Hoa Kỳ hiện là quốc gia có số tử vong vì dịch Covid-19 nhiều nhất thế giới, nay đã vượt ngưỡng 450.000, trong đó bang California đã có trên 45 ngàn ca, tính đến ngày 05/02/2021. Thuộc bang California, Quận Cam (Orange County), nơi tập trung cộng đồng người Việt đông nhất tại Mỹ, vẫn là vùng được tô màu tím, với tình dịch Covid – 19 thuộc loại « widespread » ( lây lan rộng ), số người chết tính đến ngày 05/02/2021 cũng đã lên tới 3.279.
Trong thời gian gần đây, số người Việt qua đời đã tăng vọt đến mức mà các nhà quàn, nhà hòm phải làm việc liên tục mà không đáp ứng kịp và rất nhiều gia đình phải chờ đến 3,4 tuần mới chôn cất hoặc hỏa táng được người thân.
Nhưng vì sao lại có nhiều người Việt tại Quận Cam chết nhiều như thế, bác sĩ Phạm Đặng Long Cơ, một bác sĩ nổi tiếng trong cộng đồng Little Saigon, giải thích :
” Một phần là vì người Việt mình hay sống chung đụng với nhau, share phòng nhiều. Thứ hai là người Việt mình có nhiều tin đồn là người Việt Nam có sức đề kháng giỏi. Thứ ba, tôi nhiều bệnh nhân không tin là bệnh này có thật. Khi tôi khuyên họ nên chích ngừa cúm đi vì nếu chẳng may mình bị Covid thì nó sẽ nhẹ hơn, thì họ nói : “Bác sĩ đừng có lo, cái bệnh này người ta đòn bậy bạ để chống ông Trump.” Do đó, họ cũng bắt đầu không đeo khẩu trang.
Cho đến khi chết nhiều thì họ sợ, cuống lên; Họ cuống lên thì có cái nguy hiểm là họ giấu cái bệnh đó. Tôi có nhiều bệnh nhân thậm thụt đến khám rồi bảo:” Bác sĩ đừng có nói cho ai biết”. Tôi nói: “Không được. Bà phải cho người nhà biết để mà cách ly chứ”. Ngay cả khi đến khám chỗ chúng tôi, họ cũng giấu chúng tôi, cho đến khi chúng tôi thấy đo nhiệt độ, làm test mới thấy positif. Nhân viên chúng tôi có một số người bị lây, tôi sợ nên phải xin thuốc chích ngay cho nhân viên của mình.
Họ bị nhiễm rất nhiều, người chết cũng rất nhiều. Ở nhà thương Foutain Valley, nhà thương chính mà tôi dùng, họ nói là người chết nhiều ghê lắm. Ngay cả bác sĩ cũng bị chết. Mấy bác sĩ rất là popular ( nổi tiếng ) ở đây cũng đều chết, vì popular tức là có nhiều người đến khám, mà khổ một nỗi là họ đến khám mà không cho mình biết là họ bị nhiễm. Sau này, khi thấy bắt đầu chết nhiều họ mới sợ thiệt”.
Trong những ngày này, ông Nguyễn Thiêm, chủ công ty Tobia Casket, chuyên bán quan tài, bia mộ, bận túi bụi, làm không kịp thở, điện thoại khách hàng reo liên tục, đến mức mặc dù trước đó đã nhận sẽ trả lời phỏng vấn RFI, nhưng rốt cuộc ông đành từ chối. Ông chủ nhăn nhó nói : « Người ta chết nhiều quá anh ơi ! », trước khi trả lời cú điện thoại không biết là thứ bao nhiêu trong ngày, dưới chân ông dựng sắp lớp nhiều tấm bia mộ đang chờ được mang đi.
Những người Việt tại Quận Cam khi qua đời được chôn cất hoặc hỏa táng tại Westminster Park Memorial, một công viên – nghĩa địa mênh mông, được quy hoạch, thiết kế rất đẹp, nằm trên đường Beach Boulevard, thành phố Westminster. Tại đây có một khu vực dành riêng cho người Việt gọi là Peek Family, là nơi yên giấc ngàn thu của từ những người bình thường cho đến những nhân vật nổi tiếng như nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và gần đây nhất là nghệ sĩ Chí Tài. Đây cũng là nơi đặt công ty của ông Thạch Hoàng, chuyên « lo trước hậu sự » cho những gia đình có người thân vừa qua đời, hoặc biết chắc là không thể qua khỏi. Ông cho biết chưa bao giờ gặp tình trạng như vậy:
” Chưa bao giờ gặp một tình trạng bi đát, kinh hoàng như vậy, vì số lượng người chết vì Covid tăng vọt mà không có chổ chứa thi hài. Người ta phải sử dụng hai container lớn như chiếc xe truck ( xe tải ) tại vì trong nhà xác không đủ chổ, dù có thể chứa hàng chục, cả trăm. Không có ngày nào mà Thạch Hoàng không được báo:” Gia đình chúng tôi có người vừa qua đời hoặc sắp qua đời. Ngày nào cũng như ngày nào, từ hồi tháng 11 cho đến giờ.”
Về phần ông Sean Hadad, giám đốc Peek Funeral Home, một người Mỹ nói tiếng Việt rất sõi, ông cũng ghi nhận số người chết vì dịch Covid-19 tại Quận Cam đã tăng vọt từ thời điểm tháng 11:
“ Sau tháng 10, bắt đầu từ tháng 11, nhà quàn bắt đầu nhận thấy rất là nhiều người Việt Nam mất vì Covid-19, thì nhà quàn bắt đầu phục vụ nhiều người cùng lúc. Có thể nói 70 những người qua đời ở đây là vì Covid-19. Số người chết nhiều gấp 2 đến 3 lần so với bình thường.”
Westminster Park Memorial trong những ngày này luôn vang dậy những tiếng cầu kinh cho linh hồn người quá cố sớm được siêu thoát hoặc sớm về với nước Chúa. Một người đàn ông 69 tuổi từ trần cách đây một tháng nhưng đến nay gia đình mới được làm lễ hỏa táng cho ông. Chiếc quan tài được nhanh chóng đưa vào một trong hai lò thiêu, mà trong nhiều ngày qua vẫn nhả khói liên tục, đưa con người trở về với kiếp bụi tro.
Trước khi nói chuyện với tôi, ông Thạch Hoàng đã phải vội tiếp một cặp vợ chồng trẻ đến nhờ dịch vụ của ông, vì có bà mẹ vừa qua đời do dịch Covid-19, nhưng ông nói ngay là phải đợi cả tháng mới có thể chôn cất hay hỏa táng được. Đây là tình hình chung đối với các gia đình có người thân chết trong lúc này. Kể cả nữ danh ca Lệ Thu, qua đời từ ngày 15/01, mới làm lễ phát tang và cầu nguyện hôm 29/01, nhưng nghe nói gia đình phải đợi đến cuối tháng 2 mới hỏa táng cho bà được. Ông Thạch Hoàng ghi nhận :
“Không có chỗ chứa thi hài thì làm sao bây giờ? Nhân viên làm việc 7 ngày trên 7. Chưa bao giờ mà một ngày mười mấy người được chôn, mười mấy người được thiêu!”
Việc phải chờ nhiều tuần mới có thể chôn cất hay hỏa táng người thân càng làm tăng thêm nỗi đau của các gia đình đó, theo lời ông Sean Hadad, giám đốc Peek Funeral Home.