Trong những tuần gần đây, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải hứng chịu làn sóng cáo buộc họ phạm tội diệt chủng ở Tân Cương, Bắc Kinh đã quyết định đối phó bằng cách phát động một chiến dịch bôi nhọ các nữ cựu tù nhân Duy Ngô Nhĩ, những người đã tố cáo ĐCSTQ sử dụng bạo lực tình dục, theo Vision Times.
Báo cáo ngày 28/2 của Reuters cho biết “Các quan chức Trung Quốc nói rằng: Những bằng chứng mà các cựu nữ tù nhân Duy Ngô Nhĩ tiết lộ với truyền thông về quy định ép buộc triệt sản của chính quyền Trung Quốc chỉ là thông tin và dữ liệu y tế cá nhân về khả năng sinh sản của họ, đồng thời cáo buộc một số trong số họ vướng tội ngoại tình và một số bị lây bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục”.
“Các quan chức Trung Quốc cho biết thông tin này là bằng chứng về nhân cách xấu, [vô hình chung] phủ nhận những cáo buộc có đàn áp phụ nữ ở Tân Cương”.
Bôi nhọ các nhân chứng
Reuters cho biết Xu Guixiang, người đứng đầu Cục Công khai của ĐCSTQ ở Tân Cương đã gọi việc đưa tin và lên án của thế giới về nạn diệt chủng ở Tân Cương là “một số hành vi ghê tởm của phương tiện truyền thông”, nói rằng “chúng tôi đã thực hiện một loạt biện pháp” để đáp trả báo chí xấu mà Trung Quốc đã phải chịu đựng do hậu quả của việc họ tung tin về nhóm thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
Theo Reuters, ĐCSTQ đã đưa ra “hàng chục giờ thuyết trình”, “hàng trăm trang tài liệu” và “các cuộc phỏng vấn với các chuyên gia” hòng biện minh cho những hành vi của họ tại Tân Cương.
Wang Wenbin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, trong một cuộc họp báo đã giơ bức ảnh của một trong những phụ nữ lên tiếng về vụ cưỡng hiếp mà cô ấy phải chịu đựng ở Tân Cương và tuyên bố rằng người phụ nữ này đã không đề cập đến việc lạm dụng trong các cuộc phỏng vấn trước đó. Wang cũng nói về hồ sơ sinh sản của người phụ nữ này.
Một người phụ nữ khác bị các quan chức Tân Cương dán nhãn là mắc bệnh giang mai và bị công khai hồ sơ bệnh án.
Một quan chức của ĐCSTQ ở Tân Cương thì nói về một người phụ nữ Duy Ngô Nhĩ từng làm chứng trước truyền thông về hành vi ngược đại của giới chức Trung Quốc với tù nhân. “Mọi người đều biết về tính cách thấp kém của cô ấy. Cô ấy lười biếng và thích sự an nhàn, cuộc sống riêng tư hỗn loạn, hàng xóm nói rằng cô ấy đã ngoại tình khi ở Trung Quốc”.
Vào ngày 25/2, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trên Twitter đã đăng một hình ảnh của bốn nhân chứng đã bước ra tố cáo ĐCSTQ. Bà Hoa đã phỉ báng họ là những kẻ “vắt óc lừa dối và hành động như những công cụ để phục vụ động cơ của một số quốc gia nhất định nhằm làm tổn hại đến an ninh & ổn định của Tân Cương và ngăn cản sự phát triển của Trung Quốc”.
Một trong những phụ nữ bị phỉ báng trong bài đăng của bà Hoa là Sayragul Sauytbay, người đã mô tả với BBC trong một bài báo công bố ngày 2/2 về trường hợp của một phụ nữ 20 tuổi bị cảnh sát Trung Quốc kéo ra trước khoảng 100 tù nhân và “Sau đó, trước sự chứng kiến của mọi người, cảnh sát đã thay nhau cưỡng hiếp cô ấy”.
