Lãnh đạo Tencent bị bắt sau khi cung cấp thông tin cá nhân người dùng Wetchat

Tâm Thanh

Hình minh họa từ video của PolyMatter.

Wall Street Journal dẫn lời những người thạo tin cho biết, Trương Phong, một lãnh đạo của Tencent, gã khổng lồ công nghệ tại Trung Quốc, đã bị bắt giam để điều tra với cáo buộc “tham nhũng cá nhân”.

Vụ bắt giữ được cho là có liên quan đến việc vị lãnh đạo này chia sẻ dữ liệu cá nhân thu thập trên mạng xã hội WeChat cho Tôn Lực Quân – cựu Thứ trưởng Bộ công an Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – người đã bị cách chức vào năm ngoái.

Các nguồn tin cho biết, kể từ đầu năm 2020, Trương Phong đã bị cơ quan chống tham nhũng của ĐCSTQ điều tra về hành vi này. Đồng thời, các nhà điều tra cũng đang điều tra loại thông tin mà Trương Phong có thể đã chia sẻ với Tôn Lực Quân và những gì Tôn Lực Quân có thể đã làm với những thông tin nhận được.

Hôm 11/2, Tencent đã xác nhận rằng, Trương Phong đang bị điều tra với cáo buộc “tham nhũng cá nhân” và không liên quan gì đến WeChat. Bên cạnh đó, Tencent cũng phủ nhận việc Trương Phong nắm giữ các vị trí cấp cao hoặc quản lý trong công ty.

Tuy nhiên, chính quyền thành phố Trương Gia Khẩu trong một tuyên bố đã gọi Trương phong là phó chủ tịch của Tencent và thị trưởng thành phố đã gặp ông Trương vào tháng 10/2018.

Sau khi cuộc điều tra đối với Trương Phong được tiến hành, tỷ phú Mã Hóa Đằng, người sáng lập và là giám đốc điều hành của Tencent, đã không xuất hiện công khai ở đại lục hoặc trực tiếp tham dự các sự kiện lớn.

Những người thạo tin cho biết, Mã Hóa Đằng đã dành phần lớn thời gian của mình ở Hồng Kông và không bị cáo buộc về bất kỳ hành vi sai trái nào.

Theo báo cáo, vụ việc của Trương Phong đã cho thấy phương thức mà một số công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc có thể tham gia vào cuộc đấu tranh chính trị ở cấp cao nhất của ĐCSTQ. Trong những năm qua, Tencent đã thu thập rất nhiều dữ liệu bằng cách xử lý các cuộc trò chuyện của người dùng và các giao dịch tài chính trên nền tảng WeChat. Số lượng lớn người dùng khiến WeChat trở thành công cụ giám sát mạnh mẽ của ĐCSTQ.

Tuy nhiên, gần đây, các nhà chức trách của chính quyền Trung Quốc ngày càng lo ngại rằng, hệ thống thu thập dữ liệu của những gã khổng lồ công nghệ đặt ra thách thức đối với sự độc quyền thông tin của ĐCSTQ.

Trong những tuần gần đây, ĐCSTQ đã ban hành các quy định chống độc quyền mới cho các nền tảng Internet. Các nhà phân tích nói rằng, một phần động cơ đằng sau việc này là nỗ lực của ĐCSTQ nhằm giành lại quyền kiểm soát dữ liệu cá nhân của người dùng.

Tencent hiện là công ty có giá trị vốn hóa thị trường niêm yết lớn nhất Trung Quốc, vượt qua gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba vào tháng 12 năm ngoái. Giá cổ phiếu của Tencent đã giảm 1,6% tại Hồng Kông vào thứ Năm (11/2) và sau đó đã tăng nhẹ lên 0,5%.

Related posts