Vũ Dương
Một kiểu “Nghĩa Hòa Đoàn” trong giới nghệ sĩ Trung Quốc được sử dụng để thực hiện các mưu đồ chính trị của chính quyền. Có cư dân mạng bày tỏ: “Giới nghệ sĩ Trung Quốc thật là khổ. Không có phim để đóng, ngay cả doanh thu quảng cáo cũng bị buộc phải cắt giảm”.
Trong mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Trung Quốc và châu Âu, một số thương hiệu thời trang lớn như H&M, Nike, Adidas, Uniqlo… đã trở thành mục tiêu của các kênh truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì tuyên bố không sử dụng bông Tân Cương.
Các kênh truyền thông của ĐCSTQ không chỉ “xúi giục” người dân cả nước tẩy chay các thương hiệu này đã nổ ra ở khắp Trung Quốc, mà còn phát động một chiến dịch lấy ý kiến dư luận nhằm buộc những người nổi tiếng vốn quảng bá cho các thương hiệu khác nhau phải tỏ rõ thái độ, vạch rõ ranh giới. Mới đây, ít nhất 50 nghệ nổi tiếng trong giới showbiz Hoa ngữ đã tuyên bố rằng họ sẽ “cắt đứt” với các thương hiệu này, làm dấy lên thảo luận sôi nổi.
Vào ngày 24/3, tài khoản Weibo của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản của ĐCSTQ đã đăng lại tuyên bố “không dùng bông Tân Cương” từ nửa năm trước của thương hiệu thời trang Thụy Điển H&M để phản đối hành vi đàn áp nhân quyền đối với người dân tộc thiểu số sinh sống ở khu tự trị này. Sau đó, các kênh truyền thông của ĐCSTQ đã phát động một cuộc oanh tạc toàn diện nhằm vào H&M, kêu gọi người dân cả nước tẩy chay, nhiều nền tảng thương mại điện tử ở Trung Quốc đã gỡ bỏ H&M, nhiều cửa hàng H&M bị đóng cửa, ngoài ra các ngôi sao nổi tiếng quảng cáo cho H&M cũng phá bỏ hợp đồng.
Vào 25/3, cơn bão tẩy chay này còn lan rộng sang các thương hiệu khác từng thể hiện sự không đồng tình với hành vi ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Các “nạn nhân” có thể được kể tới là Burberry, Adidas, Nike, New Balance, Converse, Puma, Uniqlo, Tommy Hilfiger…
Những nhân viên làm việc cho các thương hiệu này cũng trở thành mục tiêu của cơn bão tẩy chay ở Trung Quốc. Ví dụ: Một bản ghi lại cuộc trò chuyện được lan truyền trên Internet cho thấy một cư dân mạng đã gọi đến dịch vụ chăm sóc khách hàng trực tuyến của H&M và hỏi cô ấy có phải là người Trung Quốc không?. Sau khi nhận được câu trả lời “có”, anh ta bắt đầu thuyết phục cô thôi việc, nói rằng: “Phục vụ cho công ty này không khác gì kẻ phản bội đất nước”.
Một video khác cho thấy một nhân viên quản lý làm việc trong cửa hàng trực tuyến của Nike, đã bị nhiều cư dân mạng dùng những lời thô tục, thiếu văn hóa mắng chửi. Các nhân viên của Adidas cũng gặp phải những vấn đề tương tự, nhiều nhân viên bị mắng chửi vô cơ đến mức phát khóc.
Cuộc khẩu chiến do các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ phát động không chỉ kích động công chúng tẩy chay mà còn buộc người phát ngôn của nhiều thương hiệu nổi tiếng phải thông báo chấm dứt hợp đồng với các hãng này.
