Sau khi EU trừng phạt các quan chức ĐCSTQ về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, ĐCSTQ đã ngay lập tức công bố các lệnh trừng phạt trả đũa vào ngày 22/3, làm dấy lên sự bất mãn giữa các nước thành viên EU. Các quốc gia như Pháp, Đức, Bỉ, Đan Mạch và Hà Lan đã triệu tập các đại sứ của ĐCSTQ để phản đối các hành động của ĐCSTQ.
Danh sách trừng phạt của ĐCSTQ bao gồm 10 cá nhân và 4 cơ quan châu Âu. Đây được coi là động thái đáp trả sau khi EU trừng phạt 4 quan chức chính quyền Tân Cương cùng Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC), liên quan đến cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và những nhóm Hồi giáo thiểu số khác ở khu tự trị này. Đây là lần đầu EU trừng phạt Trung Quốc kể từ sau lệnh cấm vận vũ khí năm 1989.
Để đối phó với các lệnh trừng phạt của ĐCSTQ, các quốc gia thành viên EU là Bỉ, Đan Mạch, Pháp và Đức lần lượt triệu tập các đại sứ Trung Quốc tại nước sở tại vào thứ Ba (23/3). Hà Lan đã triệu tập đại sứ Trung Quốc vào thứ Hai (22/3).
Truyền thông Bỉ Knack đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ Sophie Wilmès hôm thứ Hai cho biết ông phản đối mạnh mẽ các lệnh trừng phạt của chính quyền Trung Quốc đối với các thực thể EU và các nghị sĩ châu Âu. Đáp lại, Bộ Ngoại giao đã triệu tập Cao Trung Minh, đại sứ Trung Quốc.
Ngoài ra, AFP dẫn lời một nguồn tin xác nhận rằng chính phủ Bỉ đã triệu tập Cao Trung Minh vào hôm thứ Ba.
Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố rằng Đức cũng đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để “đàm phán khẩn cấp”.
“Đại sứ Trung Quốc Ngô Khẩn đã được triệu tập để có một cuộc họp khẩn cấp với Ngoại trưởng Miguel Berger”, Bộ Ngoại giao Đức cho biết.
Bộ Ngoại giao Đức nói thêm rằng ông Berger “bày tỏ rõ ràng quan điểm của chính phủ Đức rằng các lệnh trừng phạt của Trung Quốc đối với các nghị sĩ, nhà khoa học, tổ chức chính trị châu Âu, và các tổ chức phi chính phủ thể hiện một sự leo thang không phù hợp, điều này đã làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc một cách không cần thiết”.
Bộ Ngoại giao Đan Mạch tuyên bố rằng sau khi Bắc Kinh áp đặt các lệnh trừng phạt, Đan Mạch cũng đã triệu tập đại sứ Trung Quốc. Các lệnh trừng phạt của ĐCSTQ bao gồm “Liên minh các nền dân chủ” (Alliance of Democracies) được thành lập bởi Anders Fogh Rasmussen, cựu Thủ tướng Đan Mạch và cựu Tổng thư ký NATO.
Bộ Ngoại giao Đan Mạch nói rằng Đại sứ Trung Quốc đã được thông báo tại Bộ Ngoại giao Đan Mạch rằng Đan Mạch không hài lòng với những hành động này của ĐCSTQ. “Khi Trung Quốc trừng phạt các chính trị gia, thể chế và nhà bất đồng chính kiến châu Âu chỉ vì họ chỉ trích Trung Quốc, rõ ràng đó là một đòn tấn công vào quyền tự do ngôn luận của công dân châu Âu và Đan Mạch”, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Jeppe Kofod cho biết trong một tuyên bố.
Ông Kofod cũng nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt mà ĐCSTQ áp đặt khác với các lệnh trừng phạt mà Liên minh châu Âu áp đặt.
Ông nói: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt của EU chỉ ảnh hưởng đến các quan chức Trung Quốc (ĐCSTQ), những người chịu trách nhiệm trực tiếp về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.
Reuters dẫn một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Pháp hôm thứ Ba cho biết rằng Pháp cũng đã triệu tập đại sứ của Trung Quốc Lư Sa Dã vào thứ Ba, nhấn mạnh rằng những lời lăng mạ và đe dọa của ĐCSTQ đối với các nghị sĩ Pháp và một nhà nghiên cứu là “không thể chấp nhận được”, đồng thời phản đối quyết định của Bắc Kinh xử phạt một số quan chức châu Âu.
Ngoài ra, Hà Lan đã triệu tập đại sứ của Trung Quốc tại The Hague vào thứ Hai để phản đối các lệnh trừng phạt của ĐCSTQ đối với thành viên quốc hội Hà Lan Sjoerd Sjoerdsma.