Vac-xin ngừa Covid: Châu Âu thất bại về mọi mặt

Thanh Phương

image.png
Ảnh minh họa: Ba loại vac-xin Pfizer/BioNTech, AstraZeneca và Moderna trên nền cờ Liên Hiệp Châu Âu. REUTERS – DADO RUVIC

Vì sao châu Âu đã quá chậm trễ trong chiến dịch chích ngừa Covid-19 ? Tuần báo Pháp L’Express tuần này điểm lại một năm mà khối 27 nước Liên Hiệp Châu Âu đã thất bại ở mọi mặt trên mặt trong cuộc chiến chống đại dịch.

“Thu nhập phổ quát. Ngay bây giờ”. Đó chính là hàng tựa trên trang nhất của tuần báo Courrier International tuần này. Tờ báo dành hồ sơ chính cho ý tưởng về thu nhập phổ quát đang ngày càng có khả năng trở thành hiện thực trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Tuần báo Le Point thì đặt câu hỏi trên trang bìa :” Chúng ta còn có thể tránh sự suy tàn?” Đối với Le Point, khủng hoảng y tế đã đẩy nhanh sự thoái trào của nước Pháp, khởi đầu từ thập niên 1970. Sự trỗi dậy trở lại chỉ có thể đến từ việc cải tổ các định chế, dành ưu tiên cho sáng chế và đào tạo, và yểm trợ cho văn hóa. Nhưng với điều kiện phải hành động nhanh.

Tuần báo L’Obs thì đăng trên trang nhất bức ảnh tổng thống Pháp Emmanuel Macron, với hàng tựa :“Sự đánh cuộc cuối cùng”. Theo tờ báo này, khi hứa hẹn sẽ chích ngừa Covid cho toàn bộ dân Pháp ngay từ mùa hè này, ông Macron “đã lấy một rủi ro”. Một năm trước cuộc bầu cử tổng thống, ông đánh cuộc trên sự tái đắc cử. Tuần báo l’Obs giải thích ván cờ mạo hiểm của Macron, điều tra về việc chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử của ông rất có thể sẽ diễn ra.

Vì sao châu Âu đã quá chậm trễ trong chiến dịch chích ngừa Covid-19 ? Tuần báo Pháp L’Express tuần này điểm lại một năm mà khối 27 nước Liên Hiệp Châu Âu đã thất bại về mọi mặt trên mặt trong cuộc chiến chống đại dịch.

Nhìn qua các con số thì thấy có vẻ hứng khởi lắm : Từ đây đến cuối tháng 6,360 triệu liều vac-xin sẽ được sản xuất từ các nhà máy của châu Âu. Khoảng hơn 55 triệu liều sẽ được giao cho nước Pháp. Nếu không có vấn đề về hậu cần, thì về mặt lý thuyết, toàn bộ những người lớn ở châu Âu, nếu muốn, đều sẽ được tiêm chủng trong suốt mùa hè năm nay. Châu Âu sẽ nhanh chóng trở thành vô địch thế giới về vac-xin, như lời ủy viên châu Âu về thị trường nội địa Thierry Breton.

Nhưng theo L’Express, thật khó mà tin được điều đó, cũng như khó mà quên đi rằng trong 12 tháng qua, Liên Hiệp Châu Âu đã quá chi li, bủn xỉn, ngại rủi ro và ngây thơ. Tự hào về mô hình xã hội của mình, khối này đã vấp ngã trước quá nhiều thủ tục nhiêu khê và lại tỏ ra không thực dụng. Sự trễ nãi so với lịch trình ban đầu của chiến dịch tiêm chủng đã gây nhiều thiệt hại nhân mạng và kinh tế. Theo tính toán của hãng bảo hiểm tín dụng Pháp Euler Hermes, thiệt hại về kinh tế đối với toàn bộ châu Âu là 123 tỷ euro.

