TQ cảnh báo Mỹ: Bắc Kinh mới là nước “có tiếng nói cuối cùng” trong các vấn đề thế giới

Lê Vy

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo Hoa Kỳ chớ nên tỏ ra có vị thế vượt trội và cho rằng Bắc Kinh mới là nước có tiếng nói quyết định đối với các vấn đề toàn cầu.

Ông Vương cho biết Trung Quốc sẽ không chấp nhận danh sách các yêu cầu đơn phương từ Washington.

“Cánh cửa đối thoại với Trung Quốc rất rộng mở. Nhưng đối thoại nên được thực hiện trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,” ông nói.

“Trung Quốc sẽ không chấp nhận rằng có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới [có thể] đặt mình vượt trội hơn những quốc gia khác, và rằng bất kỳ quốc gia nào cũng có thể có tiếng nói cuối cùng về các vấn đề thế giới. Nếu Mỹ tiếp tục đối đầu, Trung Quốc sẽ bình thản đối diện mà không sợ hãi”.

Ông Vương Nghị đã trả lời truyền thông nhà nước Trung Quốc về các cuộc gặp gần đây ở tỉnh Phúc Kiến với các ngoại trưởng từ Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines và Hàn Quốc. Ông nói rằng ông đã thông báo cho họ về Hội nghị thượng đỉnh ở Alaska giữa các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc, và rằng việc các quốc gia trong khu vực lo ngại về mối quan hệ Trung – Mỹ là điều hợp lý.

Ông Vương nói rằng, mặc dù hai bên Trung – Mỹ có thể hợp tác, nhưng cả hai “nên tôn trọng các mối quan tâm cốt lõi của nhau và Trung Quốc sẽ không chấp nhận các yêu cầu và điều kiện đơn phương từ Washington.”

Ông nói: “Chúng tôi kiên quyết chống lại sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc và kiên quyết hơn nữa phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương trái pháp luật được áp đặt trên cơ sở dối trá và thông tin sai lệch.”

“Trung Quốc không thể đầu hàng vì có nhiều nước đang phát triển, có nhiều nước vừa và nhỏ ở phía sau chúng tôi. Trung Quốc có quyền chống trả vì chúng tôi phải bảo vệ chủ quyền quốc gia và phẩm giá quốc gia”.

Các nhà quan sát ngoại giao cho biết Bắc Kinh đang tìm cách cải thiện mối quan hệ với Mỹ, nhưng đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc vạch ra ranh giới giữa hợp tác và chống lại sức ép của Mỹ.

Nhiều tuần sau hội nghị thượng đỉnh ở Alaska, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn đang ở mức cao. Washington đã áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các quan chức và thực thể Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, sau một động thái tương tự của Liên minh châu Âu. Cả hai nước cũng đã tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhắc lại Mỹ sẽ làm việc với NATO và Liên minh châu Âu để xử lý những thách thức chung do Trung Quốc đặt ra. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ thăm Washington để hội đàm với ông Joe Biden vào ngày 16/4.

Ông Vương cho biết Trung Quốc và Mỹ nên tổ chức nhiều cuộc đối thoại hơn về các vấn đề khu vực và hợp tác về đại dịch, nhưng nói thêm rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc không thể bị đẩy lùi. “Việc tiếp tục phát triển và trở nên hùng mạnh là điều tất yếu đối với Trung Quốc. Điều này phù hợp với lợi ích lâu dài và nguyện vọng chung của các nước trong khu vực, và xu hướng này không thể chống lại được”, ông nói.

“Trung Quốc sẽ không né tránh sự cạnh tranh. Nhưng cạnh tranh phải công bằng và tuân theo các quy tắc thị trường. Không ai khác nên tước đoạt quyền tìm kiếm sự phát triển chính đáng của người khác”.

Lê Vy (theo SCMP)

Related posts