Tha hương biệt cố tri!

Đoàn Xuân Thu

Những ngày giáp Tết ở Melbourne, Victoria, Úc Châu cơn đại dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được. Trong nước COVID-19 lại có cơ bùng phát từ Bắc vào Nam. Tết nầy chắc những người tha hương lưu lạc hoặc bà con trong nước sẽ buồn hơn năm trước.

Chiều cuối năm, ngồi bên ly rượu đỏ, tôi đọc thơ Hạc Thành Hoa: “Chiều cuối năm trong quán bên sông nhìn lá rụng” để buồn hơn cái thân xa quê trong thời lưu lạc.

“Chiều cuối năm còn ngồi trong quán.

Nỗi lòng ta biết gửi về đâu

Mây đã ngừng trôi sông nước lặng

Mang mang thiên địa ý Xuân sầu!”.

Ý Xuân năm nay còn sầu hơn năm ngoái vì bất ngờ nhận được hung tin đời tha hương tôi lại biệt cố tri: khi chỉ còn hai ngày nữa là thời khắc giao thừa bước qua năm Tân Sửu.

Người bạn văn và bạn nhậu của tôi suốt 20 năm nay, giáo sư Việt văn Bùi Hữu Trạng đột ngột rời bỏ cuộc chơi để đi vào miên viễn lúc 7 giờ 40 phút tối, giờ Ðông bộ Úc Châu, ngày mùng 9 tháng Hai năm 2021 (tức đêm 28 âm lịch năm Canh Tý).

***

Sáu Trạng lẳng lặng ra đi mang theo cả một trời Cần Thơ, quê của em yêu của tôi, đầy kỷ niệm.

Tôi nhớ trường Phan Thanh Giản; tui nhớ tôi một thời phấn bảng ở một trong những trường Trung học lớn nhứt Việt Nam Cộng Hòa. Vì Trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ có tới 112 lớp Ðệ Nhất cấp và Ðệ Nhị cấp. Ðiều đó nghĩa là hơn 7000 học trò, quê tứ xứ từ các tỉnh miền Tây đến học, cho tới ngày định mệnh 30 tháng Tư năm 1975.

“Ôi! Trường ta! Tang thương!

theo vận nước nhiễu nhương!

Học trò năm cũ giờ đâu cả?

em dạt về đâu mấy nẻo đường?”.

Sau 75, khi CS Bắc Việt chiếm được Miền Nam, thầy trò chúng tôi lưu lạc, tha phương ra toàn thế giới. Chúng ta ra đi mang theo quê hương, mang theo hình bóng thân thương của ngôi trường năm cũ quê nhà.

***

Nhớ năm 2000, lần đầu tôi đến Sáu Trạng, nhà lưng chừng đồi, nằm trên một thung lũng dài, Long Valley Way, vùng Doncaster East, tiểu bang Victoria, Australia, cách nhà tôi Footscray, hơn 30 cây số, mất chừng 40 phút lái xe.

Nhớ cái buổi nhậu đầu tiên đó, Sáu Trạng đặt bàn ở hàng hiên, nhìn ra vườn, có căn nhà nhỏ do hiền tế của Trạng là kiến trúc sư Thông thiết kế và xây dựng để nhạc phụ mình nhậu chơi, bù khú với bạn bè. Sáu Trạng đố tôi từ Hán Việt gọi cái đó là cái gì? Tôi bí. Trạng trả lời nó là cái “thảo lư”. À, “thảo lư” là lều cỏ của Khổng Minh mà Lưu Bị tam cố đó mà.

Em yêu của Bùi Hữu Trạng là chị Trương Thị Ngọc Anh, cùng quê Mỹ Tho với tôi, hôm đó làm món gỏi khô cá sặt trộn với xoài xanh. Mồi bắt quá, mấy đứa cưa vài chai rượu mạnh cạn láng chít, tui quỷnh… hết dám lái xe về. Ðể:

“Bình minh tới một chàng bừng tỉnh giấc

Thấy chiến trường la liệt xác anh em

Năm tráng sĩ bị mười chai quất gục

Ðời tha hương coi bộ vẫn êm đềm

Rồi: “Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới:

Ta làm gì cho hết nửa đời sau?”.

Chị Ngọc Anh vốn hiếu khách nên cầm khách, kêu tôi khoan hãy về, ở lại nhậu chơi với Sáu Trạng vài ba bữa nữa đi.

Rồi lần sau nữa, Bùi Hữu Trạng “hú” tôi đến! Trước là nhậu chơi, có giáo sư Việt văn Bùi Hữu Việt, tức Bảy Việt, là em của Sáu Trạng và giáo sư Toán Ðoàn Văn Út. Sau là bàn thảo kế hoạch thành lập Hội Ái hữu trường Phan Thanh Giản và Ðoàn Thị Ðiểm tại Úc Châu nầy. Tới giờ đã 20 năm qua.

Năm nào cũng vậy, Bùi Hữu Trạng đều tổ chức họp mặt các bạn đồng môn ít nhứt hai lần cho nước Úc. Và cứ 5 năm một lần cho cả toàn thế giới.

