Tâm Thanh
Cuộc đảo chính quân sự gần đây ở Myanmar đã thu hút sự chú ý toàn cầu. Mới đây, có thông tin cho rằng, Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang hỗ trợ quân đội Myanmar xây dựng tường lửa mạng nhằm thực hiện luật an ninh mạng tại quốc gia này.
ĐCSTQ phủ nhận việc giúp Myanmar xây tường lửa khiến dân chúng ngờ vực
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Myanmar, nhà chức trách nước này có kế hoạch ngắt kết nối Internet ở Myanmar từ ngày 14/2 đến ngày 28/2. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ dẫn lời một chuyên gia an ninh mạng từ Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar cho biết, Trung Quốc đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cần thiết cho quân đội Myanmar để thiết lập tường lửa Internet, đồng thời các kỹ thuật viên IT và thiết bị phần cứng của phía Trung Quốc cũng đã đến quốc gia này. Tất cả thiết bị tường lửa sẽ được gửi đến các nhà khai thác mạng và viễn thông của Myanmar.
Ngoài ra, các nền tảng xã hội trực tuyến như Twitter và Facebook cũng đưa tin rằng, các nhân viên đã dỡ lô hàng chứa những thiết bị kỹ thuật liên quan trên các chuyến bay đến Myanmar từ Trung Quốc.
Về vấn đề này, Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar đã phủ nhận các vụ việc liên quan đến Trung Quốc ở Myanmar thông qua trang web truyền thông nhà nước Trung Quốc vào ngày 13/2. Đối với những bức ảnh được lan truyền rộng rãi trên các nền tảng xã hội, Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar đã chuyển thông báo từ phòng Thương mại Trung Quốc tại Myanmar cho biết, các chuyến bay nói trên chỉ là chuyến bay chở hàng thông thường như hàng hóa xuất nhập khẩu. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Uông Văn Bân cũng tuyên bố công khai rằng, thông tin liên quan là sai sự thật.
Tuy nhiên, chủ tịch điều hành của Hiệp hội người Hoa Princeton của Hoa Kỳ – Trần Khuê Đức bày tỏ rằng, không thể loại trừ việc chính phủ Trung Quốc bí mật giúp quân đội Myanmar xây dựng tường lửa.
Điều đáng chú ý là vào khoảng thời gian đó, quân đội Myanmar đã soạn thảo dự luật an ninh mạng. Reuters cũng trích dẫn một bản sao cho thấy, dự luật an ninh sẽ yêu cầu các nhà khai thác mạng ngăn chặn hoặc xóa nội dung được coi là “khơi dậy lòng thù hận và làm tổn hại đến sự đoàn kết và hòa hợp”, đồng thời cũng đề cập cụ thể đến “tin tức sai sự thật hoặc “tin đồn” hay “không phù hợp với văn hóa Myanmar”.
Ngoài ra, hơn 150 tổ chức xã hội dân sự ở Myanmar đã chỉ ra trong một tuyên bố rằng, dự luật có các điều khoản vi phạm quyền con người, bao gồm vi phạm quyền tự do ngôn luận, vi phạm các quyền công dân như bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư.
Công nghệ giám sát của Trung Quốc vươn ra thế giới
Vào tháng 4 năm ngoái, Sheena Chestnut Greitens – nhà nghiên cứu cấp cao khi đến thăm trung tâm nghiên cứu chính sách Đông Á thuộc viện Brookings ở Washington, đã đưa ra một báo cáo nói rằng, nhóm của cô đã tìm thấy thông tin công khai rằng, kể từ năm 2008, ít nhất 80 quốc gia đã áp dụng công nghệ giám sát và an toàn công cộng của Trung Quốc, con số này đã tăng lên đáng kể trong 5 năm qua.
Báo cáo cũng cho thấy những công nghệ này đã được áp dụng cho hầu hết các quốc gia ở Trung Á, Nam Á, Đông Nam Á, Trung Đông và Nam Mỹ, cũng như một số quốc gia ở châu Phi và châu Âu.
Phóng viên CNN – James Griffiths đã viết trong cuốn sách “Bức tường lửa vĩ đại của Trung Quốc: Cách xây dựng và kiểm soát một phiên bản Internet thay thế (The Great Firewall of China: How to Build and Control an Alternative Version of the Internet)” rằng, mô hình Internet của Trung Quốc đã được xuất khẩu ra nước ngoài; hơn nữa, các bộ phận kiểm duyệt của chính quyền Bắc Kinh đang làm việc với Nga, Uganda và các nước khác để giúp họ xây dựng một hệ thống giám sát Internet nhằm trấn áp hoạt động bất đồng chính kiến trên mạng Internet.
Ngoài ra, báo cáo dài được New York Times công bố năm 2019 tiết lộ rằng, chính phủ Ecuador đã áp dụng hệ thống giám sát của hai công ty Trung Quốc để giám sát hàng nghìn camera trên khắp đất nước trong thời gian thực. Trong một cuộc điều tra, giới truyền thông cũng phát hiện ra rằng, hệ thống này cũng đồng thời theo dõi các nhóm bất đồng chính kiến.
Một báo cáo được The Wall Street Journal công bố vào cùng năm cho hay, trên thực tế, Huawei đã dẫn đầu trong việc sản xuất trung tâm dữ liệu quốc gia đầu tiên tại Zambia, quốc gia dân chủ mới phát triển ở Châu Phi. Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết, Huawei và ZTE còn cung cấp thiết bị giám sát và che chắn mạng cho chính phủ Zambia.
Ông Trần Khuê Đức cho rằng, ĐCSTQ hy vọng sẽ củng cố chế độ chuyên chế toàn cầu và khuyến khích một số quốc gia hợp lực chống lại các nền dân chủ phương Tây.