Ngô Nhân Dụng
Trong tháng Hai 2021, ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia mới nhậm chức ở Mỹ gọi cho đồng nghiệp Geoffrey van Leeuwen trong chính phủ Hòa Lan. Một vấn đề “an ninh” họ nói với nhau là SMIC, công ty sản xuất chất bán dẫn (semiconductor) lớn nhất của Trung Quốc,.
Chính quyền Trung Cộng đã đầu tư nhiều tỷ đô la để chế tạo chất bán dẫn, cần cho tất cả các máy móc điện tử, vì biết họ còn quá lệ thuộc vào hàng nhập cảng. Các doanh nghiệp nhà nước, như SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corp), đã làm hết sức. Nhưng họ vẫn chưa tìm ra được cách làm những chất bán dẫn tối tân nhất. Mỹ, Nhật Bản và Hòa Lan nắm độc quyền các khí cụ sản xuất. Theo nhật báo Wall Street Journal ra ngày 28 tháng 2, 2021, ông Sullivan nói chuyện với ông van Leeuwen về vấn đề này.
Bộ Thương mại Mỹ đã cấm các xí nghiệp không được bán cho Trung Cộng những tiến bộ kỹ thuật liên quan đến an ninh quốc gia. Lệnh cấm sẽ được áp dụng trong Tháng Tư năm nay. Nhưng một mình nước Mỹ cấm không đủ. Trung Cộng vẫn có thể dùng áp lực thương mại để mua từ các nước Âu châu, Nhật Bản hay Nam Hàn. Năm ngoái, khối Âu châu đã ký một hiệp ước mậu dịch với Bắc Kinh mà Mỹ không can dự. Chính quyền Joe Biden đang vận động các nước đồng minh đứng chung trong trận tuyến trong cuộc “chiến tranh kỹ thuật cao” giữa “phe dân chủ” và “phe độc tài,” như ông Biden đặt tên.
Cuộc chiến tranh này mang tính chất ý thức hệ. Một thành tích Bắc Kinh đang đề cao là đã ngăn chặn được trận đại dịch Covid bắt đầu từ Vũ Hán. Tập Cận Bình muốn các nước khác noi theo mô hình chính trị của Trung Quốc, coi đó là con đường tốt nhất để phát triển và ổn định.
Chính phủ Mỹ chủ trương “phe dân chủ” cần liên kết, không cho “phe độc tài” lợi dụng việc giao thương để cải thiện khả năng kỹ thuật của họ, từ đó sẽ lũng đoạn thế giới. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói, “Các nước dân chủ kỹ thuật cao (techno-democracies) phải liên kết, một cách có hiệu quả, để ấn định các quy luật (cho thế giới kỹ thuật cao)” – khi ông điều trần trước Thượng viện để được phong nhậm.
Muốn vậy, “phe dân chủ” phải vượt xa Trung Cộng trong việc sản xuất chất bán dẫn, trí khôn nhân tạo (AI, artificial intelligence) và các lãnh vực tiến bộ nhất, tất cả sẽ quyết định tương lai kinh tế và khả năng quân sự. Hiện nay ngân sách về nghiên cứu (R&D) về kỹ thuật cao của chính quyền Trung Cộng cũng lớn bằng của các công ty và chính phủ Mỹ. Nhưng các nước Âu châu, Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan cũng đổ rất nhiều tiền vào R&D.
Phe dân chủ sẽ kết hợp theo nhiều cách khác nhau, không nhất thiết phải tạo thành một tổ chức quốc tế mới. Một khái niệm mới thành hình đặt tên là Dân chủ 10 (Democracy 10) hay Kỹ thuật 10 (Tech 10) trong đó các nước G-7 đứng làm trụ.
Các quốc gia trong phe dân chủ đang sẵn sàng cộng tác với Mỹ. Họ thấy phải cùng ấn định các quy luật và tiêu chuẩn về kỹ thuật cao, phải theo cùng một số quy tắc hạn chế việc sử dụng trí khôn nhân tạo để kiểm soát dân chúng, như Trung Cộng đang lợi dụng để đàn áp dân thiểu số ở Tân Cương, Tây Tạng.
Đứng hàng đầu trong danh sách của chính phủ Mỹ là việc sản xuất chất bán dẫn. Vì đó là sức đẩy quan trọng nhất trong kinh tế hiện đại – không khác gì dầu lửa trong thế kỷ trước. Hiện nay Trung Cộng là nước sử dụng chất bán dẫn nhiều nhất trên thế giới. Nhưng 80 phần trăm phải nhập cảng từ nước ngoài, hoặc do các công ty ngoại quốc sản xuất trong lục địa. Trong trận tuyến chất bán dẫn, Mỹ cần những đồng minh Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan để kiềm tỏa Trung Cộng.
