Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, có ít nhất 15 người chết và 400 người mất tích sau một vụ cháy lớn ở trại tị nạn của người Rohingya tại Bangladesh. Ngoài ra, vụ cháy còn làm 550 người bị thương và 45.000 người phải tháo chạy, hãng tin Reuters dẫn số liệu từ Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 23/3 cho biết.
Theo Reuters, ngọn lửa đã bùng lên tại trại Balukhali gần thị trấn Cox’s Bazar về phía đông nam vào cuối ngày 22/3, thiêu rụi hàng nghìn túp lều trong khi mọi người cố vớt vát chút tài sản ít ỏi của mình.
Trại Balukhaila là một trong những trại đông đúc nhất với hàng chục nghìn người tị nạn từ Myanmar ở huyện Cox’s Bazar. Lều của người tị nạn làm từ tấm tôn phế liệu, nhựa và bìa carton nên rất dễ cháy.
“Mọi thứ đã biến mất. Hàng nghìn người giờ đây không có nhà ở”, Aman Ullah, một người tị nạn Rohingya từ trại Balukhali, nói với Reuters, “Ngọn lửa đã được kiểm soát sau sáu giờ, nhưng khói vẫn bốc lên suốt đêm tại một số khu vực của trại”.
Ông Mohammad Mohsin, thư ký của Bộ Quản lý và Cứu trợ Thiên tai, cho biết khoảng 40.000 túp lều trong trại đã bị thiêu rụi. Hai bệnh viện lớn của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị phá hủy.
Ông Johannes Van der Klaauw, đại diện của UNHCR tại Bangladesh, cho biết: “Đám cháy rất lớn, đám cháy rất dữ dội. Vẫn còn 400 người mất tích, họ có thể vẫn ở đâu đó trong đống đổ nát”. Hiện các nhân viên cứu hộ cũng như gia đình có người bị mất tích đang tìm kiếm các nạn nhân.
Ông Van der Klaauw cho biết UNHCR đã ghi nhận 15 trường hợp tử vong, hơn 550 người bị thương và khoảng 45.000 người phải tháo chạy.
Ông Sanjeev Kafley – hội trưởng Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Bangladesh – cho biết hơn 17.000 nơi trú ẩn tại trại tị nạn đã bị phá hủy và hàng chục nghìn người phải tháo chạy.
Ông Kafley cho biết hơn 1.000 nhân viên và tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ đã phối hợp với lực lượng cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa. Toàn bộ khu tị nạn gồm bốn khu vực với khoảng 124.000 người.
Theo ông Kafley, con số này chiếm khoảng 1/10 trong tổng số ước tính một triệu người Rohingya tị nạn trong khu vực.
“Tôi đã ở Cox’s Bazar được ba năm rưỡi và chưa bao giờ chứng kiến một đám cháy như vậy. Những người này đã bị di dời hai lần. Đối với nhiều người, họ không còn lại gì cả”, ông Kafley chia sẻ.
Hiện nguyên nhân của vụ cháy đang được nhà chức trách Bangladesh điều tra làm rõ.