THẾ NÀO LÀ Ở LẬU TẠI ÚC

Ls Lê Đức Minh tổng hợp

Điều 189 của bộ Luật Di Trú của Úc quy định rằng những người người nước ngoài sống bất hợp pháp sẽ bị trục xuất.

Người nước ngoài sinh sống bất hợp pháp ở Úc không phải là tội phạm hình sự. Nếu bị bắt họ không bị bỏ tù hay phạt tiền, nhưng sẽ đối diện với nguy cơ bị giam trong trung tâm di trú và sau đó là bị trục xuất về nước.

Những ai có ý định ở lại sống bất hợp pháp tại Úc phải hiểu rõ những gì họ sẽ phải đối diện trong tương lai.

Thế nào gọi là sống bất hợp pháp tại Úc. Nếu quý vị ở trong một số trường hợp sau đây, quý vị là những người sống bất hợp pháp tại Úc.

Những người nước ngoài đến Úc bằng thuyền, và họ chưa bao giờ được cấp một visa để đến Úc một cách hợp pháp. Những người đến Úc hợp pháp, có visa đến Úc hợp pháp tuy nhiên họ đã quyết định ở lại nước Úc sau khi visa của họ hết hạn. Những người đến Úc bằng visa hợp pháp nhưng không chịu rời khỏi nước Úc sau khi Bộ Di Trú quyết định hũy visa của họ. Có rất nhiều lý do khiến visa của quý vị bị hũy.

Hiện nay, có khoảng hơn 64,000 người nước ngoài đang cư trú bất hợp pháp tại Úc. Có nhiều người đã sống tại Úc hơn 20 năm. Đa số những người này họ không thông hiểu về luật di trú của nước Úc và quyết định sống chui nhủi, tìm cách tránh né Bộ di trú để khỏi bị phát hiện. Một số người thậm chí lập gia đình, sinh con, có việc làm, hay có doanh nghiệp và mọi người chung quanh không ai ngờ rằng họ là những di dân lậu.

Do không thông hiểu pháp luật và sợ rằng nếu bị bắt sẽ phải ra tòa ở tù, nhiều người tiếp tục lẫn trốn. Nhưng nỗi sợ lớn nhất của người sống bất hợp pháp là bị bắt và sẽ bị trục xuất về nước. Ngược lại có nhiều người mong muốn được hồi hương nhưng sợ bị pháp luật trừng trị nên không dám ra trình diện.

Thật ra nếu quý vị đã ở quá hạn visa hay visa đã bị hũy, hay bất cứ một vấn đề liên quan gì đến luật di trú, thì nên tìm gặp một luật sư di trú để được tư vấn ngay. Chính sự thiếu hiểu biết gây nên sự sợ hãi. Nhiều người đã sống bất hợp pháp khi gặp được luật sư di trú, được giúp đỡ, mới nhận ra rằng giải pháp đã có cho họ từ lâu và không có gì để sợ hãi cả.

Theo luật di trú Úc, những người sống bất hợp pháp tại Úc khi muốn hồi hương phải xin bridging visa E. Visa này cho phép người sống bất hợp pháp thời gian 28 ngày để chuẩn bị rời khỏi nước Úc một cách hợp pháp.

Nếu những người ở lậu không có visa E này, mà tự động mua vé máy bay thì khi đi đến sân bay Úc và qua hải quan mà không có visa, lực lượng biên phòng có quyền giam giữ họ. Có thể họ sẽ không lên được chuyến bay về nước và bị giam giữ cho đến khi họ bị thẩm vấn xong. Vậy, nếu muốn rời khỏi Úc an toàn sau khi sống bất hợp pháp, những người ở lậu phải xin Bridging visa E. Những người này có thể nộp đơn xin bridging visa E online hoặc điền form 1008 rồi đem đến trực tiếp tại Sở Di Trú. Nên nhớ, những người xin visa phải chuẩn bị đầy đủ giấy tờ tuỳ thân và vé máy bay trước khi nộp đơn thì mới có thể xin được visa. 

Cũng theo luật của Úc, thì tất cả những người nước ngoài sống bất hợp pháp đều phải bị giam giữ trong các trung tâm di trú chờ bị trục xuất. Nhưng những người này không bị giam trong hệ thống nhà tù. Thời gian sống trong trung tâm di trú chờ bị trục xuất, những người bị giam phải trả lệ phí giam giữ. Số tiền nợ này sẽ được tính sau này nếu những người đó muốn xin visa để quay trở lại Úc.

Tuy nhiên nếu trong khi sống bất hợp pháp tại Úc, những người sống bất hợp pháp vi phạm tội hình sự, đang bi truy nã, thì họ có thể bị cảnh sát bắt giữ và truy tố tùy theo tội phạm trước khi được chuyển qua trung tâm di trú và bị trục xuất. Trong những trường hợp này nhất định phải có luật sư tư vấn, đừng tự ý làm bất cứ gì bởi vì những người này có thể bị rắc rối nhiều hơn. Thêm nữa cần phải biết nếu trong thời gian sống bất hợp pháp tại Úc, người ở lậu còn đi làm và không đóng thuế, thì họ sẽ mắc phải tội hình sự có thể bị truy tố ra tòa và có àn tù giam.

