Gia Huy
Lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã mở rộng sự hiện hiện tại vùng biển tranh chấp gần Quần đảo Điếu Ngư (tên của Trung Quốc) do Nhật Biển kiểm soát và được gọi là Senkaku.
Sự gia tăng hoạt động của Trung Quốc diễn ra ngay sau khi nước này thông qua Luật Hải cảnh, cho phép lực lượng bán quân sự Trung Quốc sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài mà Bắc Kinh xem là xâm nhập trái phép vùng biển của mình.
Theo Lực lượng tuần duyên Nhật Bản, tần suất mà các tàu tuần duyên Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển [gần Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư] đã tăng từ hai lần một tháng vào năm ngoái lên hai lần một tuần vào tháng 2 năm nay.
Động thái này đã làm tăng khả năng xảy ra một cuộc xung đột giữa hai nước và có thể được xem là một phép thử đối với cam kết an ninh của chính quyền Biden đối với Nhật Bản, một trong những đồng minh quan trọng nhất của Washington trong khu vực.
Một quan chức Nhật Bản cho biết Tokyo rất lo lắng trước các hoạt động của Trung Quốc và đang xem xét biện pháp đối phó của mình, theo tờ SCMP.
Quan chức giấu tên này cho biết: “Theo luật trong nước của chúng tôi, các lực lượng phòng vệ [Nhật Bản] có thể thay mặt cho lực lượng tuần duyên sử dụng vũ khí để chống lại việc Trung Quốc xâm nhập vào vùng lãnh hải của chúng tôi, bao gồm cả vùng biển xung quanh Quần đảo Senkaku mà không được phép.”
Mặc dù nhấn mạnh rằng Nhật Bản không có ý định leo thang tình hình, nhưng quan chức này cho biết Tokyo sẽ cố gắng gây sức ép lên Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao, chẳng hạn tìm kiếm sự ủng hộ của các nước khác như Anh và Canada.
Vào tháng 2/2021, Tokyo đã nêu quan ngại về luật mới của Trung Quốc trong cuộc họp “2+2” giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nhật Bản và Anh.
Phản ứng trước chỉ trích của Nhật Bản, hôm thứ 6 (5/3), bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết rằng việc lực lượng tuần duyên Trung Quốc tuần tra gần Quần đảo Điếu Ngư là chính đáng và phù hợp với tuyên bố chủ quyền của nước này. Bắc Kinh cũng yêu cầu Tokyo kiềm chế để không “làm phức tạp thêm tình hình”.
Bộ ngoại giao Trung Quốc nói: “Có các kênh liên lạc hoạt động hiệu quả giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Chúng tôi hy vọng rằng phía Nhật Bản có thể thỏa hiệp với chúng tôi để giải quyết một cách hợp lý các vấn đề nhạy cảm như vậy.”
Vào cuối tháng 2/2021, hai tuần tuần duyên Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập vào vùng lãnh hải Nhật Bản và tiếp cận một tàu đánh cá Nhật Bản gần quần đảo này. Một tàu tuần tra Nhật Bản đã được triển khai để hộ tống tàu đánh cá Nhật Bản và cảnh báo các tàu Trung Quốc. Lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết họ cũng quan sát thấy hai tàu Trung Quốc khác, với một tàu dường như được trang bị pháo tự động, đang di chuyển ngay bên ngoài vùng lãnh hải Nhật Bản.
Sau vụ việc, các quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết Lực lượng tuần duyên Nhật Bản được phép bắn trực tiếp vào các mục tiêu nước ngoài “bị bắt quả tang đang thực hiện hành vi phạm tội trên đường xâm nhập vào lãnh thổ Nhật Bản.”
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết rằng Nhật Bản có thể triển khai lực lượng phòng vệ của mình nếu lực lượng tuần duyên của nước này không thể tự mình xử lý tình huống và lực lượng phòng vệ có thể áp dụng “các tiêu chuẩn kiểu tuần duyên” trong việc bắn vào các tàu nước ngoài.
Theo đài truyền hình quốc gia [Nhật Bản] NHK, Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản (MSDF) và lực lượng tuần duyên đã có cuộc tập trận chung ở vùng biển phía tây nam nước này vào hôm thứ 4 (3/3).
Cuộc tập trận được thiết kế để mô phỏng tình huống đối phó với các cuộc tấn công của các tàu nước ngoài vào một cơ sở quan trọng. Cuộc tập trận có sự tham gia của một tàu khu trục, một tàu tên lửa và hai máy bay trực thăng của MSDF, cùng với hai tàu tuần tra của lực lượng tuần duyên. Đây là lần đầu tiên sau 8 năm MSDF cử một tàu khu trục tham gia cuộc tập trận thường niên.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh và Tokyo đã tìm cách để cải thiện quan hệ giữa hai nước sau nhiều thập kỷ thù hận về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trong lịch sử. Tuy nhiên, hiện nay dư luận tại Nhật Bản đã trở nên bất mãn với chính quyền cộng sản Trung Quốc về đại dịch virus corona vốn khởi phát tại Vũ Hán và lây lan khắp thế giới do sự che giấu của ĐCSTQ trong giai đoạn đầu đại dịch, cũng như bất mãn với hành động gây hấn của Bắc Kinh gần Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát và cách xử lý tàn bạo của ĐCSTQ đối với các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Hồng Kông.
Các nhà quan sát cho biết căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản có thể tiếp tục leo thang nếu không được xử lý tốt.
Ông Joe Biden đã tái khẳng định cam kết bảo vệ Nhật Bản trong cuộc điện đàm đầu tiên của mình với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga vào tháng 1/2021, nêu rõ rằng “cam kết vững chắc của Hoa Kỳ về việc bảo vệ Nhật Bản theo Điều 5 trong hiệp ước an ninh của chúng tôi, bao gồm cả Quần đảo Senkaku”. Điều 5 quy định rằng Hoa Kỳ có trách nhiệm bảo vệ Nhật Bản nếu lãnh thổ của nước này bị tấn công.
Và mới tuần trước, chính quyền Biden miêu tả Nhật Bản như một trong những tài sản chiến lược lớn nhất của Hoa Kỳ mà Washington sẽ tiếp tục đầu tư vào.
Ông Kotaro Tamura, cựu nghị sĩ Nhật Bản và là cố vấn của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, cho biết: “Ông Biden biết rằng chính quyền của ông ấy hiện cũng đang được Trung Quốc thăm dò phản ứng. Hoa kỳ sẽ nhận ra rằng việc dò xét này cũng đang kiểm nghiệm lòng tin của các đồng minh [của Hoa Kỳ].”
“Tổng thống mới [của Hoa Kỳ] biết rằng việc lấy lại lòng tin của các đồng minh ở châu Á yêu cầu không chỉ là lời nói mà còn phải là hành động để chứng tỏ điều đó.”
Gia Huy (theo SCMP)