Trung Quốc đang làm suy yếu Serbia ngay từ bên trong

Triệu Hằng

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic trả lời phỏng vấn trên CGTN, phương tiện truyền thông nhà nước (ảnh: youtube/ CGTN).

Theo một bài phân tích đăng trên Thediplomat, Trung Quốc đang làm chết dần chết mòn các yêu cầu pháp lý của Serbia thông qua các khoản đầu tư.

Doanh nhân Trung Quốc Wang Feng là một khách mời bất ngờ tại lễ nhậm chức của Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic vào năm 2017. Vào buổi chiều của sự kiện, Wang đã được gặp riêng vị tổng thống sắp tới của Serbia để thảo luận về kế hoạch tương lai và chụp ảnh chân dung của mình trước lá cờ châu Âu.

Cùng ngày, Wang đã gặp gỡ các nhân viên trong Văn phòng Tổng thống, Văn phòng Phát triển Serbia và Cục Phát triển Serbia để thảo luận về “Triển vọng và cơ hội xây dựng Sáng kiến Vành đai và Con đường”, chủ yếu tập trung vào những trở ngại như đất đai, giao thông, chính sách thuế và thị thực lao động.

Vào thời điểm đó, rất ít người Serbia nhận ra vị doanh nhân Trung Quốc, cũng như công ty lốp xe Shandong Linglong mà vị này là người đại diện. Ngày nay, người ta đã biết đến ông Wang và công ty này nhiều hơn vì giải bóng đá quốc gia nổi tiếng của Serbia đã được đổi tên theo tên công ty này. Hiện nay nó được gọi là “Linglong Tire SuperLiga”.

Với sự tài trợ và khoản đầu tư đáng kể đang diễn ra, công ty lốp xe Shandong Linglong của Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành một trong những nhà cung cấp lốp xe hơi lớn nhất cho ngành công nghiệp xe hơi châu Âu.

Khoản đầu tư này và một số khoản đầu tư khác của Trung Quốc, được coi như một món quà “trời cho” đối với các lãnh đạo Serbia, vốn đang bị sức ép bởi tỷ lệ thất nghiệp cao và ngành công nghiệp lạc hậu, không có sức cạnh tranh [tại đất nước của mình].

Kể từ khi ông Vucic nhậm chức, mối quan hệ Serbia với Trung Quốc đã lớn mạnh hơn, thông qua các khoản đầu tư đáng kể vào các nhà máy điện than và các ngành công nghiệp nặng như khai thác và nấu chảy đồng, và việc hồi sinh các nhà máy thép đã xuống cấp.

Các khoản đầu tư này đi kèm với các khoản cho vay lớn của Trung Quốc, các cuộc họp chính trị cấp cao và mua sắm vũ khí của Trung Quốc. Năm 2019, Serbia thậm chí còn mời lực lượng an ninh Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận chung.

Một nghị quyết gần đây của Nghị viện châu Âu đã làm sáng tỏ “mối quan hệ thân tình” của Serbia với Trung Quốc và bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với Belgrade (thủ đô Serbia). Nghị quyết chỉ ra sự thiếu minh bạch trong các khoản đầu tư và cho vay từ Trung Quốc, cũng như việc các nhà đầu tư và người cho vay không thực hiện được các đánh giá tác động đến môi trường và xã hội.

Nghị viện châu Âu kêu gọi Serbia tăng cường các tiêu chuẩn pháp luật đối với các hoạt động kinh doanh của Trung Quốc và gửi cảnh báo tới Belgrade rằng hành vi của họ đang gây nguy hiểm cho quá trình gia nhập châu Âu của nước này.

Trên thực tế, mối lo ngại của nghị viện châu Âu là có thật. The Diplomat cho hay, phân tích pháp lý mà hãng tin này thực hiện cùng các luật sư Serbia cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc có tác động tiêu cực tổng thể đến hệ thống pháp luật của Serbia. Các hoạt động kinh doanh của Trung Quốc làm gia tăng lỗ hổng trong luật pháp Serbia. Theo đó, luật pháp nước này đã tạo ngoại lệ cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn gây ô nhiễm cao, chủ yếu đến từ các doanh nghiệp Trung Quốc hoặc được tài trợ bởi các khoản vay của nhà nước Trung Quốc.

Một số luật và thủ tục mới của Serbia đã giúp việc đầu tư [vào nước này] trở nên dễ dàng hơn. Một trong số đó là luật mua sắm công năm 2019, đã làm suy yếu các quy định quản lý cạnh tranh, tiếp cận thông tin công cộng, và bảo vệ môi trường.

Một luật khác là luật tháng 2/2020 về “thủ tục đặc biệt”. Luật này tạo điều kiện cho chính phủ phân loại các dự án về cơ sở hạ tầng là “cấp bách”. Vì vậy, các dự án này được hưởng thủ tục đặc biệt, vì chúng cung cấp quan hệ đối tác chiến lược về các dự án có tầm quan trọng đặc biệt đối với Cộng hòa Serbia.

Chính phủ Serbia thường tuyên bố rằng các dự án – đặc biệt là dự án đầu tư của Trung Quốc vào các ngành công nghiệp gây ô nhiễm – là lợi ích quốc gia để có thể áp dụng luật một cách linh hoạt.

Vào tháng 9/2018, một năm sau lễ nhậm chức tổng thống, ông Vucic đã đến thăm Bắc Kinh và ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với công ty Shandong Linglong để xây dựng một nhà máy sản xuất lốp xe. Chính phủ Serbia sau đó tuyên bố nhà máy này là một dự án có tầm quan trọng quốc gia. Cả quyết định này cũng như cơ sở pháp lý của nó đều không được giải thích hoặc công khai ra công chúng. Không rõ liệu động thái này có cho phép dự án “lách luật” Serbia một cách hiệu quả hay không.

Sau khi ký kết MoU, quyền sở hữu hơn 96ha đất đã được chuyển nhượng trực tiếp cho công ty Linglong International Europe mà không cần tiền mặt. Do vị thế đặc biệt của dự án, nhà đầu tư đã được miễn trả phí tái định cư đất nông nghiệp để xây dựng.

Người dân trong khu vực này đã yêu cầu thông tin về những tác động mà nhà máy Linglong có thể gây ra đối với sức khỏe của họ, môi trường và sự an toàn của người lao động. Tuy nhiên, cho đến nay thông tin này vẫn chưa được công bố.

Các hành vi tương tự đã được quan sát trong một số khoản đầu tư khác có sự tham gia của các bên Trung Quốc và Serbia. Đây là một tin xấu đối với công dân Serbia, những người đang phải chịu đựng bầu không khí ô nhiễm, không gian cư trú bị thu hẹp và mức độ tham nhũng [của quan chức] ngày càng gia tăng. Nó cũng là báo hiệu không tốt về các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Serbia với EU.

Bài viết do tác giả Wawa Wang và Nils Resare, các thành viên cao cấp của VedvarendeEnergi, một tổ chức phi chính phủ phi lợi nhuận về môi trường và phát triển của Đan Mạch, phân tích.

Related posts