Theo sau sự tập trung vào Tập đoàn Crown Group của Úc, báo chí nước ngoài đã đưa tin về gia tộc ông Giang Trạch Dân. Nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc đấu đá nội bộ cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giữa hai gia tộc Tập và Giang đang ngày càng dữ dội trong lĩnh vực kinh tế, theo Epoch Times ngày 3/4.
Gần đây, cùng một phương tiện truyền thông nước ngoài tiếp tục tung ra các báo cáo có liên quan đến các gia tộc khác nhau trong ĐCSTQ. Ví dụ, cuộc điều tra xung quanh Crown Resorts (Tập đoàn Hoàng Quán – Crown Group) có liên quan đến người em họ của Tập Cận Bình. Đồng thời, báo chí nước ngoài gần đây đã tiết lộ câu chuyện nội bộ về việc ông Tập ngăn cản gia đình ông Giang Trạch Dân kiếm tiền từ Ant Group.
Tập đoàn Hoàng Quán trở thành tiêu điểm sau khi vụ bê bối của em họ Tập Cận Bình bị vỡ lở
Vào tháng 2 năm nay, Crown Group tại Úc bùng nổ với thông tin: Cơ quan độc lập quản lý trò chơi & rượu NSW (ILGA) của New South Wales, Úc đã ủy nhiệm một điều tra viên để điều tra Crown Group, và công bố một báo cáo điều tra vào ngày 9/2, tin rằng tập đoàn này không phù hợp để nắm giữ giấy phép sòng bạc.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin vào ngày 10/2 rằng báo cáo cáo buộc Crown Group có các hoạt động rửa tiền trên quy mô lớn, dẫn đến việc nhân viên của nó phải đối mặt với nguy cơ bị hệ thống tư pháp nước ngoài bắt giữ vì thiết lập mối quan hệ kinh doanh với xã hội đen và các tổ chức tội phạm, v.v. Báo cáo đề cập rằng Crown Group cũng hợp tác với các nhà điều hành trò chơi cá cược ở châu Á để đưa những tay chơi cờ bạc cao cấp đến Úc.
Vào ngày 15/2, sau 5 ngày, WSJ báo cáo rằng Crown Group tuyên bố rằng Giám đốc điều hành Ken Barton và một số thành viên hội đồng quản trị đã từ chức.
Đối với người Trung Quốc, điều nổi tiếng nhất về Tập đoàn Hoàng Quán này là mối quan hệ giữa tập đoàn này với người “em họ Tập Cận Bình”.
Một báo cáo của China Daily vào ngày 2/8/2019 cho biết em họ của Tập Cận Bình, một công dân Úc 63 tuổi là Tề Minh (Ming Chai), đã bị cảnh sát và cơ quan tình báo Úc điều tra về hoạt động tội phạm có tổ chức, rửa tiền và mua bán sức ảnh hưởng.
Một số quan chức cho biết, cảnh sát đã điều tra việc Tề Minh vào năm 2017 bị cáo buộc sử dụng một công ty bình phong để rửa tiền. Công ty này đã giúp những người đánh bạc và nghi phạm chuyển tiền vào và ra khỏi Úc.
Đồng thời, cơ quan điều tra cũng đang cố gắng tìm ra nguồn gốc số tiền cá cược của Tề Minh tại khu vực đặt cược cao của sòng bạc Crown Group, và điều tra các mối liên hệ làm ăn giữa Tề Minh và các đối tác kinh doanh khác.
Tờ WSJ trích dẫn các tài liệu nội bộ của Crown Group cho biết trong 18 tháng từ năm 2012 đến 2013, Tề Minh đã đặt cược khoảng 39 triệu đô-la Mỹ vào các sòng bạc. Năm 2015, ông ta là khách hàng thường xuyên thuộc top 50 cá cược, với số tiền cá cược ước tính là 41 triệu đô-la Mỹ, và được liệt vào danh sách khách siêu sang “VVIP”.
Các quan chức Australia cho biết vào năm 2017, Tề Minh đã sử dụng một công ty giả danh nhà nhập khẩu nhựa để nhận “một lượng lớn” tiền từ nước ngoài. Các quan chức này cho biết trong 15 tháng từ năm 2017 đến năm 2018, các cá nhân và con bạc trong sòng bạc bị nghi ngờ là tội phạm có tổ chức đã sử dụng công ty này để chuyển hàng trăm triệu đô-la vào và ra khỏi Úc.
Một đối tác kinh doanh từng làm việc với Tề Minh nói rằng Tề Minh cũng “thích sống về đêm”. Các đối tác kinh doanh của ông ta nói rằng Tề Minh chi hàng trăm nghìn nhân dân tệ một đêm khi uống rượu với những người khác ở Thượng Hải.