Trên mỗi mặt trận kỹ thuật, Mỹ sẽ mời các quốc gia vào những kết hợp khác nhau. Những liên minh trong phe dân chủ sẽ được chính phủ Mỹ giữ bí mật, để bảo vệ quyền lợi các nước, không cho biết họ đang chống Trung Cộng. Mỹ và các nước đồng minh sẽ cấm bán cho Trung Cộng một số hàng thuộc các lãnh vực trí khôn nhân tạo, vi tính lượng tử (quantum computing), kỹ thuật sinh học (biotechnology), và hệ thống viễn thông 5G.
Về trí khôn nhân tạo, mà hiện nay Tập Cận Bình đang đầu tư nhiều nhất, phe dân chủ cần có được Israel, là nước đang dẫn đầu thế giới trong việc nghiên cứu AI. Mỹ cũng cần liên kết với Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ để cùng cấm bán một số hàng kỹ thuật cao cho Trung Cộng.
Trung Cộng có một thứ “vũ khí” để tự vệ và phản công, là các “khoáng chất hiếm” (rare earths) mà họ làm chủ nhiều quặng mỏ nhất, phần lớn ở Nội Mông Cổ. Đó là những chất cần thiết trong tất cả các khí cụ điện tử, từ máy vi tính đến điện thoại di động. Nếu Trung Cộng ngưng cung cấp “khoáng chất hiếm” thì công nghiệp điện tử của các nước đều trì trệ. Bắc Kinh đã nêu vấn đề này với nhiều nước khách hàng.
Nhưng hành động đó khó xảy ra; vì các nước sẽ trả đũa mạnh mẽ. Hơn nữa, nếu tiếp tục bị đe dọa, các nước sẽ chịu tốn tiền khai thác quặng mỏ “khoáng chất hiếm” của họ. Chính phủ Biden đã bắt đầu một cuộc nghiên cứu về khả năng tự túc của nước Mỹ, và thảo luận với Australia cùng nhiều nước khác việc chế biến “khoáng chất hiếm nhân tạo.”
Trở lại với lệnh cấm bán các món hàng kỹ thuật cao, hiện nay các xí nghiệp ở Mỹ cũng ý thức mối đe dọa của Trung Cộng. Tất cả đều lo Trung Cộng sẽ “ăn trộm” các sáng chế, phát minh của họ, lo đề phòng nạn gián điệp kinh tế. Mối lo lớn nhất là gián điệp Trung Cộng sẽ lấy trộm rồi lợi dụng các thông tin, dữ kiện cá nhân của tất cả dân Mỹ, từ hồ sơ sức khỏe cho đến vị trí, ngày giờ nào ai đang ở đâu, di chuyển tới đâu, giống như Bắc Kinh đang theo dõi người dân của họ.
Nhưng giới kinh doanh Mỹ còn đang phản đối vì các lãnh vực bị cấm bán cho Trung Cộng quá rộng lớn, bao trùm nhiều lãnh vực từ viễn thông cho tới tài chánh, và nhiều chỗ mơ hồ. Nhiều tổ chức tập hợp giới kinh doanh ở Mỹ, với những công ty lớn như Amazon, Walmart, Citigroup yêu cầu chính phủ Mỹ duyệt lại văn bản của lệnh cấm này. Hơn nữa, lệnh cấm mua bán với Trung Cộng sẽ khiến các xí nghiệp Mỹ phải chịu rất nhiều tốn kém. Trong năm đầu tiên thi hành lệnh này các công ty Mỹ sẽ thiệt hại hoảng $52 tỷ mỹ kim, và sau đó mỗi năm $20 tỷ.Nhưng một điều có thể biết chắc là dân chúng Mỹ, từ những người bình thường, đến các nhà chính trị và giới kinh doanh, hiện nay đều ý thức rằng việc xuất cảng kỹ thuật cao bán cho Trung Cộng sẽ gây nên mối đe dọa cho cả an ninh quốc gia và nền kinh tế. Khi Thượng viện phỏng vấn các viên chức mới của chính phủ Joe Biden, các ứng viên đều tỏ thái độ cứng rắn với Bắc Kinh khi nghị sĩ đặt câu hỏi về vấn đề này.