Suốt 20 năm dài đằng đẵng, Bùi Hữu Trạng bỏ ra biết bao công sức. Ðôi khi Sáu Trạng nói đùa là: “Mình ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng hoặc ăn cơm nhà vác ngà voi!”

Vác ngà voi quý lắm chớ! Nhờ cái công vác ngà voi đó của Sáu Trạng mà em yêu của tui gặp lại bạn đồng môn trường Ðoàn Thị Ðiểm ngay cả bạn đồng song tứ tán sau cuộc biển dâu nầy.

Trong câu chuyện râm ran của những người bạn cùng quê, cùng trường năm cũ hoặc những người dẫu cùng quê cùng trường nhưng lần đầu mới biết được nhau khi cả đôi bên đều là thân lưu lạc.

Em yêu của tôi đã may mắn qua hội Ái hữu nầy mà gặp lại chị Cao Thị Tơ, bạn học hồi xưa, nhà trong hẻm Ðề Thám hoặc em Nguyễn Mỹ Diệu, con thầy giáo Xứng, Ðông Y Học viện…

Còn tôi thì được gặp giáo sư Hiệu trưởng Nguyễn Trung Quân (1967-1970), Trương Quang Minh (1971-1973), giáo sư Toán Nguyễn Ðình Sửu, Giáo sư Trần Văn Dinh… và vô số bạn cùng thời như Bùi Hữu Việt, Trần Ðông, Lâm Hữu Lộc hay đàn anh trong nghề gõ đầu trẻ đi trước Trần Bá Xử, như Trần Bang Thạch, nhà văn Lê Cần Thơ, Nguyên Nhung từ Houston, Texas (Hoa Kỳ) hoặc anh Triệu Huỳnh Võ, Lê Văn Hai từ Canada, và nhiều nhiều nữa.

Trong những ngày họp mặt hai lần một năm hiếm hoi đó là:

“Bờ sông yêu xưa tà áo thướt tha mỹ miều

Sao em không thấy về Ninh Kiều?”

Là: “Ngày xưa ta quen từng viên đá quanh sân trường

Nay nghe sao khác từ tên đường?”

Công đức nối ‘Nhịp cầu tri âm Hậu Giang tôi cũng kiếm; Melbourne tôi vẫn tìm’ của Bùi Hữu Trạng là vô lượng; là lớn lắm đó nhe!

Buồn thay, Sáu Trạng đã mất rồi! Thầy Nguyễn Trung Quân, Hiệu trưởng trường Trung học Phan Thanh Giản (1967-1970), từ bên California, Hoa Kỳ gởi tin nhắn cho tôi: vì Thầy ở Cali, USA, xa quá, nếu tôi có đến viếng Bùi Hữu Trạng thì hãy thắp giùm Thầy một nén hương cho người học trò cũ lúc nào cũng hết lòng với trường xưa, Thầy cũ.

Dà đúng như lời hứa với Thầy Nguyễn Trung Quân, tôi đã làm y như lời Thầy dặn, là đốt dùm Thầy một nén nhang để tiễn một người học trò cũ mãi mãi về nơi miên viễn.

***

Tha hương biệt cố tri! Chiều chạng vạng, trước hay sau gì cánh chim trời phiêu bạt cũng về đậu trên nhánh cây “thương”. Trên sáu mươi, sống thêm được một năm nữa, là do Trời thương. Giờ Trời kêu ai nấy dạ. Trời kêu đi thì mình đi vậy.

Chúng ta đã có một quãng đời với nhau vui như:

“Cửu hạn phùng cam vũ.

Tha hương ngộ cố tri”.

(Nắng hạn gặp mưa rào.

Xa quê gặp bạn cũ.)

Giờ xuống dưới Địa ngục hay lên trên Thiên đàng gì đi chăng nữa thì Sáu Trạng cứ lập Hội Ái hữu Cựu Học sinh Phan Thanh Giản – Ðoàn Thị Ðiểm bên kia thế giới trước đi. Xin đừng quên mua sẵn vài lít rượu đế, rồi Sáu Trạng kêu hiền nội Ngọc Anh làm món khô cá sặt trộn với xoài xanh để sẵn đó chờ tôi.

Bằng không có tiền thì tôi với ông bắt chước Ðỗ Phủ: “Áo bông gán nợ qua ngày.

Quán ven sông, rượu khướt say mới rời.

Vẫn thường uống chịu đấy thôi.

Xưa nay bảy chục tuổi đời hiếm hoi!”.

***

Chủ nhựt ngày 28, tháng Hai, năm 2021, bạn Trần Đông cho tôi quá giang xuống nghĩa trang ở Springvale để nhìn mặt lần cuối cùng và đốt một nén nhang để đưa Bùi Hữu Trang về miên viễn.

Hai đường ray cỗ xe goòng.

Quến người hớp đóa lửa hồng về tro!

Vĩnh biệt Bùi Hữu Trạng! Nhớ hồi xưa tụi mình nhậu vui quá xá há!

Đoàn Xuân Thu.

Melbourne.

Related posts