Hiểu Minh
Sau 44 năm bị kết án oan và đã qua đời, gia đình ông Mưu Quý Sường (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) được Công an tỉnh Bắc Giang bồi thường oan sai với số tiền 2,3 tỷ đồng, tuy nhiên đã phải chi 900 triệu đồng tiền “cảm ơn”. Liên quan đến sự việc này, một luật sư cho biết trong một vụ án tương tự, theo quy định pháp luật thì không thể lấy của gia đình người oan sai số tiền lớn như vậy được. Về đạo lý là không thể chấp nhận được.
Như báo Dân Trí đã phản ánh, sau khi tiến hành xin lỗi công khai vì đã khởi tố, bắt tạm giam oan ông Mưu Quý Sường vào năm 1977.
Ông Sường đã qua đời vì bệnh tật năm 2013. Đến năm 2018, gia đình ông Sường mới được Công an tỉnh Bắc Giang tổ chức xin lỗi công khai.
Năm 2021, sau 44 năm bị khởi tố oan, gia đình ông Sường được Công an tỉnh Bắc Giang bồi thường oan sai với số tiền 2,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đại diện gia đình ông Mưu Quý Sường khẳng định, ngay sau khi nhận đủ số tiền bồi thường từ cơ quan công an, họ đã lập tức đưa 900 triệu đồng tiền mặt để “chia công” cho người đại diện pháp lý của gia đình, đang làm việc tại một công ty luật ở Hà Nội – chi tiết.
Trước thông tin trên, bà Nguyễn Thị Mai – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết, đã nắm được sự việc. “Chúng tôi đang nghiên cứu vụ việc để có hướng xử lý”- bà Mai nói.
Lấy tiền của gia đình người oan sai về đạo lý là không thể chấp nhận được
Liên quan đến sự việc trên, trên tờ Tapchisao cho hay, vào năm 2019, dư luận cũng ồn ào sau sự việc ông Trần Văn Thêm (trú tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh) được bồi thường oan sai 6,7 tỷ đồng nhưng chỉ mang về nhà trên 2 tỷ đồng. Ông Thêm đã phải đưa 40% số tiền bồi thường oan sai cho một lãnh đạo công ty luật ở Hà Nội nói là “để làm từ thiện, kêu oan cho những trường hợp tương tự” theo văn bản ủy quyền đã ký trước đó.
Sáng 1/4, trao đổi với PV Dân Trí, luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM bày tỏ thái độ kinh ngạc trước câu chuyện này.
Theo ông Hậu, Luật Bồi thường nhà nước và nghị định hướng dẫn thực hiện luật đã nêu rõ quy trình, các khoản tiền phải bồi thường oan sai cho người dân về tổn thất tinh thần, vật chất, chi phí khiếu nại, tố cáo,…
Trong khi đó, Luật Trợ giúp pháp lý quy định việc trợ giúp pháp lý là miễn phí. Mỗi năm luật sư phải có 8 giờ trợ giúp pháp lý miễn phí và đối tượng chính là người nghèo, người yếu thế, người bị oan sai.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng có bộ quy tắc nghề nghiệp nêu rõ khi trợ giúp pháp lý thì luật sư không được lấy tiền của người dân, người yếu thế và nếu ai làm sai sẽ bị xử lý.
“Ở đây xuất hiện một người nào đó – không phải là luật sư – trợ giúp, hỗ trợ cho gia đình người bị oan sai để đòi tiền bồi thường thì có thể coi là hợp đồng dân sự. Nhưng số tiền họ nhận được cũng phải hợp lý, phù hợp với công sức mà họ bỏ ra thôi. Theo quy định pháp luật thì không thể lấy của gia đình người oan sai số tiền lớn như vậy được. Về đạo lý là không thể chấp nhận được” – ông Hậu thẳng thắn.