Triệu Hằng
Theguardian đưa tin, truyện kể ngụ ngôn Ê-dốp (Aesop) trên tài khoản Twitter của đại sứ quán Trung Quốc ở Ireland đã thu hút sự chú ý của giới quan sát và nêu bật “sự nhạy cảm” ngày càng tăng của các nhà ngoại giao Trung Quốc trước những lời chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Khi Trung Quốc mắc vào các tranh chấp quốc tế, từ “đấu khẩu” với các quan chức Đài Loan cho đến các lệnh trừng phạt về thương mại và những đe dọa xung đột, phong cách giao tiếp hiếu chiến của một số quan chức Bắc Kinh ở nước ngoài đã khiến họ được đặt biệt danh là “chiến lang” (chiến binh sói).
Dòng tweet hôm thứ Năm (1/4) từ đại sứ quán Trung Quốc nhằm đẩy lùi những cáo buộc như vậy, nhưng dường như bản dịch truyện ngụ ngôn đã bị cắt bớt khi tác giả bài đăng đã điều hướng câu chuyện từ phiên bản tiếng Anh sang tiếng Trung theo cách nhằm đáp ứng nhu cầu duy trì hình ảnh về sức mạnh Trung Quốc.
Dựa vào câu chuyện ngụ ngôn về Sói và Cừu, một câu chuyện về sự bất công độc tài được dựng lên, trong đó con cừu bị buộc tội sai trái và sau đó nó bị giết thịt, bài đăng của đại sứ quán Trung Quốc đã truy vấn: “Con sói là ai?”
Bài đăng tiếp tục: “Một số người đã buộc tội Trung Quốc về cái gọi là ‘ngoại giao chiến binh sói’. Trong truyện ngụ ngôn nổi tiếng của mình, Ê-dốp đã mô tả cách con sói buộc tội con cừu phạm tội. Sói là sói, không phải là cừu… [nhân tiện] Trung Quốc không phải là một cừu non”.
Một số nhà báo và học giả đã nỗ lực giải mã bình luận nói trên.
James Palmer, nhà báo của tờ Foreign Policy cho biết trong một phân tích về bối cảnh có thể đằng sau dòng tweet, rằng: “Anh ta nhảy vào câu chuyện ngụ ngôn về sói và cừu… nhưng khi đi đến phần cuối, anh ta lại làm mọi người bối rối (không hiểu ý nói Trung Quốc là sói hay là cừu). Trung Quốc không thể được miêu tả như một con cừu non yếu ớt sẽ bị ăn thịt. Trung Quốc phải là mạnh mẽ, hùng manh! Vì thế anh ta bổ sung ‘nhân tiện’”.
Victor Shih, một học giả của Đại học California San Diego nghiên cứu Trung Quốc cho biết: “Thành thật mà nói, tôi không nghĩ rằng các nhân viên đại sứ quán có ý nói rằng Trung Quốc là con sói trong câu chuyện ngụ ngôn này nhưng tôi vò đầu bứt tai về những gì họ muốn nói thông qua câu chuyện ngụ ngôn này”, và “[nếu] nó đại loại kiểu như ‘Trung Quốc vô tội như cừu non trong truyện ngụ ngôn trừ phi Trung Quốc là một con sói’ thì đừng sử dụng ngụ ngôn!”.
Trong khi bài đăng hôm thứ Năm gây ra sự chế giễu, nó cũng cho thấy sự nhiệt tình ngày càng tăng của các nhà ngoại giao Trung Quốc trong việc thể hiện sự cứng rắn, bất kể việc đó có được thực hiện tốt hay không.
Trong thời đại trực tuyến, các bài đăng về các “chiến lang” (các nhà ngoại giao sói chiến) thường được đăng trên các nền tảng mạng xã hội phương Tây như Twitter (bị cấm ở Trung Quốc) và đẩy lùi phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với sự lạm dụng nhân quyền của Bắc Kinh, thất bại trong xử lý đại dịch làm hoang mang và gây hấn trong khu vực bằng cách nhắm mục tiêu vào các quốc gia hoặc các nhân vật nào đó.
Một số tweet của các nhà ngoại giao Trung Quốc đã đạt được mục đích, ví dụ như là một hình ảnh minh họa và nội dung về những phát hiện bị nghi ngờ là tội ác chiến tranh của binh lính Úc ở Afghanistan đã thúc đẩy một cuộc họp báo đầy giận giữ của thủ tướng Úc.
Tuy nhiên, nhà báo Palmer của tờ Foreign Policy cho rằng, đối tượng dự kiến của các bài đăng mang tính hiếu chiến đó thường là để báo cáo với các cấp trên trong chính phủ Trung Quốc, và không quan trọng bài đăng đó có tốt hay không.
Palmer nói: “Nó được tính là thành công nếu ông chủ của bạn hoặc ông chủ của ông chủ của bạn, nhìn thấy bài đăng đó và cho rằng nó phản ánh đúng đường lối chính trị”.