Chừng nào tôi được chích ngừa con Corona

Cổ Nhuế

Thủ tướng Úc Scott Morrison chích ngừa con Corona tại Sydney

Úc đã bắt đầu chích ngừa con Corona. Ưu tiên cho công dân Úc và tất cả thường trú nhân cũng như gần hết người có chiếu khán mà đang có mặt tại Úc. Chỉ những người đang sống ở đây với chiếu khán 771 (Transit), 600 (Tourist stream), 651 (eVisitor) và 601 (Electronic Travel Authority) là chưa được ưu tiên này. Chương trình chích ngừa này sẽ kéo dài cho đến tháng 10. Chính phủ hy vọng toàn dân sẽ chích ngừa. Sẽ có dư thuốc cho 25 triệu người Úc vì Úc sẽ có lên đến 150 triệu liều. Chích ngừa COVID-19 là miễn phí ở Úc nhưng không phải ai ai cũng chịu. Thăm dò mới nhất cho thấy ¼ người Úc chưa chắc mình sẽ chích ngừa hay sẽ từ chối đưa cánh tay cho y tá… lụi.

Trong khi đó, theo Reuter, trong tháng Ba năm nay Việt Nam sẽ bắt đầu chích ngừa con Corona. Dân số Việt Nam đang ở mức 98 triệu và trong năm nay Việt Nam sẽ nhận được chừng 60 triệu liều thuốc ngừa con Corona. Việt Nam dự định chích trước cho nhân viên y tế, nhân viên ngoại giao và bộ đội.

Không bắt buộc, nhưng…

Năm ngoái, khi dịch ‘dzật’ dữ quá, thủ tướng Úc bạo mồm bạo miệng cho rằng phải bắt buộc người Úc chích ngừa con Corona. Thế là có người chống lại. Sau này, chính phủ Úc sửa lại: chích ngừa con Corona là miễn phí và không bắt buộc.

Tuy không bắt buộc nhưng chính phủ tìm hết cách cho càng đông người Úc chích thì càng tốt. Khi có đông người được ngừa thì mấy ông bác sỹ gọi dân Úc được ‘herd immunity’. Chắc là mấy ổng muốn nói ‘cả đám tránh được dịch’. Thành ra, chích ngừa con Corona không những ngừa con corona cho chính mình mà còn ngừa cho…’cả đám’!

Để khuyến khích thật nhiều người chích ngừa, chính phủ tung ra nhiều màn quảng cáo. Ngoài ra, người ta còn nói tới một thứ giấy chứng nhận đã chích ngừa. Đồn rằng: nay mai ai có miếng ‘dái’ này thì mới được đi làm, đi máy bay, coi đá banh và vô pub uống bia. Còn không có thì…. cám ơn! Đồn vậy thôi. Và chắc chắn ý tưởng này sẽ bị chống đối. Tuy nhiên, hãng hàng không Air New Zealand đã bắt đầu dùng một thứ gọi là ‘vaccine passport’ để kiểm soát hành khách trên đường bay Sydney- Auckland. Gần như chắc, nhiều hãng hàng không khác cũng kiểm soát như vậy bằng một thứ gọi là ‘Travel Pass, thẻ du lịch’. Vậy thì ai chưa chích ngừa có được lên máy bay không? Bạn đọc có thể hỏi như vậy.

Chống chích ngừa

Như thường lệ, Úc làm gì cũng có người chống. Nhóm chống chích ngừa (chữ Anh là Anti-vaxxers) đã tổ chức biểu tình tại nhiều nơi như Cairns, Coffs Harbour và Albany. Trong số người chống chích ngừa có đầu bếp Pete Evans. Ông này đã lên tiếng trong cuộc biểu tình tại Hyde Park, Sydney. Cùng một lúc cảnh sát Úc đã bắt chừng 20 biểu tình chống chích ngừa tại Fawkner Park, Melbourne.

Trong ngày Chủ Nhật qua, mũi kim chích ngừa con Corna đã lụi túi bụi tại Sydney. Người đầu tiên được chích ngừa tại Úc là cụ bà Jane Malysiak, 84 tuổi. Cụ được chọn vì đã từng sống sót qua thế chiến thứ nhì. Kết tiếp, thủ tướng Úc Scott Morrison đã đưa cánh tay cho y tá lụi. Sau khi chích ngừa, thủ tướng cùng với bà Malysiak đưa hai ngón tay hình chữ V lên. Ông Scott Morrison cắt nghĩa ‘V for Vaccine’.

Nhưng trang Twitter của một nhóm chống chích ngừa cho rằng thủ tướng Scott Morrison chỉ giả vờ. Họ đưa tấm hình cho rằng y tá chưa tháo nắp đậy mũi kim! Nhưng video do báo chí quay thì khác.

Chừng nào tới phiên tui…

Với người đồng ý chích ngừa thì có thể hỏi chừng nào tới phiên tui.