Những người sống bất hợp pháp sau khi rời Úc về nước, thì sẽ bị áp đặt lệnh cấm xin visa đến Úc trong thời gian tối đa là năm năm. Nhưng lệnh cấm này chỉ áp dụng cho những người xin visa du lịch, du học. Còn nếu họ xin những visa định cư thì không bị lệnh cấm này chi phối. Một trong những visa không bị lệnh cấm này chi phối là visa vợ chồng.

Mặc dù vậy, việc ở quá hạn tại Úc quá lâu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hồ sơ visa hôn nhân của đương đơn. Vì nếu đã phạm luật di trú Úc khi ở quá hạn nên hồ sơ xin visa vợ chồng của đương đơn sẽ bị xét duyệt khó khăn hơn so với các hồ sơ visa bình thường. 

Theo luật di trú của Úc, thì tất cả những người đến Úc hay sống tại Úc bất hợp pháp đều phải bị gửi vào các trung tâm di trú. Đây không phải là nhà tù cho nên mọi chi phí ăn ở đều bị chính phủ Úc tính tiền và người bị giam có trách nhiệm phải trả món nợ này cho chính phủ. Nếu còn mắc nợ chính phủ Úc thì đương đơn sẽ không có quyền nộp đơn xin cấp một loại visa khác.

Tuy nhiên trong khi sống trong các trung tâm di trú, người bị giữ có quyền có luật sư, có nhân viên tư vấn, được chăm sóc sức khỏe, được cung cấp nơi ăn chốn ở đàng hoàng. Họ cũng có quyền tiếp xúc với đại sứ hay lãnh sự quán của quốc gia của họ.

Những người sống bất hợp pháp tại Úc làm sao để trở thành một người sống hợp pháp?

Họ có hai chọn lựa. Thứ nhất họ có thể ra trình diện, xin visa Bridging E và được 28 ngày sống hợp pháp chuẩn bị mua vé máy bay lên đường về nước. Thứ hai họ có thể liên lạc với luật sư để xin hai loại visa sau đây: Visa vợ chồng và Visa tị nạn.

Nếu những người sống bất hợp pháp trong thời gian sống tại Úc kết hôn hay chung sống với một công dân Úc, và có thể đã có con với một công dân Úc thì một số người có thể có đủ điều kiện để nộp hồ sơ xin đoàn tụ theo diện vợ chồng hay chung sống không hôn thú.

Hai là những người sống bất hợp pháp tại Úc có thể nộp hồ sơ xin tư cách tị nạn nếu họ có lý do và chứng minh được rằng nếu bị trục xuất về lại quốc gia nguyên quán, họ sẽ bị tù đày đàn áp vì những lý do trong Công ước về người tị nạn quốc tế.

Tuy nhiên, quá trình xin visa định cư Úc diện hôn nhân và tị nạn đều hết sức phức tạp và đa phần không đủ điều kiện để xin hai loại visa này, ngoại trừ một số ít trường hợp.

Những trường hợp có thể xin được visa kết hôn là những người đã chứng minh được rằng họ đã kết hôn hay chung sống, và có con với một công dân Úc. Và họ phải giải thích được lý do vì sao họ không chịu về nước rồi đợi vợ hay chồng bảo lãnh qua lại, mà cứ muốn ở lại nước Úc và không chịu về nước rồi qua lại.

Những lý do này phải là những lý do rất đặc biệt. Ví dụ hai người đã có con với nhau và đưa ra lý do rằng họ phải ở lại nước Úc để tiếp tục chăm sóc con cái. Lý do này hiện nay được xem là có khả năng được chấp thuận. Ngoài ra có thể có một lý do khác đó là sau khi kết hôn, người vợ hay chồng ngã bệnh đột ngột không biết trước, và nay người xin visa phải ở lại Úc để chăm sóc người kia hay người xin visa là người chính trong gia đình kiếm tiền về cho gia đình sinh sống.

Nếu người sống bất hợp pháp có con với người có quốc tịch Úc hoặc thường trú nhân Úc thì đây có thể coi là một lợi thế khi xin visa, một lý do bắt buộc khiến họ phải ở lại Úc để chăm sóc đứa trẻ. Úc rất coi trọng quyền trẻ em, luôn đặt lợi ích của trẻ em là trên hết và không được chia cắt cha mẹ của đứa trẻ, do đó nếu bạn đang sống chung và có con với người có quốc tịch Úc thì bạn sẽ có khả năng được định cư ở Úc theo diện visa hôn nhân.

Riêng về trường hợp xin visa tị nạn thì hầu như rất hiếm có người đã thành công, nhưng không phải không có. Ví dụ một người Iraq nhưng theo đạo Thiên Chúa sống bất hợp pháp tại Úc hơn 10 năm và quyết định ra về. Tuy nhiên vào thời điểm đó, người Iraq này đã chứng minh được rằng đang có phong trào giết chóc người theo Thiên Chúa Giáo tại Iraq và ông ta sợ rằng nếu về lại sẽ bị giết chóc hay đàn áp. Ông này quyết định nộp hồ sơ xin tị nạn và hồ sơ đã được bộ di trú chấp nhận.

Related posts