Anh Vũ
Vừa phải chạy đua với thời gian chống đại dịch Covid 19, vừa phấp phỏng lo làm sao giữ được Thế Vận Hội mùa hè Tokyo khi mà chỉ còn 5 tháng nữa đến ngày khai mạc, đó là tình thế nan giải mà chính phủ của thủ tướng Yoshihide Suga đang phải đương đầu trong lúc này.
Nhật Bản đã chuẩn bị đón sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này suốt 7 năm trời. Khi gần tới đích, Olympic Tokyo 2020 đã phải lùi lại ngày khai mạc 23/07/2021 vì đại dịch. Với Nhật Bản, tổ chức Olympic Tokyo là quyết tâm chính trị lớn, như tuyên bố của thủ tướng Suga mới đây : « Thế Vận Hội Tokyo sẽ là bằng chứng nhân loại chiến thắng virus corona ». Đến thời điểm này không có gì bảo đảm Nhật Bản hoàn thành sứ mệnh này.
Ngày 25 tháng 3 tới, theo lịch trình, các hoạt động truyền thống của Thế Vận Hội sẽ được bắt đầu bằng cuộc rước đuốc Olympic, trong khi cả nước vẫn đang lội ngược dòng trước làn sóng dịch thứ 3. Thời hạn 5 tháng để khống chế được đại dịch, mọi sinh hoạt trở lại bình thường, bảo đảm an toàn y tế trước việc hàng triệu người đổ đến quần đảo để dự ngày hội thể thao là hoàn toàn không thực tế.
Để giữ được Olympic Tokyo, chính phủ Suga đã dự trù nhiều phương án như thu hep quy mô Thế Vận Hội, tăng cường hàng loạt các biện pháp giãn cách xã hội đối với vận động viên, thi đấu kín không khán giả ở một số môn… Với số lượng hơn 11 nghìn vận động viên, 5000 quan chức huấn luyện viên trọng tài và khoảng 20 nghìn nhà báo và cả triệu du khách đến Nhật, mọi kịch bản tổ chức dù cắt gọt hay khắt khe đến đâu dường như cũng không thể bảo đảm an toàn được tuyệt đối. Chỉ cần vài ca nhiễm Covid 19 bị phát hiện trong thời gian diễn ra sự kiện sẽ làm đảo lộn mọi hoạt động cũng như hình ảnh của kỳ Thế Vận Hội. Sự kiện được gọi là ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh không thể diễn ra trong không khí lo âu, dịch bệnh rình rập như vậy được.
Thế nhưng từ bỏ Thế Vận Hội hệ quả sẽ còn tai họa hơn nhiều, đặc biệt về kinh tế. Các công việc chuẩn bị tổ chức đã ngốn hơn 13 tỷ đô la của chính phủ, chưa kể khoản đầu tư của Ủy Ban Olympic Quốc Tế cũng lên đến nhiều tỷ đô la, hàng loạt các ngành kinh tế như xây dựng, nhà hàng khách sạn, giao thông nhiều năm qua đã đổ rất nhiều tiền ra để chờ đón Thế Vận Hội.
Chính phủ Nhật vẫn giữ quan điểm thà có một kỳ Thế Vận Hội buồn còn hơn là phải hủy hẳn. Trong khi đó, nỗi lo sơ dịch bệnh đã choán dần chỗ của niềm tự hào dân tộc, sự hứng khởi được đón sự kiện thể thao lớn nhất thế giới của người Nhật. Theo kết quả thăm dò dư luận mới đây của hãng thông tấn Kyodo, 80% người Nhật mong muốn hủy hẳn Thế Vận Hội Tokyo hoặc lùi lại thêm thời gian. Khả năng lùi thêm lần thứ 2 là không thể vì liên quan đến các sự kiện tiếp theo lịch trình của phong trào Olympic Quốc Tế. Tâm trạng hoài nghi bắt đầu lan sang giới thể thao cũng như một số giới chức y tế của Nhật.
Nhìn lại hồi tháng 3 năm ngoái, khi đại dịch mới bùng phát, phải đợi đến khi các nước như Úc và Canada tuyên bố rút không dự Tokyo 2020 và dưới sức ép của Ủy Ban Olympic Quốc Tế, chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe khi đó mới chịu lùi thời hạn tổ chức lại 1 năm.
Giờ đây chính phủ của ông Suga tiếp tục quyết tâm giữ đến cùng kỳ thế vận hội vào thời điểm đang phải chống chọi với làn sóng dịch thứ 3 dữ dội và phức tạp hơn nhiều bởi sự xuất hiện thêm một số biến chủng virus mới. Thái độ khăng khăng của Tokyo càng làm cho dư luận có cảm giác chính phủ Nhật đặt mục tiêu Thế Vận Hội lên trên sức khỏe của dân chúng.
Đúng là từ tháng 11 vừa qua, Nhật bị làn sóng dịch thứ 3 tấn công nhưng dù gì vẫn còn nhẹ hơn châu Âu về số lượng ca nhiễm cũng như tử vong. Số ca nhiễm hàng ngày đang có xu hướng giảm dần. Nhưng nhiều câu hỏi vẫn được đặt ra: Từ nay đến tháng 7 liệu Nhật Bản có không chế được dịch? Cuối tháng này Nhật mới bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid 19, từ nay đến ngày khai mạc Olympic hơn 100 triệu dân Nhật có được miễn dịch?
Chính phủ Nhật không thể trả lời chắc như đinh đóng cột là có được và cũng tuyên bố không có kế « hoạch B ». Như thế có nghĩa là Thế Vận Hội vẫn sẽ diễn ra dù bất kỳ tình hình dịch bệnh diễn biến thế nào. Chính phủ của thủ tướng Suga đang bị kẹt giữa quyết tâm tổ chức để biến Thế Vận Hội thành biểu tượng chiến thắng Covid 19, và khả năng hủy bỏ, điều này cũng có nghĩa là người Nhật bại trận.
Quả là tiến thoái lưỡng nan cho Tokyo, đã một lần phải hủy đón kỳ Olympic 1940, khi đó là vì lý do chiến tranh thế giới.