Tuần báo Pháp nhắc lại là cách đây một năm, các nước châu Âu đã lâm vào cảnh mạnh ai nấy lo, thậm chí tranh giành với nhau khẩu trang và máy trợ thở. Chính trong bối cảnh đó mà cặp bài trùng Macron-Merkel đã thảo luận riêng với một vài hãng dược phẩm AstraZeneca, Sanofi, và cả Moderna. Ngay sau đó, Ý và Hà Lan nhảy vào, cùng với Pháp và Đức lập ra một liên minh để thay mặt Liên Hiệp Châu Âu thương lượng về cung cấp vac-xin ngừa Covid-19.

Sau khi các thành viên khác kịch liệt phản đối, Ủy Ban Châu Âu bèn soạn một văn bản theo đó các nước của khối chấp nhận ủy nhiệm cho Ủy Ban thương lượng các hợp đồng mua vac-xin. Nhưng ngân sách tổng cộng dự trù là không được quá 2,9 tỷ euro.

Không dám nhận trách nhiệm

image.png

Vấn đề là các cuộc thương thuyết lại kéo dài cho đến cuối tháng 11. Trong khi Anh và Mỹ sẳn sàng nhận toàn bộ trách nhiệm nếu xảy ra các sự cố hàng loạt về vac-xin, thì châu Âu lại không chịu như thế.

Đến ngày 21/12/2020, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen mới xúc động thông báo Cơ Quan Dược Phẩm Châu Âu EMA cấp phép cho vac-xin ngừa Covid đầu tiên, Pfizer-BioNtech, trong khi vac-xin này đã được Anh Quốc cấp phép từ trước đó 2 tuần, ngày 02/12, còn Hoa Kỳ thì đã cấp phép từ ngày 11/12.

Đến đầu tháng 1/2021, khi chiến dịch tiêm chủng vừa mới bắt đầu ở châu Âu, những trục trặc đầu tiên lộ rõ. Tờ l’Express trích lời nghị viên châu Âu thuộc đảng cầm quyền Pascal Canfin : ” Các nhà thương thuyết và Ủy Ban quá tin tưởng vào các hãng dược phẩm, mà không kiểm tra là họ có đủ khả năng để thực hiện đúng lời hứa hay không.” Sanofi thì phải làm lại các thử nghiệm lâm sàng, còn Moderna và Pfizer thì bị trễ nãi vì không thể sản xuất nhanh được.

Cuối tháng 1, đến lượt AstraZeneca thông báo là trong đợt đầu tiên họ chỉ có thể giao 31 triệu liều, thay vì 80 triệu như dự kiến ban đầu. Rồi hãng Anh – Thụy Điển cuối cùng tuyên bố là họ chỉ có thể cung cấp cho 27 nước châu Âu 110 triệu liều thay vì 300 triệu như đã hứa cho 6 tháng đầu năm 2021. Đây quả là một vụ xì căng đan công nghiệp mang tính chất địa chính trị, vì Liên Hiệp Châu Âu nghi là AstraZeneca dành ưu tiên vac-xin cho nước Anh.

Trong lúc ai cũng lo thiếu thuốc tiêm ngừa Covid-19, thì gần đây, Ủy Ban Châu Âu mới tiết lộ là từ tháng 1 đến nay, đã có đến 77 triệu liều được xuất khẩu ra khắp thế giới, trong đó 21 triệu liều sang Anh Quốc, tức là 1 phần 2 số vac-xin đang được sản xuất trên lãnh thổ châu Âu. Cho nên, Bruxelles nay buộc phải quyết định chỉ cho xuất khẩu vac-xin sang những nước cần nhất. Nhưng đã quá trễ.

Theo l’Express, rút kinh nghiệm những thất bại ê chề của một năm qua, Liên Hiệp Châu Âu dự kiến thành lập một cơ quan có tên là Cơ Quan Phản Ứng Khẩn Cấp Y Tế (Health Emergency Response Authority – HERA). Theo mô hình cơ quan BARDA của Mỹ, cơ quan mới sẽ có quyền can thiệp vào mọi công đoạn, từ tài trợ cho nghiên cứu cho đến phân phối dược phẩm, từ thử nghiệm lâm sàng cho đến sản xuất công nghiệp.

Related posts