Năm 2011, vợ của Tề Minh đã mua một ngôi nhà lớn ở một vùng ngoại ô cao cấp ở Melbourne với giá gần 3,8 triệu đô-la Mỹ.
Năm 2016, các nhân viên thực thi pháp luật Úc nghi ngờ một máy bay tư nhân có liên quan đến hoạt động rửa tiền, và khám xét chiếc máy bay đang đậu tại sân bay của khu nghỉ mát ven biển. Tề Minh có mặt trong số các hành khách trên máy bay. Tuy nhiên, tâm điểm của cuộc điều tra của cảnh sát là một đối tác khác đi cùng máy bay với Tề Minh.
Tề Minh từng là giám đốc điều hành cấp cao tại ZTE Corporation và Ningbo GQY Video Communication Company. Cha của ông ta, Tề Duệ Tân, là em trai của Tề Tâm, mẹ của Tập Cận Bình, và từng là bí thư đảng ủy Tập đoàn Hoàng Kim của ĐCSTQ và bí thư Đảng ủy Bộ tư lệnh Lực lượng Cảnh sát Vũ trang.
Vào năm 2019, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Hoa Xuân Oánh đã công khai phản bác, nói rằng đây là “tin rác” và “dựa trên một số tuyên bố vô căn cứ và ngụy tạo để cố gắng làm mất uy tín của Trung Quốc”.
Mặc dù tờ WSJ đã tuyên bố cụ thể rằng “không có dấu hiệu cho thấy sự việc có liên quan đến Tập Cận Bình”, nhưng vào cuối tháng 8/2019, phóng viên Vương Xuân Hàn của WSJ ở Bắc Kinh tham gia báo cáo đã bị ĐCSTQ trục xuất.
Các phương tiện truyền thông nước ngoài sau đó đã đưa tin về gia đình Giang Trạch Dân
WSJ, sau khi đề cập đến tập đoàn Hoàng Quán (Crown Group), đã tiết lộ vào ngày 16/2 lý do thực sự khiến kế hoạch niêm yết của Ant Group bị chính quyền ĐCSTQ đình chỉ vào năm ngoái.
Báo cáo dẫn lời hơn một chục quan chức ĐCSTQ và các chuyên gia tư vấn chính phủ cho biết, ngoài mối quan tâm của chính quyền về rủi ro của hệ thống tài chính, còn có một lý do quan trọng khác: cơ cấu cổ phần phức tạp của Ant Group, và những người dự kiến sẽ hưởng lợi từ những gì được kỳ vọng là một thương vụ IPO lớn nhất thế giới. Những người được hưởng lợi càng khiến Bắc Kinh bất an.
Theo báo cáo, một vài tuần trước khi Ant Group niêm yết, một cuộc điều tra của nhà chức trách đã phát hiện ra rằng, đằng sau những phương tiện đầu tư mờ ám nắm giữ cổ phần của Ant Group là một nhóm nhỏ các chức sắc ĐCSTQ với nhiều mối quan hệ, bao gồm cháu trai Giang Chí Thành của cựu lãnh đạo đảng Giang Trạch Dân; Lý Bột, con rể của Giả Khánh Lâm, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị của phe Giang, và những người khác, đặt ra những thách thức tiềm tàng đối với Tập Cận Bình và vòng tròn hạt nhân của ông ta.
Lý do thực sự khiến kế hoạch niêm yết của Ant Group bị chính quyền ĐCSTQ dừng vào năm ngoái là do cơ cấu vốn chủ sở hữu phức tạp đằng sau Ant Group, liên quan đến nhiều gia tộc quyền lực của ĐCSTQ. (ảnh chụp màn hình trang web Wall Street Journal)
Cuộc điều tra cho thấy Boyu Capital, do Giang Chí Thành thành lập, đã nắm giữ cổ phần của Ant Group thông qua quỹ đầu tư tư nhân “Bắc Kinh Kinh Quan” một cách gián tiếp. Lý Bách Đàm đã trở thành cổ đông giấu mặt của Ant Group thông qua các quỹ đầu tư Beijing Zhaode Investment, Tibet Hongde Century Investment, Fuqing Linsheng No. 3 Investment và Shanghai Zhongpay.
Khoảng một tuần sau, các phương tiện truyền thông đã tiết lộ động thái của Boyu Capital.
Tờ WSJ trích dẫn các nguồn tin quen thuộc với vấn đề vào ngày 22/2 rằng Boyu Capital, quỹ đầu tư tư nhân của gia đình Giang Trạch Dân, đã chuyển một phần hoạt động kinh doanh từ trụ sở chính ở Hồng Kông sang Singapore, và hai người đồng sáng lập công ty cũng đã chuyển đến Singapore.
