Vũ Dương
Ông Trần Bình (Chen Ping), giáo sư Đại học Phục Đán, được biết đến là “chiến binh chống Mỹ”, sau khi tiết lộ những bức ảnh về cuộc sống ở Texas, Hoa Kỳ, truyền thông Mỹ đã mở cuộc điều tra và phát hiện rằng ông đã sống ở Mỹ hơn 30 năm, hơn nữa còn sở hữu nhà cửa ở Mỹ, theo Epoch Times.
Giáo sư Trần Bình nói với truyền thông Trung Quốc hôm 15/2 rằng ông hiện đang bị mắc kẹt trong ngôi nhà của mình ở tiểu bang Texas, không thể đi ra ngoài. Ông cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị cho tình trạng mất nước, mất điện và mất liên lạc.
Hôm 17/2, ông Trần Bình đã đăng thông tin trên Weibo cá nhân rằng khu công nghệ cao Austin thuộc thủ phủ Texas, nơi ông đang ở đã mất điện 7 tiếng đồng hồ do băng tuyết phủ kín với độ dày chưa từng có trong mấy chục năm qua.
Ông cũng đăng một bức ảnh tự chụp lên Weibo, trong ảnh, ông đội mũ và quấn khăn đứng trong băng tuyết, sau lưng là một ngôi nhà biệt lập, cho thấy tình hình bão tuyết mà tiểu bang Texas đang gặp phải.
Đài Á Châu Tự Do đã đăng hai bài báo liên tiếp hôm 19/2, tiết lộ các chi tiết về ông Trần Bình. Theo báo cáo, giáo sư Trần Bình, người được mệnh danh là “chiến binh chống Mỹ” đã làm việc và học tập ở Mỹ hơn 30 năm kể từ khi ông sang Mỹ du học vào năm 1980.
Theo báo cáo, ông Trần Bình không chỉ đơn thuần được hưởng đãi ngộ đặc biệt “chống Mỹ là công việc, đến Mỹ là lẽ sống”, không chỉ ngôn luận hoàn toàn nhất trí với tuyên truyền đối ngoại của chính quyền, mà lập trường của ông còn cấp tiến hơn lập trường của các quan chức ĐCSTQ.
Theo báo cáo, việc so sánh các hình ảnh vệ tinh cho thấy căn nhà hiện tại của vợ chồng giáo sư Trần ở tiểu bang Texas khớp với diện mạo của bức ảnh tự sướng bị mắc kẹt trong cơn bão tuyết của ông. Vị trí nằm trong cộng đồng Cedar Park ở phía bắc Austin, thủ phủ tiểu bang Texas. Gần đó còn có sân gôn, lối đi bộ đường dài, cảnh quan nơi đây rất đẹp.
Hồ sơ giao dịch bất động sản của Hoa Kỳ cho thấy chủ sở hữu có tên tiếng Anh là Chen Ping, giống với tên tiếng Anh của giáo sư Trần Bình, đã mua ngôi nhà biệt lập ở Cedar Park vào tháng 8/2017 cùng với Song Guohe Chen, người được cho là vợ của chủ sở hữu. Giá mua khi đó là 394,000 đô-la Mỹ, diện tích khoảng 2,725 feet vuông (khoảng 253,16 mét vuông) và có 4 phòng, định giá hiện tại là 416,000 đô-la Mỹ.
Ngoài ra, chủ sở hữu tên Chen Ping đã vay ngân hàng vào tháng 8/2017, rút ra một khoản cho vay vốn sở hữu nhà (Home Equity Loan), và bán một căn nhà khác ở Austin. So sánh thời điểm giao dịch, người ta tin rằng chủ sở hữu đã rút tiền mặt từ ngân hàng để mua căn nhà mới ở Cedar Park cùng năm đó.
Theo báo cáo, thông tin công khai cũng cho thấy bất động sản được mua bởi Chen Ping và Song Guohe Chen (được cho là vợ của Chen) vào năm 1991. Chủ sở hữu này còn có một căn nhà bốn phòng ngủ với diện tích 1.621 feet vuông (khoảng 150,6 mét vuông), và đã được bán với giá 419.000 đô-la Mỹ vào tháng 2/2020, với lợi nhuận trên sổ sách là 350.000 đô-la Mỹ.