Theo thống kê chưa đầy đủ của phóng viên Thời báo Epochtimes, chỉ riêng ngày 25/3, ít nhất 50 người nổi tiếng trong giới showbiz đã thông báo chấm dứt hợp đồng với nhãn hàng nêu trên, các nghệ sĩ Trung Quốc gồm: Dương Mịch, Địch Lệ Nhiệt Ba, Đặng Luân, Tống Thiến, Lưu Diệc Phi, Trương Nghệ Hưng, Cổ Lực Na Trát, Lưu Hạo Nhiên, Bạch Kính Đình…
Ngoài ra, các nghệ sĩ Hồng Kông thân ĐCSTQ như: Trần Diệc Tấn,Trần Vỹ Đình, Angela Baby, Vương Gia Nhĩ,… Các nghệ sĩ Đài Loan thân Trung Quốc gồm: Âu Dương Na Na, Bành Vu Yến, Hứa Quang Hán, Trương Quân Ninh,… đều đã tuyên bố “cắt đứt” hợp đồng làm người đại diện của các thương hiệu nói trên.
Những người nổi tiếng trong giới showbiz hoạt động ở Trung Quốc đều chịu sự quản lý nghiêm ngặt của ĐCSTQ về mọi phương diện, sau khi vụ việc xảy ra, họ bắt buộc phải hợp tác với các cơ quan chức năng để nhanh chóng “triệt tiêu” các nhãn hàng. Tuy nhiên, các nghệ sĩ Hồng Kông và Đài Loan cũng nhất loạt cao giọng biểu đạt thái độ trong phong trào tẩy chay nhãn hiệu phương Tây phỏng theo mô thức “Nghĩa Hòa đoàn” do ĐCSTQ phát động, không khỏi khiến một số cư dân mạng cảm thấy không thể hiểu nổi về điều này.
Trên thực tế, tờ “Apple Daily” của Hồng Kông trước đó đã dẫn thông tin rằng Tổng cục Điện ảnh ĐCSTQ đã đưa ra thông báo vào tháng 4 năm ngoái, yêu cầu các nền tảng và công ty điện ảnh lớn cố gắng không sử dụng các nghệ sĩ chưa qua huấn luyện chính trị từ Hồng Kông và Đài Loan. Các nghệ sĩ tham gia biểu diễn bắt buộc phải ký điều khoản tường tận chính trị “đảm bảo đúng đắn tư tưởng” trong 10 năm, các nghệ sĩ sẽ bị yêu cầu bồi thường nếu làm trái hợp đồng, điều này đã gây ra một sự náo động trong công chúng vào thời điểm đó.
Về việc liệu người nổi tiếng có cần phải bồi thường những khoản tiền thiệt hại cao ngất ngưởng cho việc tự ý chấm dứt hợp đồng với thương hiệu hay không, bài viết của Sohu.com vào ngày 25/3 tiết lộ: “Có cần phải bồi thường hay không, bồi thường bao nhiêu, cái đó phải xem hợp đồng được ký vào thời điểm đó”.
Về điều này, có cư dân mạng bày tỏ:
“Cứ tẩy chay đi, người dân không còn gì để ăn nữa. Thất nghiệp hết nhóm này đến nhóm khác”.
“Giới nghệ sĩ Trung Quốc thật là khổ. Không có phim để đóng, ngay cả doanh thu quảng cáo cũng bị buộc phải cắt giảm”.
“Điều này không có gì đáng ngạc nhiên cả, những người này dựa vào gì để sống, dựa vào gì để được nổi tiếng”.
“Giới nghệ sĩ sợ ảnh hưởng đến tiền đồ của mình, sợ bị liệt vào danh đen của ĐCSTQ”.
Cũng có cư dân mạng chỉ ra: “ĐCSTQ đã trói chặt và đe dọa những người nổi tiếng phải đứng ra chống lại châu Âu, chống lại nước Mỹ và các nhân sĩ dân chủ, vậy nên mọi người đừng mắc bẫy của chúng (ĐCSTQ). Nhiều người nổi tiếng bị chúng uy hiếp cũng rất bất đắc sĩ. Nhân sĩ hải ngoại chúng ta nếu phản đối mấy chục người nổi tiếng này, đằng sau họ còn có hàng trăm triệu người hâm mộ, cũng bằng như chúng ta chống lại người dân Trung Quốc. Vậy nên, chúng ta không cần phải công kích những người nổi tiếng đó, nếu chúng ta tấn công những người nổi tiếng này, ĐCSTQ sẽ trói chặt nhiều người nổi tiếng hơn nữa, tóm lại, thứ chúng ta cần nhắm đến là tử huyệt của ĐCSTQ!”.