Trong tuần lễ đầu tiên của chương trình chích ngừa tại Úc, các cụ sống trong nhà dưỡng lão đã đi đầu. Theo ông đổng lý văn phòng bộ y tế, bác sỹ Brendan Murphy, cần phải bốn tuần lễ mới chích ngừa xong cho các cụ sống trong nhà dưỡng lão. Ngoài các cụ, nhân viên y tế, người làm việc tại các nơi dành cho người bị cô lập và nhân viên biên phòng cũng được chích ngừa trước.

Sau lớp người đầu tiên này (chính phủ Úc gọi là lớp người 1a) đến phiên các cụ trên 70 tuổi, dân bản địa và người làm việc trong các ngành thiết yếu (như quốc phòng, cảnh sát, cứu hoả) và trong các ngành dễ mắc dịch (như xẻ thịt).

Chính phủ Úc chia toàn dân thành năm nhóm. Nhóm đầu tiên là lớp người dễ mắc dịch nhất. Họ đang được chích ngừa. Kế tiếp là các cụ trên 70 tuổi (nhóm 2) ; ông bà từ 50 đến 69 tuổi (nhóm 3) ; ông bà từ 18 đến 49 tuổi (nhóm 4); trẻ em dưới 18 tuổi và những người còn lại (nhóm 5).

Tui chỉ chích thuốc X mà thôi

Những người chích ngừa con Corona đầu tiên tại Úc đang được chích thuốc Pfizer. Từ tháng Ba, Úc sẽ dùng thuốc AstraZeneca nhiều hơn vì thuốc này do công ty Úc CSL bào chế và dễ phân phối hơn.

Vì có hai thứ thuốc tại Úc nên người ta có thể thắc mắc không biết mình nên chích thuốc nào. Trước đây có tin thuốc Oxford/AstraZeneca hiệu nghiệm 62%; còn thuốc Pfizer hiệu nghiệm tới 95%. Trong khi người Úc đang phân vân thì chính phủ cho biết thêm có thể sẽ sắm thuốc thứ ba: Novavax. Nghe đâu thuốc Novavax hiệu nghiệm chừng 89%.

Bạn đọc có quyền lựa chọn không? Cho tới nay, câu trả lời là ‘không’. Bạn đọc được chính phủ xếp vào đợt chính ngừa nào thì cứ vậy mà chờ tới phiên mình. Theo từng đợt, chính phủ dùng thuốc nào thì mình chích thuốc đó. Hiện nay chính phủ dự định dùng thuốc AstraZeneca cho đại chúng. Dùng thuốc này vì không phải giữ lạnh tới -70 độ C. Tuy nhiên, có tin thuốc Pfizer có thể không cần giữ lạnh đến như vậy nếu dùng trong vòng 2 tuần lễ. Người ta nói chỉ cần giữ chừng -15 độ âm là ok. Có thể nhờ vậy, thuốc Pfizer sẽ được phổ biến rộng hơn.

Thế lực ngầm ra tay

Trong khi chính phủ bận rộn chuyển thuốc tới các địa điểm chích ngừa thì một ‘thế lực ngầm’ khác cũng bận rộn không kém. Họ là những người chuyên nghề lừa đảo hay tung tin vịt. Trong mấy tuần lễ dẫn tới ngày bắt đầu chích ngừa con Corona ở Úc, hàng ngàn (chứ không hàng trăm!) trang web của bọn này bắt đầu hoạt động. Những chốn lừa đảo này có thể thu về hàng ngàn, chục ngàn hay trăm ngày Đô-la.

Với người nôn nóng chích ngừa, bọn chúng gởi tin nhắn vào máy điện thoại ‘‘if you want to get the Pfizer vaccine rather than the AstraZeneca vaccine, then pay $150 and you can jump the queue, nếu quý vị muốn chích thuốc Pfizer chứ không phải thuốc AstraZeneca thì chỉ trả $150 là… có ngay!’ Với người lấp la lấp lửng, bọn này tung tin ‘đã có 721 người chết vì chích ngừa con Corona. Coi chừng nghen!’. Tiếp theo là bọn chúng moi bằng được số thẻ Medicare, bằng lái xe hay… sổ băng của bá tánh.

Tất cả lừa đảo kể trên đều có mẫu số chung như sau: ghi thêm đường link cho con nhạn la đà bấm vào. Theo tổ chức the Australian Cyber Security Centre and IDCare, dù chính phủ cảnh cáo không biết bao nhiêu lần, cho tới nay vẫn còn chừng 20% người đọc tin nhắn bấm ngón tay vào đường link nguy hiểm.

Hiện nay, Facebook chưa chuyển trở lại tin từ các tờ báo lớn và cơ quan công quyền Úc nên chúng ta phải cẩn thận hơn khi đọc tin đăng trên Facebook. Nếu có tin tức hay thông cáo gì liên quan đến con Corona, chắc chúng ta phải tìm cho tới trang web chính thức của chính phủ Úc (có cái đuôi.gov.au), hay trang web của các tờ báo, đài phát thanh và truyền hình lớn. Xin nhấn mạnh chữ LỚN, vì hiện nay có nhiều đài phát thanh không được lớn lắm ngày đêm chuyển tin từ vỉa hè, tiệm thực phẩm Á Châu hay tiệm neo.

Cổ Nhuế

Related posts