Theo tin tức được lưu truyền trên Internet, giáo sư Trần Bình đã ở Mỹ gần 40 năm. Mặc dù ông đã tìm được một công việc “mắng chửi Mỹ” tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Phục Đán, nhưng vì các con của ông đều sinh ra và lớn lên ở Mỹ, vậy nên gia đình ông đều luôn ở Austin, Texas.
Năm ngoái, ông Trần Bình từng lớn tiếng chỉ trích nước Mỹ rằng: “Theo tính toán của tôi, sống ở Trung Quốc nếu có mức lương 2.000 Nhân dân tệ (khoảng 6,5 triệu VNĐ) 1 tháng, thì ở Mỹ mức lương của tôi còn chưa đến 1.000 đô-la Mỹ, mà dù mức lương ở Mỹ có 3.000 đô-la 1 tháng đi nữa, thì tôi sống ở Trung Quốc vẫn thoải mái hơn nhiều, vậy nên nước Mỹ hiện giờ đang trong cảnh nước sôi lửa bỏng”.
Tuy nhiên, ông Trần Bình với tư cách là tiến sĩ vật lý và chuyên gia kinh tế nổi tiếng, rốt cuộc đã tính sai bài toán, 2.000 NDT còn chưa được 300 đô-la Mỹ, cách biệt rất xa so với 1.000 đô-la Mỹ mà ông đã nói.
Giáo sư Trần Bình, hiện 77 tuổi, du học tại Mỹ vào mùa thu năm 1980 và nhận bằng tiến sĩ vật lý tại Đại học Texas tại Austin năm 1987.
Lý lịch của ông Trần Bình cho thấy từ năm 1988, anh đã làm việc ở cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Từ năm 1988 đến năm 2002, ông làm việc tại Đại học Texas tại Austin; từ năm 1988 đến 1994, ông cũng là phó giáo sư tại Viện Khoa học Quản lý của Đại học Bắc Kinh; từ năm 1999 đến năm 2013, ông là giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc tại Đại học Bắc Kinh.
Sau khi nghỉ hưu vào năm 2013, ông vẫn có nhiều chức danh như nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Phục Đán, trợ giảng tại Trường Kinh tế thuộc Đại học Phục Đán, trợ giảng tại Học viện Kinh tế thuộc Đại học Bắc Kinh, và người dẫn chương trình của tiết mục “My Sơn Luận Kiếm”.
“My Sơn Luận Kiếm” được đặt trong kênh “Guan Video”, kênh YouTube chính thức của ĐCSTQ với mục đích truyền luận điệu của nhà chức trách ĐCSTQ trong các sự kiện lớn thu hút sự quan tâm của xã hội quốc tế như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, đại dịch viêm phổi Vũ Hán và phong trào phản đối “Luật dẫn độ” của người dân Hồng Kông. Cũng có cư dân mạng phát hiện rằng tất cả các video của ông Trần Bình ở Trung Quốc và nước ngoài, bao gồm cả YouTube, đều có sự hỗ trợ kỹ thuật từ các kênh truyền thông ĐCSTQ và được phép phát hành chính thức.
Ông Trần Bình bị chế giễu là một trong những nhân vật đại diện tiêu biểu cho phong trào “chống Mỹ là công việc, sang Mỹ là lẽ sống”. Mặc dù đã sống ở Mỹ hơn 30 năm và biết rõ sự khác biệt giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng vì để giành được sự ưu ái của chính quyền ĐCSTQ, ông vẫn không ngừng đưa ra những phát biểu chống Mỹ trong một thời gian dài.
Về trận bão tuyết ở tiểu bang Texas, giáo sư Trần chế giễu trên Weibo rằng, “Quân đội Mỹ từng khoác lác rằng họ sẽ gây chiến tranh hạt nhân với Trung Quốc và Nga. Thế mà chỉ mới có một trận bão tuyết thôi đã làm tê liệt mạng lưới điện và giao thông ở các vùng bán duyên hải của nước Mỹ rồi”, kết quả đã tự phanh phui sự thật rằng bản thân ông là “giáo sư chống Mỹ” nhưng lại định cư ở Mỹ.
Từ câu chuyện của ông Trần Bình, một số nhà phân tích đã cho ra một đúc kết mang tính châm biếm đối với các đảng viên ĐCSTQ rằng: “Mắng chửi nước Mỹ có thể nổi danh phát tài, còn có được cuộc sống hạnh phúc như vậy; còn nếu mắng chửi ĐCSTQ sẽ phải trả một cái giá rất đắt”.