Dư luận Trung Quốc dậy sóng khi ông Lý Khắc Cường thăm bạn hàng của Nike và Adidas

Thiện Phong

Lý Khắc Cường đến BASF, một nhà máy hóa chất liên doanh Trung-Đức cung cấp nguyên liệu thô cho Nike và Adidas. (Nguồn ảnh: twitter)

Trong chuyến thăm Giang Tô gần đây của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, ông đã đến thăm nhà máy hóa chất liên doanh Trung-Đức “BASF”, chuyên cung cấp nguyên liệu thô cho Nike và Adidas, điều này đã thu hút sự chú ý của rất nhiều công chúng. Tuy nhiên, báo cáo từ phương tiện truyền thông của ĐCSTQ, không đề cập nhiều đến chuyến đi này của ông Lý Khắc Cường, theo Vision Times.

Vào ngày 25/3 vừa qua, ông Lý Khắc Cường đã có chuyến thị sát ở Giang Tô, sang ngày 26, ông đã đến thăm nhà máy BASF ở Nam Kinh. Theo một báo cáo của Đài Á Châu Tự Do (RFA), ông Lý Khắc Cường đã nói với các nhà quản lý của BASF rằng: “Các bạn càng đầu tư nhiều vào đất nước chúng tôi, càng được khấu trừ thuế, chúng tôi càng hạnh phúc. Điều này sẽ kích thích hiệu quả sự đổi mới của doanh nghiệp và thúc đẩy nâng cấp công nghiệp”.

Trên Weibo, nhiều người đã đăng hình ảnh và video về chuyến thăm nhà máy BASF của Lý Khắc Cường. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ gần như không đưa tin về chuyến thăm này. Nếu có đưa, thì nó cũng chỉ xoay quanh vấn đề liên quan đến “Hội nghị chuyên đề về tình hình kinh tế” mà Lý Khắc Cường đã tham dự hôm thứ Sáu. 

Hiện tại Nike và Adidas, cùng nhiều thương hiệu nước ngoài nổi tiếng khác, đang bị giới chức chính quyền ĐCSTQ kích động người dân kịch liệt tẩy chay vì có “thái độ” hùa theo phương Tây lên án Bắc Kinh diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bằng việc không nhập bông của khu tự trị này.

Việc ông Lý Khắc Cường thăm các công ty nước ngoài vào thời điểm nhạy cảm này đã làm dậy sóng dư luận. Một số nhà phê bình cho rằng Lý Khắc Cường đang gửi đi một tín hiệu, rằng ông khác với những người chống lại H&M và những thương hiệu nước ngoài nổi tiếng khác.

Một số cư dân mạng đã có những bình luận nói: “Bạn nghĩ đó là lời nói thật của ông ta sao, thực ra đó chỉ là thói quen thường ngày của họ thôi [thói quen nói dối]. Một người đóng vai ác và người kia đóng vai tốt”, nhưng “bản chất họ là giống nhau, mục đích chỉ là để duy trì cái gọi là cuộc chơi của chính họ”.

Tờ “United Daily News” bình luận rằng, mặc dù thái độ của ĐCSTQ hiện nay là rất cứng rắn, nhưng thực tế có lẽ không thể cứng rắn được quá lâu.

Bởi theo thống kê, Nike có 107 nhà máy ở Trung Quốc, trong khi H&M đang hợp tác với hơn 350 nhà sản xuất ở Trung Quốc, ngoài ra H&M còn có gần 500 cửa hàng ở Trung Quốc, trong khi Nike và Adidas có hàng nghìn cửa hàng ở Trung Quốc, cùng với nhân sự là người Trung Quốc.

Ông Yu, một học giả từ Đại học Nông nghiệp Tân Cương, cũng phân tích với Đài Châu Á Tự do rằng, nếu các công ty nước ngoài tẩy chay hoàn toàn bông Tân Cương, nó sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành dệt may luôn phụ thuộc vào xuất khẩu này của Trung Quốc, và có thể gây thiệt hại hàng trăm tỷ đô la ngoại hối hàng năm.

Related posts