Ngày 28.2.2021, Úc tiếp nhận lô hàng gồm 300,000 liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của hãng AstraZeneca.Oxford. Tổng trưởng Y tế Greg Hunt cho biết lô vaccine trên sẽ được Cơ quan quản lý sản phẩm điều trị (TGA) kiểm tra chất lượng trước khi đưa vào sử dụng từ ngày 8.3 tới.
Theo kế hoạch, Úc sẽ tiếp nhận tổng số 1.2 triệu liều vaccine AstraZeneca từ nước ngoài trước khi đưa vào sử dụng gần 50 triệu liều vaccine do chính nước này sản xuất từ cuối tháng 3.
Úc đã chính thức tiến hành chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 với vaccine Pfizer (Mỹ) cho một số đối tượng ưu tiên như nhân viên y tế tuyến đầu, nhân viên làm việc tại các cơ sở cách ly, người già và người khuyết tật vào ngày 22.2.2021 và au một tuần đã có khoảng 30,000 người Úc đã được tiêm chủng, trong đó có 8,110 người cao tuổi và người khuyết tật tại 117 viện dưỡng lão. Theo dự trù thì Úc sẽ hoàn tất chiến dịch tiêm chủng toàn quốc vào tháng 10 tới.
Nam Úc cấm đồ nhựa dùng một lần
Sau túi đựng hàng, đến lượt đồ gia dụng bằng nhựa sử dụng một lần bị đưa vào danh sách khai tử. Ngày 1.3.2021 Nam Úc đã trở thành tiểu bang đầu tiên tại Úc cấm sử dụng một số loại đồ nhựa dùng một lần, đây là bước đi đầu tiên trong chương trình loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần tại bang Nam Úc vào năm 2023.
Theo Luật đồ nhựa dùng một lần và các sản phẩm khác được Nghị viện Nam Úc thông qua vào tháng 9.2020, bắt đầu từ ngày 1.3.2021 một số đồ nhựa dùng một lần như ông hút, dao, dĩa, thìa và que khấy bằng nhựa đều bị cấm Những cá nhân vi phạm sẽ bị phạt $315 trong khi các công ty và tổ chức sẽ bị phạt lên tới $20,000.
Tiếp sau biện pháp này, đến đầu năm 2022 tiểu bang Nam Úc sẽ mở rộng lệnh cấm hẳn túi ni lông dùng một lần, các cốc, bát, đĩa nhựa hộp đựng cũng sẽ bị cấm. Bên cạnh đó, vào năm tới, các sản phẩm nhựa có khả năng phân hủy Oxo cũng sẽ bị cấm sản xuất, phân phối và sử dụng
Trước đó vào cuối tuần qua, bang Victoria cũng đưa ra lộ trình cấm đồ nhựa dùng một lần đến năm 2023 để tham vấn công chúng. Tiểu bang Victoria cho biết bang này cần phải đẩy nhanh nỗ lực cấm đồ nhựa dùng một lần khi mỗi năm, trung bình một người dân ở bang này thải ra 68kg rác thải nhựa.
Cuối năm ngoái thì Queensland cũng đã ban hành luật để ngăn chặn tác động của nhựa đối với sinh vật biển và đường thủy. Trong khi đó, chính quyền bang này cũng đang tham vấn cộng đồng về khả năng mở rộng lệnh cấm đối với các thùng có chứa vật liệu cách nhiệt polystyrene.
Theo báo cáo của Trung tâm luật quốc tế về môi trường, nếu không có những hành động khẩn cấp thì rác thải nhựa sẽ làm cho các quốc gia không thể đạt được mục tiêu làm cho nhiệt độ trái đất tăng dưới mức 1.5 độ C.