Cô Sauytbay cho biết họ làm vậy là để phát hiện những người chống đối. “Họ quan sát kỹ mọi người và đánh dấu bất kỳ ai chống cự, [hoặc có các biểu hiện nh] nắm chặt tay, nhắm mắt hoặc nhìn đi chỗ khác, những người này sẽ bị bắt và phạt”.
‘Không liên quan gì đến khủng bố’
“Thực tế là có rất nhiều phụ nữ trong các trại… những người có vẻ ngoài yếu ớt, không giống những người ưa bạo lực, điều này cho thấy đúng là họ không liên quan gì đến khủng bố”, James Millward, giáo sư lịch sử Trung Quốc tại Đại học Georgetown nói với Reuters.
Ông Millward cho rằng ĐCSTQ khó chịu với những phụ nữ đã lên tiếng kể lại trải nghiệm của họ trong các trại cải tạo ở Tân Cương là vì những phụ nữ này đã phá vỡ hệ thống tuyên truyền biện minh cho những lừa dối của Bắc Kinh tại vùng đất tự trị.
ĐCSTQ nỗ lực làm mất uy tín của những người tố giác trong bối cảnh cả Chính quyền Trump và Biden đã xác nhận tội ác diệt chủng do ĐCSTQ thực hiện chống lại người Duy Ngô Nhĩ, bên cạnh việc Canada đã thông qua một nghị quyết lên án tội ác diệt chủng của ĐCSTQ vào cuối tháng Hai.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với Reuters rằng những lời phàn nàn về các hành động của ĐCSTQ ở Tân Cương đến từ những người được gọi là “lực lượng chống Trung Quốc”, những người “phớt lờ thực tế và sự thật và cố ý bịa đặt tất cả các loại dối trá liên quan đến Tân Cương”. ĐCSTQ tuyên bố, “Mọi người thuộc tất cả các nhóm dân tộc ở Tân Cương, bao gồm cả phụ nữ Tân Cương, sống và làm việc trong hòa bình và mãn nguyện”.
Cảnh quay bằng máy bay không người lái từ khu vực này đã được đăng trên Youtube vào tháng 9/2019 cho thấy các lực lượng vũ trang Trung Quốc hộ tống hàng chục nam giới không phải người Trung Quốc cạo trọc đầu, bịt mắt và mặc áo khoác màu tím từ một đoàn tàu nơi họ được buộc phải ngồi xếp bằng, cúi đầu dưới ánh mặt trời trước khi các nhóm tù nhân được hộ tống đi bộ qua cổng.
Một báo cáo năm 2019 của The Guardian dẫn lời một chuyên gia từ Viện Chính sách Chiến lược Australia xác nhận video được quay tại Tân Cương.
Vào tháng 7/2020, Viện Jamestown đã công bố một báo cáo của Tiến sĩ Adrien Zenz, một thành viên cao cấp tại Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản. Tiến sĩ Zenz phát hiện rằng ĐCSTQ đang sử dụng một chiến dịch cưỡng bức triệt sản và đặt vòng tránh thai chống lại người Duy Ngô Nhĩ, khiến tỷ lệ sinh ở một khu vực của Tân Cương giảm xuống đáng kinh ngạc với mức giảm 84% từ năm 2015 đến 2018.
Tiến sĩ Zenz cho biết trong báo cáo của mình: “Các văn bản của chính phủ quy định thẳng thừng rằng vi phạm kiểm soát sinh sản có thể bị trừng phạt bằng cách bị bắt giam’”.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng một bài báo đáp trả, nói rằng chính sách đối với phụ nữ Duy Ngô Nhĩ của chính quyền là một chiến thắng cho nữ quyền, và tuyên bố rằng “chủ nghĩa cực đoan đã kích động mọi người chống lại kế hoạch hóa gia đình và việc xóa sổ nó đã mang lại cho phụ nữ Duy Ngô Nhĩ quyền tự chủ hơn khi quyết định có con hay không”.
“Trong quá trình xóa bỏ chủ nghĩa cực đoan, tâm trí của phụ nữ Duy Ngô Nhĩ được giải phóng, bình đẳng giới và sức khỏe sinh sản được thúc đẩy, khiến họ không còn là những cỗ máy sinh con”, China Daily, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, viết.