCSTQ có đang chơi trò “dụ rắn ra khỏi hang”?!
Ông Nhan Kiến Phát (Chien-Fa Yen), nhà bình luận chính trị và là giáo sư Khoa Quản trị Kinh doanh tại Đại học Khoa học và Công nghệ Đài Loan, nói với Thời báo Epoch Times rằng, Clubhouse cho phép các cá nhân tự do phát biểu, từ đó nó có thể thu thập thông tin người dùng. Đây cũng là thủ đoạn quen dùng của ĐCSTQ, trước tiên nó để người ta trò chuyện hăng say, sau đó tóm gọn một mẻ, điều này rất có khả năng. Bởi phần mềm này nguyên đến từ Thượng Hải, thật khó tin là nó dám làm như vậy ( giúp người dân vượt khỏi tầm kiểm soát của ĐCSTQ). Nếu như nói tập đoàn công nghệ này ở nước ngoài thì không có gì nói, nhưng đây lại là một công ty bên trong Trung Quốc, thật khó có ai đang ở bên trong Trung Quốc mà dám đứng ra thách thức làn ranh đỏ của ĐCSTQ.
Ông Nghiêm nói rằng trước những nghi ngờ nêu trên, “tất cả đều đáng để tham khảo, bởi vì chúng đều rất có khả năng”. Nhìn lại quá khứ của ĐCSTQ trong Cách mạng Văn hóa, chính là nó để cho mọi người đàm luận hăng say, sau đó lấy những lời phát biểu đó làm bằng chứng kết tội họ.
Chỉ là thời đó không có phương tiện truyền thông xã hội như bây giờ. Ông nói, nhưng nguyên tắc vẫn giống nhau, nếu công nghệ hội thoại thời gian thực của Agora, một công ty công nghệ hiện có trụ sở tại Thượng Hải, được sử dụng, thì rõ ràng là nó phải nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ. Bằng cách này, nó có thể lần ra manh mối để bắt giữ người ta, có thể nói đây chính là một phương thức của cái bẫy “dụ rắn ra khỏi hang” trong quá khứ.
“Trước hết nó để mặc cho mọi người lên án chế độ, chỉ trích cá nhân người lãnh đạo, sau khi mắng chửi đến một mức độ nhất định rồi, nó sẽ lần theo manh mối để bắt người. Tất cả những gì mọi người đã nói ở trên đều sẽ trở thành bằng chứng để kết tội họ”, ông Nghiêm nói.
Ông Nghiêm nhìn nhận rằng ĐCSTQ không biết những ai chống lại nó, hoặc là nghĩ không ra, và cả những người phản đối kẻ đương quyền. Vậy nên đây có thể được coi như kế sách “dụ rắn ra khỏi hang”, sau đó hốt gọn một mẻ, hiện đang trong giai đoạn theo dõi, còn chưa xác định được rốt cuộc nó nguy hiểm đến mức độ nào. Với loại ứng dụng có khả năng bị theo dõi này, mọi người nên thận trọng vẫn hơn.
ĐCSTQ giám sát mọi thứ, người dân Trung Quốc nên thận trọng khi sử dụng Clubhouse
Ông Thái Y Tranh ((I-Chen Tsai), một bác sĩ và cây viết nổi tiếng đã theo dõi các vấn đề chính trị và kinh tế trong một thời gian dài, cho biết trên Facebook rằng cư dân mạng Trung Quốc từ sớm đã biết rằng ĐCSTQ sẽ tạo ra các VPN miễn phí và thậm chí giả vờ phát triển chúng để thu thập và theo dõi cư dân mạng vượt tường lửa rốt cuộc họ đang xem cái gì, nói những gì, đang liên lạc với ai.
Về sự giao lưu nhiệt tình ngắn ngủi này, ông kêu gọi người dùng, “Miễn là bạn không có ý định nhập cảnh vào Trung Quốc, trên thực tế, dù bạn có nói về sự độc lập của Đài Loan như thế nào, khả năng bạn thực sự bị ảnh hưởng cũng sẽ không lớn. Tuy nhiên, nếu bạn sống ở Trung Quốc, thì cảnh sát có thể gõ cửa nhà bạn bất cứ lúc nào, có lẽ tốt hơn hết là bạn nên cân nhắc về điều đó”. Ông nhắc nhở,“ Đừng nghĩ rằng cửa sổ tự do ngôn luận bất thình lình lại được mở ra (ngay tại Trung Quốc), trên đời làm gì có chuyện đó tốt như vậy”.