Đại sứ Mỹ lần đầu tới thăm Đài Loan sau 42 năm, Trung Quốc phản đối gay gắt

Xuân Thành

Đại sứ Mỹ tại Palau, ông John Hennessey-Niland đã tới thăm Đài Loan vào Chủ Nhật (29/3), trở thành đại sứ Mỹ đầu tiên tới thăm quốc đảo dân chủ kể từ khi Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc năm 1979. Trung Quốc đại lục phản đối gay gắt chuyến thăm này, cảnh báo Mỹ đã vượt qua “lằn ranh đỏ”.
Đại sứ Mỹ tại Palau, ông John Hennessey-Niland. (Nguồn: Twitter)

Đại sứ Mỹ tại Palau, ông John Hennessey-Niland (phải) đã tới thăm Đài Loan vào Chủ Nhật (29/3)

Đại sứ John Hennessey-Niland là thành viên trong phái đoàn của Tổng thống Palau, ông Surangel Whipps tới công du Đài Loan 5 ngày. Ông Whipps là nguyên thủ của một trong 15 quốc gia đặt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, không thiết lập quan hệ với Trung Quốc đại lục.

Việc Đại sứ Hennessey-Niland có mặt trong phái đoàn ngoại giao của Palau tới thăm Đài Loan là sự phá vỡ có chủ ý của Washington đối với các thủ tục ngoại giao lâu năm giữa hai nước Mỹ – Trung, trong đó giới hạn liên lạc ngoại giao chính thức giữa Mỹ và Đài Loan.

Năm 1979, Mỹ đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và quay sang thiết lập quan hệ chính thức với Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây với bối cảnh căng thẳng Trung – Mỹ ngày càng leo thang, Washington đã gia tăng các hoạt động hợp tác với quốc đảo dân chủ, động thái khiến Bắc Kinh giận dữ.

Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) – có chức năng là đại sứ quán thực tế của Washington tại Đài Bắc – hôm thứ Ba (30/3) đã phát đi tuyên bố về chuyến thăm của Đại sứ Hennessey-Niland: “Mỹ, Đài Loan và Palau chia sẻ cam kết mạnh mẽ về việc thực hiện chế độ dân chủ, về một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, và thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng trong khu vực”.

Chuyến thăm Đài Loan của Đại sứ Hennessey-Niland là một động thái khác trong hàng loạt chuỗi hành động gần đây của Mỹ nhắm vào Trung Quốc của chính quyền Biden, tiếp nối chính sách cứng rắn của chính quyền Trump đối với Bắc Kinh.

Trong ngày cuối cùng của chính quyền Trump, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã tuyên bố chấm dứt tất cả các hạn chế về liên lạc giữa các quan chức Mỹ và Đài Loan, cả ở cấp độ quân sự và dân sự. Theo Financial Times, chính quyền Biden đang tiếp tục làm theo quyết định của ông Pompeo và đang chuẩn bị ban hành các bản hướng dẫn, trong đó sẽ khuyến khích các quan chức Mỹ gặp mặt những người đồng cấp Đài Loan.

Washington cũng đã điều động các tàu chiến đi qua Eo biển Đài Loan ba lần kể từ khi ông Biden bước vào nhiệm sở, tuyên bố động thái này là “phù hợp với luật pháp quốc tế”. Đây cũng là bước tiếp tục chính sách của chính quyền Trump.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken của chính quyền Biden hôm 10/3 thậm chí đã đề cập Đài Loan là một “quốc gia”. Ông gọi hòn đảo dân chủ này là “một quốc gia có thể đóng góp cho thế giới, chứ không chỉ cho nhân dân của chính nước họ. COVID là một minh chứng rất tốt cho đóng góp của Đài Loan”.

Trong năm 2020 dưới chính quyền Trump, Mỹ đã phê duyệt gói bán vũ khí trị giá 3,69 tỷ USD cho Đài Loan và tuần trước Washington dưới trào Biden đã ký một thỏa thuận với Đài Bắc để thúc đẩy hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước.

Về phía Trung Quốc, chế độ Bắc Kinh đã lên tiếng cảnh báo Mỹ vượt qua “lằn ranh đỏ” về vấn đề Đài Loan, sau khi Đại sứ Hennessey-Niland tới thăm hòn đảo mà Bắc Kinh luôn coi là lãnh thổ ngoài khơi xa của mình.

Một ngày sau khi Đại sứ Hennessey-Niland xuất hiện tại Đài Loan, hôm thứ Hai (29/3), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên – trong khi phản hồi một câu hỏi của phóng viên về chuyến thăm của Đại sứ Mỹ – đã nói: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng quy tắc một Trung Quốc là chuẩn mực được công nhận phổ biến cho các mối quan hệ quốc tế và là sự đồng thuận đã được công nhận, được chấp nhận và được thực hiện bởi đa số lớn các quốc gia trên thế giới”.

Ông Triệu nhấn mạnh rằng vấn đề Đài Loan là “vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất trong mối quan hệ Trung – Mỹ”.

“Nguyên tắc một Trung Quốc là nền tảng chính trị của mối quan hệ Trung – Mỹ. Trung Quốc cực lực phản đối bất kỳ hình thức tương tác chính thức nào giữa Mỹ và Đài Loan. Lập trường này là nhất quán và rõ ràng”, ông Triệu nói.

Vị phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã thúc giục Mỹ “phải hoàn toàn công nhận rằng vấn đề Đài Loan là nhạy cảm cao, và rằng [Washington] nên tuân thủ quy tắc một Trung Quốc và ba thông cáo chung Trung – Mỹ”.

“[Mỹ] phải chấm dứt mọi tương tác chính thức với Đài Loan, không được gửi những tín hiệu sai tới các lực lượng độc lập Đài Loan, chấm dứt mọi nỗ lực vượt qua điểm mấu chốt này, và xử lý hợp lý các vấn đề liên quan tới Đài Loan với sự thận trọng, nếu không nó sẽ phá hủy mối quan hệ Trung – Mỹ, cũng như hòa bình và ổn định xuyên Eo biển Đài Loan”, ông Triệu cảnh báo Mỹ.

Cũng trong hôm 29/3, Quân đội Trung Quốc đã điều động 10 máy bay quân sự – 8 phi cơ phản lực và 2 máy bay trinh sát – xâm nhập vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan. Trước đó, hôm thứ Sáu (26/3), Bắc Kinh cũng đã thực hiện các màn xuất kích tương tự với sự tham gia của 20 máy quay quân sự. Trong nhiều tháng qua, Đài Loan đã liên tục chỉ trích Trung Quốc điều chiến đấu cơ vi phạm không phận của quốc đảo.

Trái với phản ứng của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã hoan nghênh chuyến thăm của Đại sứ Mỹ và hôm thứ Hai (29/3), Bộ này đã viết trên Twitter: “Quả là tam hùng! Ngoại trưởng Wu, Tổng thống Whipps và Đại sứ Hennessey-Niland là một nhóm khi nói về hợp tác ba bên. Đài Loan, Palu và Mỹ là những lực lượng mãi mãi làm việc cùng nhau nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại Ấn Độ – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới”.

Xuân Thành (T/h)

Related posts