Ngọc Lan
Khẩn cầu mẹ cho “ngủ một lát” nhưng không được, cậu bé đành quay trở lại với bài tập trên lớp. Thế nhưng, đây cũng là câu nói cuối cùng của cậu bé 11 tuổi trước khi gục chết trên bàn học.
Aboluowang đưa tin, một bệnh viện thành phố tiếp nhận cậu bé 11 tuổi bất tỉnh. Dù nỗ lực cấp cứu song bác sĩ không kéo được cậu học trò nhỏ khỏi lưỡi hái tử thần. Theo lời kể của bà mẹ, hôm đó đứa trẻ đang làm bài tập được giao ở lớp học thêm. Cậu bé có nói hơi mệt và muốn ngủ một lát. Nhìn đồng hồ chỉ 22h, mẹ giục cậu hoàn thành nhanh rồi đi ngủ.
Một lát sau, cậu bé lại ngẩng đầu lên nói với mẹ: “Mẹ ơi, con ngủ một lát rồi làm tiếp nhé!”. Nói xong, cậu nằm vật ra bàn. Mẹ không ngạc nhên vì điều này, bà còn dặn con hãy ngồi dậy và tiếp tục viết tiếp. Nửa tiếng sau, bà mẹ vào phòng học thấy con trai vẫn nằm gục trên bàn. Bà lay cậu bé dậy, thế nhưng, dù đánh thức kiểu gì cậu bé vẫn bất động.
Trong cơn hoảng loạn, vợ chồng vội đưa con tới bệnh viện. Thật không ngờ, lời khẩn cầu xin ngủ một lát của cậu cũng chính là lời trăn trối cuối cùng. Tại bệnh viện, bác sĩ thông báo cậu bé bị đột tử do căng thẳng trong thời gian dài.
Nghe những lời này, mẹ cậu ngồi sụp xuống đất. Bà tự trách bản thân đã gây ra cái chết nghiệt ngã của con. Nếu bà không ghi danh con vào lớp học thêm, không yêu cầu con làm bài tới kiệt sức thì cậu bé đã không ra đi tức tưởi.
Sau khi được chia sẻ, sự việc của cậu bé khiến nhiều người thương cảm. Một tài khoản trên mạng xã hội bình luận: “Xã hội cạnh tranh gay gắt, cha mẹ chịu nhiều áp lực. Con cái cũng trở thành nạn nhân, trả giá cho những sức ép của cha mẹ”.
Một ‘cọp mẹ’ Trung Quốc bảo vệ lịch học khắc nghiệt 16 giờ/ngày của con
Vào năm 2011, một giáo sư luật của đại học Yale, Amy Chua từng chia dư luận thành hai phe với cuốn sách của bà “Bài ca chiến đấu của Cọp Mẹ”, trong đó đặt ra một chương trình kỷ luật nghiêm khắc đáng kinh ngạc dành cho con cái.
Tại thời điểm này, một “cọp mẹ” ngoài đời thực ở Trung Quốc đã công bố trực tuyến thời gian biểu cô bắt cậu con trai 9 tuổi của mình phải theo mỗi ngày.
Đáp lại những ý kiến bày tỏ sự phẫn nộ, cô vẫn bảo vệ lịch trình 16 tiếng này một cách mạnh mẽ.
Tân Hoa Xã, một phương tiện truyền thông nhà nước tường thuật vào ngày 3/3 rằng cô Lưu, một cư dân của quận Nan’an ở Trùng Khánh cho biết: “Một số người nghĩ rằng tôi bị bệnh, nhưng tôi đã từng thảo luận việc này với các bạn học cũ ở Đại học Bắc Kinh, và tất cả họ đều nghĩ rằng việc này khá bình thường.”
Theo thời khóa biểu, thì con trai cô Lưu có chuông báo thức vào lúc 5h sáng mỗi ngày. 6h là lúc cháu đọc văn học cổ Trung Quốc. Sau đó, cháu đến trường, nhưng khi quay về nhà, việc học của cháu vẫn tiếp tục đến tận 10h và đi ngủ vào 11h.
Vào những ngày thường trong tuần, cậu bé 9 tuổi còn những bài học thêm tiếng Anh vào buổi tối. Vào cuối tuần, cậu còn học piano, thư pháp Trung Quốc, taekwondo, bơi lội, thực hành cờ vây, khiêu vũ Latin và thêm các bài tập toán học để chuẩn bị cho thi Olympic Toán quốc tế.
Cô Lưu chỉ cho con trai một lần”nghỉ” duy nhất là 30 phút vào buổi tối để xem Xinwen Lianbo, một chương trình tin tức hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Cô Lưu, một cựu sinh viên đại học 30 tuổi của trường Đại học Bắc Kinh, giải thích: “Điều quan trọng là các em có ý thức về thời gian và tự kỷ luật. Trên thực tế, đây là cách tôi đã được nuôi dưỡng; cha tôi ở trong quân đội, và ông cũng nuôi dạy tôi theo cách này.”
Cô Lưu nói thêm rằng tất cả việc học mà cô bắt con trai mình hoàn thành có những ứng dụng thực tiễn: ví dụ, viết thư pháp tiếng Trung Quốc giúp con trai cô rèn luyện tâm tính, trong khi những bài học về piano và khiêu vũ sẽ hỗ trợ con trai cô trong quan hệ với đối tác trong tương lai.
Đối với những lời chỉ trích rằng con cô có thể không được ngủ đủ giấc, cô Lưu nói rằng sáu tiếng là đủ, và cháu cũng không bao giờ ngủ gật trong trường học. Cô hoan nghênh các phụ huynh khác làm theo phương thức nuôi dưỡng con cái như cô, vì “người ta có thể điều chỉnh đồng hồ sinh học của mình”.
“Để có một tương lai dễ dàng hơn, tốt hơn là có một tuổi thơ chịu đựng khó khăn, thử thách nhiều hơn”, cô Lưu nói. “Cha tôi có lần đã nói rằng học tập là tất cả những gì trẻ em nên làm! Nếu không, xã hội sẽ loại chúng ra”.
Một cư dân mạng ở Tứ Xuyên nói rằng việc cô Lưu buộc con mình “xem Xinwen Lianbo mỗi ngày thực sự đáng ngạc nhiên”. Chương trình tin tức này đã từng bị chỉ trích nặng nề là dạng tuyên truyền trắng trợn.
Có nhiều câu chuyện tương tự tại Việt Nam, cha mẹ muốn con mình cái gì cũng đứng nhất, nên môn nào cũng cho đi học thêm và hành trình một ngày là liên tục đi học và đi từ hết lớp này đến lớp khác. Nhiều em sau khi đi học chính và học thêm về, vẫn còn phải tiếp tục học bài trong lớp cho đến khi nào xong thì mới được bước lên giường ngủ. Có lần, một cô bé từng nói “con không hiểu con sinh ra trong cuộc đời này để làm gì nữa, nhiều khi con chỉ muốn chết đi cho xong”.
Chế độ dạy dỗ hà khắc có thể dẫn đến nhiều bi kịch, đã có nhiều trường hợp đứa trẻ không chịu đựng nổi áp lực và tìm đến cái chết. Mỗi người có một số phận, một cuộc đời, liệu cha mẹ có thể thay đổi vận mệnh của con cái mình bằng cách áp dụng chế độ giáo dục hà khắc hay không, hay họ đang thoả mãn chính sự tranh đua của mình với các cha mẹ khác?
Ngọc Lan
(T/H từ Kiến Thức và Epoch Times)