Tiến thân

Việt Luận

Người Việt Nam chúng ta nổi tiếng biết lo cho con cái. Người xưa sẵn sàng bán con trâu cho con lên tỉnh ăn học. Người nay thường nói với nhau: chúng ta bỏ hết sang đây để lo cho con cái.

‘Lo cho con cái’ là lý do chính cho tất cả hy sinh cha mẹ đang chịu. Khi lo cho con, mỗi gia đình đặt ra mục tiêu riêng cho con đạt tới. Cha mẹ nào cũng nhắm tới điều tốt nhất cho con cái. Tựu trung, cha mẹ nào cũng muốn con mình ‘tiến thân’. Tiến thân theo nghĩa may rày khá hơn hiện nay. Hiện nay nhà nghèo – may rày giàu hơn. Hiện nay phải làm việc cực nhọc – mai rày nhàn nhã. Hiện nay ăn mắm hút giòi – mai rày ăn sang mặc đẹp. Hiện nay thô kệch như cú vọ – mai rày thành công thành phượng…

Để đạt mục tiêu đó, chúng ta thường nghĩ đến cho con hưởng nền giáo dục ưu tú ở đây. Nhỏ học trường tư, trường tuyển. Lớn vào đại học – mà phải đại học xịn và phân khoa hàng đầu. Ý nghĩ này không sai. Tuy nhiên, thư toà soạn hôm nay mời bạn đọc cùng với Việt Luận nghĩ coi: mảnh bằng có phải là tất cả…

Trong thực tế, có bằng đại học chưa chắc giúp chúng ta tiến thân nhưng ít nhất văn bằng tạo cơ hội cho ta hưởng một số đặc quyền trong xã hội. Đặc quyền trước tiên do văn bằng mang lại được ví như thẻ thông hành cho phép bạn trẻ bước qua nhiều cánh cửa.

Qua cánh cửa vẫn chưa đủ để giúp bạn trẻ tiến thân. Dường như thế hệ thứ nhất cần làm thêm điều gì đó. Điều này bàng bạc đâu đó và người ta phải dùng trực giác mới thấy. Thư toà soạn hôm nay, xin chỉ kể ra một hai điều…

Hiện nay, rất đông người mình sống tập trung tại vài ngoại ô. Những ngoại ô này vốn là chỗ cắm dùi đầu tiên của nhiều đợt di dân khi chân ướt chân ráo đến đây. Trước khi người mình biến Cabramatta thành ‘thủ đô tị nạn ở Úc’, Cabramatta đã từng là ‘thủ đô’ của người Đông Âu tị nạn sau thế chiến thứ nhì. Các nơi khác như Bankstown, Footscray, Richmond, St Alabans, vân vân cũng thế. Đây là những nơi bị tường trình ‘Dropping Off The Edge, Rớt từ Rìa Mép’ coi như những chỗ bị thiệt thòi ở Úc. Theo đó, bạn trẻ sống ở những nơi này ít có cơ hội tiến thân so với đồng trang lứa lớn lên ở khu vực giàu có. Có thể nói, nếu chỉ quanh quẩn ở ngoại ô bên rìa xã hội thì chính các em cũng không có những giấc mơ lớn. Khi người ta không nhắm tới mục tiêu cao xa thì khó tiến bước.

Thảng hoặc các em nuôi mộng lớn thì chung quanh thiếu những hội quán thể thao đầy đủ phương tiện, thiếu thư viện đầy đủ sách vở, thiếu viện bảo tàng, trung tâm giải trí. Ngay đến trường học tại địa phương cũng không có nhiều sinh hoạt bên ngoài chương trình học.

Ở đời, có những khi vài ba năng khiếu bên ngoài học vấn lại quyết định tương lai. Thí dụ: khi các em nuôi mộng làm bác sỹ, nha sỹ thì phải qua cửa ải UMAT (hay GMAST). Hai kỳ khảo sát này không đặt nặng kiến thức cho bằng khả năng giao tiếp, phán đoán và sành đời. Trong sở làm, người ta cần người giỏi chuyên môn nhưng ai không có những ‘soft skills’ thì khó tiến thân. Chắc là vì ít bạn bè, không chơi thể thao, hiếm khi la cà trong pub bia vào những chiều thứ Sáu,… nên khá đông di dân thuộc thế hệ thứ nhất ‘được boss khen’ vì làm giỏi mà chưa tiến thân vào chức vụ điều hành (?).

Trên đường tiến thân, bạn trẻ và gia đình không phải chỉ nhận được thêm nhiều điều mình muốn mà còn phải rủ bỏ (tức mất mát) nhiều điều mình trân quý. Chúng ta muốn con cái hoà mình vào nhịp sống ở Úc ư? Có thể phải rủ bỏ vài ba thói quen của người mình. Muốn con phải đúng giờ? Chắc là phải bỏ cái đồng hồ chạy bằng dây thun. Muốn con có một network rộng lớn? Có khi cha mẹ phải dời nhà hay đổi trường học cho con. Muốn con lịch lãm? Có khi cha mẹ phải đổi cách dọn cơm lên bàn, …

Trong thực tế không phải chỉ người mình sống đâu quen đó mà ngay cả người Úc cũng thế. Giáo sư Alexandra Coleman, thuộc đại học Western Sydney, sắp in cuốn sách ‘Understanding Student Experiences of Higher Education’. Trong đó bà phỏng vấn 26 sinh viên sống phía Tây thành phố Sydney. Sau khi ra trường và đi làm, trong số 26 sinh viên này có đến 20 người tiếp tục sống ở miền Tây. Có người tìm ra job thơm tại khu buôn bán chính ở Sydney nhưng thà mỗi ngày mất ba tiếng đồng hồ đi về và chịu bạn bè chê cười cái khu vực ngoại ô cổ đang ở hơn là bỏ Penrith thân thương. Theo tác giả, cô này còn tính chuyện bỏ job thơm ở CBD mà tìm việc gì khác ở gần nhà. Điều này cho thấy: có những bước tiến thân đòi chúng ta rủ bỏ nhiều hơn là thu nhận.

Trở lên, thư toà soạn hôm nay nhìn nhận người mình đã đi đúng hướng khi chọn nền giáo dục ưu tú ở đây. Giáo dục quả là con đò giúp cho thế hệ kế tiếp bắt đầu tiến thân. Dường như ngần ấy chưa. Chắc là cần thêm nhiều điều gì khác…

Việt Luận

Related posts