Tâm Thanh
Gần đây, một phóng viên nước ngoài đã hỏi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên về lo ngại rằng, Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể tấn công Đài Loan trong 6 năm tới. Tuy nhiên, ông Triệu đã không trả lời thẳng vào vấn đề, mà quay lại phản pháo Hoa Kỳ, chuyển chủ đề sang quan hệ Trung – Mỹ, theo Epoch Times.
Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 10/3, một phóng viên của tờ Agence France-Presse đã đặt câu hỏi với ông Triệu Lập Kiên rằng: “Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ – Davidson lo ngại Trung Quốc có thể xâm lược Đài Loan trong 6 năm tới. Vào hồi tháng Giêng, Bộ Quốc phòng Trung Quốc (CPC) cũng tuyên bố Đài Loan độc lập đồng nghĩa với chiến tranh. Ông có phản ứng như thế nào về nhận xét của ngài Davidson?”
Trong phần trả lời của mình, ông Triệu hoàn toàn không đề cập đến mối lo ngại vấn đề ĐCSTQ có thể tấn công Đài Loan trong 6 năm tới. Khi đề cập đến Đài Loan, ông chỉ nói rằng: “Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố lập trường về vấn đề Đài Loan”.
Sau đó, ông chỉ tay về phía Hoa Kỳ và nhấn mạnh, một số người ở Hoa Kỳ đang viện cớ để Hoa Kỳ tăng chi tiêu quân sự và mở rộng sức mạnh quân sự.
Ông Triệu tiếp tục bằng cách chuyển chủ đề sang quan hệ Trung – Mỹ, nói rằng “Hoa Kỳ nên từ bỏ chiến tranh lạnh, nhìn nhận sự phát triển và xây dựng quốc phòng của Trung Quốc một cách khách quan và lý tính, đồng thời làm nhiều việc hơn nữa có lợi cho sự tin cậy lẫn nhau giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Hôm thứ Ba (9/3), Đô đốc Hoa Kỳ kiêm chỉ huy bộ Tư lệnh khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương – Philip Davidson đã dự đoán Trung Quốc có thể xâm lược Đài Loan trong vòng 6 năm tới.
Ông phát biểu: “Đài Loan rõ ràng là một phần trong tham vọng của họ. Tôi nghĩ mối đe dọa sẽ đến trong thập kỷ này, trên thực tế là trong 6 năm tới… Tôi lo lắng rằng họ [Trung Quốc] đang tăng tốc tham vọng thay thế Hoa Kỳ và vai trò lãnh đạo của chúng tôi trong trật tự quốc tế theo luật”. Ông cũng đề cập đến việc trước đây ĐCSTQ đã mô phỏng các cuộc tấn công vào đảo Guam của Hoa Kỳ.
Trước cuộc gặp cấp cao Mỹ – Trung, ĐCSTQ cảnh báo Mỹ về Đài Loan
Cuộc họp báo nói trên của ông Triệu Lập Kiên diễn ra trước khi bế mạc 2 khóa họp của ĐCSTQ và trước khi các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc và Hoa Kỳ chuẩn bị cho cuộc họp vào tuần tới.
Trong 2 kỳ họp của ĐCSTQ, tuyên bố của các quan chức ĐCSTQ về Đài Loan vẫn dựa trên nguyên tắc “một Trung Quốc” và “Đồng thuận năm 1992”. Trong đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nhiều lần nâng Đài Loan và Hoa Kỳ lên cạnh nhau.
Ví dụ, tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc ngày 7/3, ông Vương Nghị tuyên bố rằng, chính quyền Biden không nên “vượt qua lằn ranh” hay “đùa với lửa” về vấn đề Đài Loan. Tại cuộc họp báo ngày 8/3, đề cập đến vấn đề Đài Loan, ông Vương tiếp tục nói rằng, “nguyên tắc một Trung Quốc là nền tảng chính trị của Hoa Kỳ và Trung Quốc, và là một lằn ranh đỏ không thể vượt qua”.
Tuy nhiên, thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki sau đó cho biết: “Lập trường của chúng tôi với Đài Loan luôn rõ ràng: Chúng tôi luôn sát cánh cùng với bạn bè và đồng minh… Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục trợ giúp Đài Loan duy trì đầy đủ khả năng tự vệ”.
Nhìn nhận về mối quan hệ Trung – Mỹ, nhà bình luận hải ngoại Dương Uy phân tích rằng, ĐCSTQ rất phụ thuộc vào Hoa Kỳ, nhưng thay vì yêu cầu giúp đỡ và hợp tác, ĐCSTQ lại tỏ thái độ cưỡng chế mạnh mẽ nhằm mục đích khiến chính quyền Biden phải khuất phục càng sớm càng tốt.
Vào ngày 9/3 trước khi bế mạc 2 kỳ họp của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng ông sẽ “chuẩn bị toàn quân cho chiến tranh”.
Tần Bằng, một nhà bình luận về các vấn đề thời sự ở Mỹ phân tích rằng, hành động của ông Tập nói rộng ra là để cho đảng nghe thấy, với mục tiêu là thể hiện mình có sức mạnh quân sự khiến đối thủ phải e sợ, đồng thời, cũng bộc lộ rõ tham vọng của ĐCSTQ đối với các cuộc xung đột bên ngoài.
Đáp lại hành động khiêu khích của ĐCSTQ đối với Đài Loan, Khưu Thùy Chính – phó chủ tịch kiêm phát ngôn viên của Ủy ban các vấn đề Đại lục và Đài Loan cho biết vào ngày 11/3 rằng, dư luận Đài Loan không chấp nhận điều này và đặt câu hỏi về “nguyên tắc một Trung Quốc trong Đồng thuận năm 1992” được xác định bởi chính quyền Bắc Kinh.