Lâm Yến
Hôm thứ Sáu (ngày 26/3), người phát ngôn của trụ sở chính thương hiệu may mặc Đức Hugo Boss đã phát đi một tuyên bố đến các kênh truyền thông nước ngoài, cho biết họ “cho đến nay chưa tiếp tục trực tiếp mua bất kỳ sản phẩm nào từ Tân Cương.”
Sau đó, tài khoản Weibo chính thức của Hugo Boss tại Trung Quốc đã xóa tuyên bố trước đó vào hôm thứ Năm (ngày 25/3) rằng họ sẽ tiếp tục mua và hỗ trợ bông Tân Cương, đồng thời đính kèm tuyên bố chính thức bằng tiếng Trung và tiếng Anh từ trụ sở chính.
Dư luận ở Trung Quốc chỉ trích rằng Hugo Boss là kẻ hai mặt, một số cư dân mạng còn tuyên bố rằng sẽ tẩy chay thương hiệu này.
Hôm 24/3, tài khoản Weibo của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đăng một ảnh chụp màn hình tuyên bố của Tập đoàn H&M bằng tiếng Trung và tiếng Anh, cho thấy Tập đoàn H&M quan ngại sâu sắc về các cáo buộc lao động cưỡng bức và phân biệt đối xử đối với các dân tộc thiểu số và tôn giáo ở Tân Cương nên không hợp tác với bất kỳ nhà máy sản xuất hàng may mặc nào ở khu tự trị Tân Cương, cũng như không mua hàng từ khu vực này. Sự việc này đã làm dấy lên làn sóng tẩy chay hàng loạt nhãn hiệu quốc tế như Nike, Adidas, Burberry…
Hugo Boss Trung Quốc đã chọn cách bày tỏ sự ủng hộ đối với bông Tân Cương trên Weibo ngay sau khi vụ việc xảy ra vào thứ Năm (ngày 25/3): “Bông chủ lực Tân Cương là một trong những loại bông tốt nhất trên thế giới. Chúng tôi tin rằng nguyên liệu thô chất lượng cao này sẽ tạo ra giá trị. Chúng tôi sẽ tiếp tục mua và ủng hộ bông Tân Cương.”
Bài đăng này nhanh chóng được các kênh truyền thông của ĐCSTQ đưa tin và hết lời ca ngợi. Nhưng sau đó, trang mạng quancha.cn của Trung Quốc đặt câu hỏi liên quan đến việc trang web chính thức của Hugo Boss bên ngoài Trung Quốc không có động thái rút ra khỏi tổ chức Sáng kiến bông tốt hơn (BCI) và tuyên bố về vấn đề Tân Cương.
Sau đó, sang thứ Sáu (ngày 26/3), tài khoản Weibo tại Trung Quốc của Hugo Boss đã đưa ra một tuyên bố chính thức mới, kèm theo liên kết đến phiên bản tiếng Anh của tuyên bố. Đồng thời, xóa tuyên bố ngày 25/3 với lý do rằng tuyên bố này chưa được trao quyền đăng tải.
Tuyên bố mới (ngày 26/3) cho biết: “Chúng tôi cam kết tôn trọng nhân quyền, công nhận các giá trị cơ bản của ‘Tuyên ngôn nhân quyền thế giới’ của Liên hợp quốc và các công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế, đồng thời sẽ không bao giờ dung thứ cho bất kỳ hình thức cưỡng chế hay bức bách lao động nào.” Các tiêu chuẩn này áp dụng cho các nhà cung cấp toàn cầu của Hugo Boss và chính bản thân hãng.
Thông cáo cũng cho biết: “Chúng tôi coi trọng mối quan hệ hợp tác lâu dài với các đối tác trên khắp Trung Quốc. Cho đến nay, Hugo Boss chưa tiếp tục trực tiếp mua bất kỳ sản phẩm nào từ Tân Cương. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại xem loạt sản phẩm mới của chúng tôi từ tháng 10/2021 có đáp ứng yêu cầu các tiêu chuẩn toàn cầu của chúng tôi hay không. Trước những cáo buộc liên quan, chúng tôi phải đảm bảo rằng sản phẩm của chúng tôi chỉ sử dụng bông hoặc các vật liệu khác đáp ứng các giá trị và tiêu chuẩn này của chúng tôi. “
Người phát ngôn của công ty, Carolin Westermann, nói với hãng tin Reuters rằng phiên bản tiếng Anh của tuyên bố là quan điểm chính thức của công ty.
Vào thứ Bảy (ngày 27/3), tài khoản Weibo Trung Quốc của Hugo Boss đã đưa ra một tuyên bố mới, nói rằng họ trân trọng tất cả các mối quan hệ hợp tác lâu dài với các đối tác Trung Quốc. Tuy nhiên, ít nhất 3 ngôi sao Hoa ngữ đã ngừng hợp tác với Hugo Boss.
Một tuyên bố từ tổ chức Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế Giới cho biết họ đã thấy “một số công ty đã bắt đầu khuất phục trước uy hiếp từ Trung Quốc (ĐCSTQ), đã xóa bỏ các chính sách (phản ứng) chống lại lao động cưỡng bức khỏi trang web của họ, và thậm chí còn không ngại sử dụng từ ‘bông Tân Cương’ để xúc tiến bán hàng. Theo báo cáo, những sản phẩm bông này được sản xuất dưới hình thức cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ.”
“Đây là bài kiểm tra đạo đức cuối cùng cho các công ty này: chọn tôn trọng nhân quyền hay ủng hộ chế độ diệt chủng ĐCSTQ,” tổ chức Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế Giới nhận định.
Lâm Yến, Epoch Times