Trung Quốc ngang ngược, nói có quyền ở Trường Sa đã hàng nghìn năm

Hiểu Minh

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (trái) (ảnh: PressTV).

Hoa Nam Buổi sáng đưa tin, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 6/4 ngang ngược tuyên bố rằng đội tàu nước này được quyền trú ẩn tại bãi đá ngầm ở Trường Sa “trong hàng nghìn năm”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tiếp tục luận điệu cũ, khi bác bỏ cáo buộc của Philippines rằng đội tàu hàng trăm chiếc đang neo đậu tại bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam là do dân quân biển vận hành. Thậm chí ông Triệu còn cáo buộc cách gọi “dân quân biển” này là có “ý đồ thù địch”. 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục nói rằng đây là các ngư dân và ngang nhiên tuyên bố họ có quyền “đánh bắt và trú ẩn trong khu vực suốt hàng nghìn năm”.

Tuyên bố được ông Triệu đưa ra trong bối cảnh hơn 200 tàu Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm gần đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ hôm 7/3, bật đèn suốt đêm mà không đánh bắt dù thời tiết thuận lợi.

Philippines công bố thông tin từ hôm 21/3, cáo buộc các tàu này thuộc lực lượng “dân quân biển” Trung Quốc và phản ứng mạnh mẽ với phía Bắc Kinh.

Theo truyền thông trong nước, tại cuộc họp báo ngày 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế.

Trước đó trong ngày 24/3, trong báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ Chủ tịch nước 2016–2021 trước Quốc hội Việt Nam, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định:

“Có những việc không thể nói công khai nhưng có những thời điểm, có những sự cố xảy ra ở Biển Đông xử lý thế nào, phía tây của chúng ta thế nào, phía tây nam thế nào, quan hệ với nước bạn thế nào. Có những cái xử lý phải nói rất thật với các bạn, các đồng chí là hết sức tế nhị, hết sức khôn khéo nhưng cả hệ thống chúng ta làm rất tốt”.

Theo Dự án Đại sử ký Biển Đông, Việt Nam đã từng phải hoãn các hoạt động dầu khí hoặc phải đối mặt với các hoạt động quấy nhiễu và áp lực từ tàu khảo sát, hải cảnh và máy bay chiến đấu của Trung Quốc liên tục nhiều tháng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt, từ năm 2020 tới nay, Trung Quốc đã có một bước tiến mới, khi Hải cảnh Trung Quốc luân phiên hiện diện gần như toàn thời gian ở Bãi Tư Chính, thường xuyên áp sát các lô dầu khí mà Việt Nam đang sản xuất ổn định từ nhiều năm nay. Đồng thời lực lượng Tàu dân quân biển Trung Quốc cũng liên tục neo đậu dài ngày tại Bãi Ba Đầu trong lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông.

Related posts