Trần Kiên
Từ chiều đến tối ngày 14/3, hơn 10 nhà máy tại các khu công nghiệp khác nhau ở thành phố Yangon, Myanmar, đã bị phóng hỏa và đập phá. Hầu hết các công ty liên quan là doanh nghiệp do Trung Quốc tài trợ hoặc Liên doanh Trung-Myanmar, trong đó chủ yếu là xưởng may gia công, phụ liệu và xưởng thiết bị phụ trợ. Vụ việc khiến nhiều công nhân bị thương.
Theo thông tin chính thức của các phương tiện truyền thông Trung Quốc, vào khoảng 13h50 ngày 14/3, hai nhà máy may mặc do Trung Quốc tài trợ đã bị phóng hỏa tại Khu công nghiệp Laydaya, ngoại ô Yangon, Myanmar. Trong toàn bộ quá trình, phân xưởng sản xuất, nhà kho, ký túc xá và xe cộ đã bị đốt phá. Hiện vẫn chưa xác định được danh tính của kẻ phóng hỏa.
Trong một đoạn video lan truyền trên mạng, có thể thấy trong một nhà máy, nhiều cửa kính bị đập vỡ, ngọn lửa bùng phát và khói dày đặc. Trong video, có người vội vàng cầm bình cứu hỏa chạy tới dập lửa, có người hô to bằng tiếng Trung: “Nhanh dập [lửa], Nhanh dập [lửa].”
Một người làm việc trong ngành dệt may ở Myanmar đã nói với Thời báo Hoàn cầu, phương tiện truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐSCTQ), vào ngày 14/3 rằng trong hai công ty đầu tiên bị đập phá và phóng hỏa; một công ty là liên doanh Trung-Myanmar sản xuất quần áo. Công ty còn lại có tên là Meijie, là một doanh nghiệp dệt may do Trung Quốc tài trợ, chuyên sản xuất phụ kiện quần áo.
Nhân viên này cho biết, anh ta đã nhận được phản hồi từ nhiều công ty do Trung Quốc tài trợ rằng hơn 20 công ty đã bị đập phá, phá hủy và phóng hỏa ở các mức độ khác nhau.
Epochtimes đưa tin, theo báo cáo, khu công nghiệp Laydaya nằm ở ngoại ô phía tây Yangon là khu công nghiệp phát triển sớm nhất ở vùng Yangon. Nơi này thu hút lượng lớn các doanh nghiệp do Trung Quốc đến đầu tư và xây dựng nhà máy, chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp nhẹ như hàng dệt và quần áo.
Sau đó vào ngày 14/3, Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar đã ra thông báo xác nhận rằng nhiều nhà máy của Trung Quốc tại Khu công nghiệp Laydayah ở Yangon đã bị đập phá, cướp bóc và đốt phá. Nhiều nhân viên Trung Quốc bị thương và một số nhân viên mắc kẹt.
Sau cuộc đảo chính của quân đội Myanmar, quân đội nước này đã tự ý đàn áp, thậm chí bắn chết những người biểu tình ôn hòa trong thành phố, ít nhất 80 người đã thiệt mạng.
Công chúng đã đặt câu hỏi về sự hỗ trợ của ĐCSTQ đối với quân đội Myanmar trong việc tiến hành đảo chính và trút giận vào các công ty địa phương của Trung Quốc. Ngay từ tháng 2, công nhân Myanmar ở Yangon đã bao vây Khu công nghiệp may mặc Cathay Pacific ở địa phương.
Ông Chen, một nhà sản xuất quần áo ở Myanmar, nói với Đài Á Châu Tự Do rằng việc ĐCSTQ tiếp viện phát động chính biến với quân đội Myanmar, cung cấp vật tư và hỗ trợ kỹ thuật cho quân đội bao gồm cả việc cắt toàn bộ liên lạc dữ liệu di động và Internet đã làm dấy lên sự giận dữ của người Hoa ở địa phương. .
Theo Reuters, một nhóm người biểu tình ở Myanmar đã hô khẩu hiệu “Đốt đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Trung Quốc” trên tuyến đường ống dẫn khí của Trung Quốc những ngày gần đây vì nghi ngờ rằng ĐCSTQ đang tài trợ cho quân đội Myanmar để đàn áp những người biểu tình.
Đường ống này được khai trương vào năm 2013 và là nguồn cung cấp dầu thô duy nhất cho nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc China National Petroleum Corporation ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam.
Sự gia tăng tâm lý chống Trung khiến không chỉ giới kinh doanh Myanmar mà các doanh nhân Trung Quốc cũng băn khoăn về sự gia tăng đầu tư vào Myanmar của Trung Quốc trong những năm gần đây. Bắc Kinh đã dành hàng tỷ USD cho nước láng giềng chiến lược này trong kế hoạch cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường”.
Một tài liệu bị rò rỉ từ chính phủ Myanmar trong cuộc họp ngày 24/2 cho thấy các quan chức Trung Quốc (ĐCSTQ) đã yêu cầu chính quyền quân sự Myanmar tăng cường bảo vệ các đường ống dẫn dầu và khí đốt của Trung Quốc. ĐCSTQ cũng yêu cầu cung cấp thông tin tình báo về các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số ở các khu vực dọc tuyến đường. Ngay khi biết tin, người dân Miến Điện đã biểu tình phản đối đường ống dẫn dầu và khí đốt.
Mặc dù ĐCSTQ đã nhiều lần từ chối rằng nó liên quan đến việc hỗ trợ quân sự cho quân đội Myanmar, nhóm công dân Justice for Myanmar đã đưa ra báo cáo vào tháng 2 chỉ ra các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc là những nhà cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự lớn nhất cho quân đội Myanmar.
Trong đó, năm nhà cung cấp vũ khí lớn nhất được liệt kê là Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc (NORINCO), Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), Tập đoàn Công nghiệp & Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC), và Tổng công ty Xuất nhập khẩu Công nghệ Hàng không Quốc gia Trung Quốc (CATIC).