An Liên
Cuộc họp cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được tổ chức tại Alaska từ ngày 18-19/3. Trong cùng thời điểm diễn ra cuộc gặp, ĐCSTQ sẽ tiến hành một “phiên tòa xét xử” đối với hai công dân Canada bị bắt tại đại lục để trả đũa việc Canada bắt Mạnh Vãn Châu vì nhận yêu cầu dẫn độ của Mỹ vào năm 2018. Điều này đang làm nổi bật cách tiếp cận “ngoại giao con tin” của ĐCSTQ, theo Epoch Times.
VOA ngày 18/3 đưa tin Bộ Ngoại giao Canada ra thông cáo ngày 17/3 nêu rõ: “Đại sứ quán của chúng tôi tại Bắc Kinh nhận được thông báo rằng các phiên tòa xét xử Michael Spavor và Michael Kovrig sẽ được tổ chức lần lượt vào ngày 19 và 22/3”.
Tuyên bố cho biết: “Chúng tôi tin rằng việc giam giữ họ là tùy tiện, và chúng tôi tiếp tục quan ngại sâu sắc bởi sự thiếu minh bạch trong các thủ tục pháp lý liên quan (ĐCSTQ)”.
Ngày 19/3, theo giờ Bắc Kinh là ngày đầu tiên diễn ra cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Mỹ và Trung Quốc tại Alaska. Cùng ngày, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan sẽ có cuộc gặp với Dương Khiết Trì, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương ĐCSTQ và Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ Vương Nghị. Đây là cuộc họp cấp cao đầu tiên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong chính quyền Biden.
Báo cáo trích dẫn một phân tích rằng việc ĐCSTQ chọn thời điểm bắt đầu phiên tòa xét xử hai công dân Canada vào ngày này là động thái của Bắc Kinh nhằm gia tăng sức ép lên Mỹ và gia tăng vị thế thương lượng trước cuộc đối thoại cấp cao Trung-Mỹ.
Hai công dân Canada, Spavor và Kovrig, lần lượt là doanh nhân và cựu nhân viên ngoại giao Canada, họ đã bị ĐCSTQ bắt giữ vào cùng ngày 11/12/2018. Mười ngày trước đó, chính phủ Canada đã bắt giữ Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Huawei, người đang quá cảnh tại Vancouver, theo yêu cầu dẫn độ từ Hoa Kỳ.
Vụ kiện của Hoa Kỳ đối với Mạnh Vãn Châu bao gồm việc lừa dối Bank of America và vi phạm các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran. Vào ngày 27/5/2020, Tòa án Tối cao British Columbia, Canada, xác định rằng Mạnh Vãn Châu là một tội phạm kép, có nghĩa là các cáo buộc liên quan đến Mạnh Vãn Chây là hành vi phạm tội ở cả Hoa Kỳ và Canada.
Một tháng sau khi Canada kết án Mạnh Vãn Châu, ĐCSTQ đã truy tố hai công dân Canada về tội “do thám bí mật nhà nước và tình báo ở nước ngoài” và “đánh cắp và cung cấp trái phép bí mật nhà nước cho nước ngoài”.
Theo báo cáo của Bưu điện Quốc gia Canada vào ngày 19/12/2018, sau hai người trên, ĐCSTQ đã bắt giữ một công dân Canada thứ ba, nhưng do vấn đề riêng tư nên không cung cấp thêm thông tin.
Vụ việc ĐCSTQ sử dụng công dân Canada như một con bài mặc cả để tiến hành chiến lược “ngoại giao con tin” đã làm dấy lên phản ứng mạnh mẽ từ người dân Canada và sự phẫn nộ đối với ĐCSTQ.
Cuộc thăm dò dư luận mới nhất được thực hiện bởi Macdonald Laurier Institute (MLI), một tổ chức tư vấn độc lập của Canada, vào đầu tháng 3 cho thấy dư luận chính thống tin rằng chính phủ nên sát cánh cùng các nền dân chủ trên thế giới để cùng ứng phó với những thách thức của ĐCSTQ. Trong số đó, hơn 2/3 số người được phỏng vấn ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa Canada và các nước dân chủ trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Đài Loan.
Vào ngày 25/2 năm nay, hơn 50 quốc gia trên thế giới đã ký “Tuyên bố chống giam giữ tùy tiện trong quan hệ giữa các quốc gia” do Canada dẫn đầu, phản đối một số quốc gia bắt giữ công dân nước ngoài như một con bài thương lượng ngoại giao.