Vũ Dương
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình trong buổi nói chuyện tại lễ khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ trẻ và trung niên tại trường Đảng Trung ương hôm thứ Hai (ngày 1/3), đã nhiều lần đề cập đến 2 chữ “đấu tranh”. Theo phân tích của các học giả, việc nhấn mạnh đấu tranh phản ánh việc “trở về thời đại Mao Trạch Đông”. Ông Tập Cận Bình muốn thông qua đấu tranh trong việc xử lý những khó khăn trong và ngoài nước, cũng như đối phó với kẻ thù chính trị bên trong, theo CNA.
Theo Tân Hoa Xã, kênh thông tấn chính thức của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình đã đặc biệt nhấn mạnh trong buổi trò chuyện rằng “đấu tranh là phong cách rõ nét của đảng”, và khuyến khích các đảng viên “dám đấu tranh”, trước sau ông đã đề cập đến “đấu tranh” 14 lần.
Đài Á Châu Tự Do đưa tin, ông Cao Văn Khiêm (Gao Wenqian), chuyên gia lịch sử ĐCSTQ hiện đang sống ở Mỹ, phân tích rằng hoàn cảnh quốc tế của Trung Quốc hiện đang ở trong tình thế khó xử nghiêm trọng nhất kể từ sau Đại Cách mạng Văn hóa đến nay, ông Tập Cận Bình cần có “vũ khí” để đối mặt với tình trạng này.
Ông Cao Văn Khiêm chỉ ra rằng việc ĐCSTQ che giấu chân tướng dịch bệnh vào đầu năm 2020 đã dẫn đến đại dịch toàn cầu, cộng đồng quốc tế đều lên tiếng yêu cầu ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, các nước phương Tây đứng đầu là Hoa Kỳ đã điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc trong những năm gần đây và ngày càng coi Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu.
Ông Cao nhận xét rằng việc ông Tập Cận Bình lần nữa đề cập đến triết lý đấu tranh là dựa trên nhu cầu của môi trường thực tế của Trung Quốc, và nó cũng đánh dấu sự trở về của thời đại Mao Trạch Đông. Ông nói, “ông Tập Cận Bình đã hoàn toàn kế thừa tư tưởng của Mao, ông ấy muốn dùng nòng súng như vậy để đối phó với những khó khăn cả trong và ngoài nước mà bản thân đang gặp phải, cũng như các lực lượng chống đối”.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Đặng Duật Văn (Deng Yuwen), cựu phó tổng biên tập của trang “Thời báo học tập” của Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ hiện đang sống ở Mỹ, đã đề cập rằng, việc “ông Tập Cận Bình đề cập đến đấu tranh nhiều lần như vậy, kỳ thực là nhằm khôi phục bản tính của ĐCSTQ”. Nhìn từ lịch sử, ĐCSTQ xác thực là một đảng đấu tranh chính trị, ngày từ ngày đầu tiên nó thành lập cho đến tận hôm nay chính là đấu tranh không ngừng.
Bài viết đề cập rằng, quá khứ thời ông Đặng Tiểu Bình nắm quyền, ĐCSTQ đã chuyển từ lấy đấu tranh giai cấp làm cương lĩnh trong thời Cách mạng Văn hóa sang lấy kiến thiết kinh tế làm trung tâm; dưới thời ông Hồ Cẩm Đào, chính sách cai trị của ĐCSTQ đã lấy sự “hài hòa” làm trung tâm, cảm giác như muốn để người dân quên đi triết lý đấu tranh của nó.
Tuy nhiên, ông Đặng Duật Văn chỉ ra rằng ĐCSTQ mỗi thời đại đều có sự biến hóa khác nhau, nhưng vẫn không thể thoát khỏi triết lý đấu tranh do ông Mao Trạch Đông đặt ra cho ĐCSTQ. “‘Thuyết mâu thuẫn’ của ông Mao Trạch Đông nói rằng mâu thuẫn là nhân tố nội tại thúc đẩy sự thay đổi của sự vật. Một đặc điểm chủ yếu nhất của mâu thuẫn chính là đấu tranh. ĐCSTQ từng lớn tiếng tuyên bố rằng, đấu trời là niềm vui vô cùng, đấu đất là niềm vui vô cùng và đấu người là niềm vui vô cùng. Với ĐCSTQ mà nói, đấu tranh chính là không đâu không tồn tại”, ông cho biết.