Báo cáo trích lời “những nhân sĩ nội bộ ĐCSTQ” cho biết lý do Boyu Capital chuyển giao hoạt động kinh doanh sang Singapore là do “Tập Cận Bình trong quá trình tập trung hóa quyền lực đã làm suy yếu ảnh hưởng của các nguyên lão đã nghỉ hưu. Những lão nhân này đã cố gắng đạo dẫn các quyết sách sao cho có lợi cho họ”. “Với việc Tập Cận Bình đang dần chiếm vị trí thống trị, ảnh hưởng của Giang Trạch Dân đã suy yếu. Sau khi Giang Trạch Dân qua đời, có thể sẽ làm thay đổi thêm cơ cấu quyền lực trong đảng, khiến gia đình và những người thân cận của ông ta dễ bị thanh trừng hơn”.
Nhà bình luận các vấn đề thời sự Lý Lâm Nhất tin rằng, khi quyền lực của Tập Cận Bình trong ĐCSTQ ngày càng lớn, thì các cuộc đấu tranh nội bộ của ĐCSTQ càng trở nên gay gắt hơn. Trong một khoảng thời gian ngắn, bản báo cáo của WSJ đã đụng đến hai đại phái hệ của ĐCSTQ, phái hệ Tập Cận Bình và phái hệ Giang Trạch Dân. Những người bị đưa lên tiền đài là em họ của Tập Cận Bình và cháu trai của Giang Trạch Dân, và không thể loại trừ việc ai đó bên trong nội bộ ĐCSTQ đang tiếp sức.
Lý Lâm Nhất cho rằng từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, hai bên đã tranh đoạt địa vị và quyền lực chính trị, nhưng phe Giang đều kết thúc trong thất bại, trong đó có Chu Vĩnh Khang và các quan chức cấp cao khác của phe Giang đều bị bắt. Bây giờ ông Tập đã rẽ trái, xung đột lợi ích giữa ông Tập và ông Giang trong lĩnh vực kinh tế rất gay gắt, điều này có thể thấy qua vụ Crown Group, ông Tập ngăn cản cháu trai của Giang Trạch Dân đầu tư vào Ant Group để kiếm tiền, và Tập đoàn Boyu đã chuyển tiền sang Singapore.
Gia tộc Giang Trạch Dân tiếp tục vơ vét tiền ở Trung Quốc
Mặc dù Boyu Capital đã chuyển một phần hoạt động kinh doanh sang Singapore, nhưng công ty này vẫn đang vơ vét tiền ở Trung Quốc.
Một báo cáo của Reuters vào ngày 24/2 dẫn lời ba người quen thuộc với vấn đề này cho biết Boyu Capital đang huy động một quỹ mới tập trung vào Trung Quốc với mục tiêu lên tới 6 tỷ USD.
Một trong những nguồn tin cho biết quỹ đầu tư định giá bằng đô-la này là quỹ lớn thứ năm và lớn nhất của Boyu Capital, và có thể sẽ hoàn thành việc gây quỹ trong thời gian tới.
Giang Chí Thành đã thành lập quỹ đầu tư tư nhân “Boyu Capital” tại Hồng Kông vào năm 2010. Trong 10 năm qua, Boyu Capital đã biến các mối quan hệ chính trị thuộc sở hữu của gia tộc Giang thành khối tài sản thương mại khổng lồ.
Luật chống rửa tiền ở Hồng Kông sắp được đưa ra? Thời khắc mẫn cảm
Khoảng một tuần trước báo cáo về việc Boyu Capital chuyển giao hoạt động kinh doanh sang Singapore, vào ngày 14/2, có tin tức rằng Hồng Kông đang có kế hoạch áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn chống lại các hoạt động rửa tiền.
Theo tờ Financial Times, chính quyền Hồng Kông đang nghiên cứu yêu cầu đối với các tổ chức tài chính hoặc nhà tư vấn nước ngoài để điều tra về các tài khoản dưới tên của các nhân vật có liên quan đến chính trị, từ “các chính trị gia bên ngoài Trung Quốc, đến các nhân vật chính trị bên ngoài Hồng Kông”.
Điều này cũng có nghĩa là trong tương lai, Hồng Kông sẽ thực hiện các cuộc thanh tra chống rửa tiền chặt chẽ hơn đối với các giao dịch tài khoản ngân hàng của các quan chức ĐCSTQ.
Báo cáo nói rằng các quy tắc sửa đổi sẽ khiến bất kỳ ai có quan hệ với ĐCSTQ sẽ khó chuyển tiền đến hoặc nội trong Hồng Kông mà không bị kiểm tra danh tính thân phận, chức năng công cộng, cộng sự và quan hệ thân thích của họ.