Bình luận: Không phải Alibaba, ĐCSTQ mới chính là thực thể độc quyền lớn nhất

Thiện Phong

Ông Jack Ma, nhà sáng lập tập đoàn Alibaba (ảnh: Từ video của CNBC)

Thời gian qua Tập đoàn Alibaba liên tục bị Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trừng phạt với cáo buộc ‘độc quyền’. Tờ Epoch Times hôm 12/4 có bài bình luận về vấn đề này, chỉ ra rằng không phải tập đoàn của Jack Ma, ĐCSTQ mới chính là thế lực độc quyền bậc nhất.

Dưới đây chúng tôi xin gửi tới quý độc giả nội dung chính bài bình luận được đề cập ở trên.

Vào ngày 10/4, Cục Quản lý Giám sát Thị trường Trung Quốc đã phạt 18,2 tỷ nhân dân tệ đối với Tập đoàn Alibaba vì vi phạm Luật chống độc quyền. Có thông tin cho rằng đây là số tiền phạt cao nhất kể từ khi quy định mới được đưa ra.

Mức phạt cao ngất ngưởng này rõ ràng là để đáp lại lời chỉ trích của Jack Ma đối với hệ thống quản lý tài chính của ĐCSTQ vào năm ngoái, điều này nói lên rằng ĐCSTQ sẽ không cho phép bất kỳ ai “đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm” về phương thức quản lý của mình. Từ đó cho thấy hành động này chính là một cách để ĐCSTQ răn đe những ai dám đụng vào nó. Giết gà dọa khỉ, chính là một kế sách mà ĐCSTQ luôn sử dụng, để dọa nạt người dân.

Thời gian qua sau những “cú đánh” liên tục từ phía chính quyền Trung Quốc, Alibaba gần như đang thoi thóp.

Nhiều cư dân mạng đã bắt đầu bàn luận về cái mà ĐCSTQ gọi là chống độc quyền này, họ nói: Nếu Alibaba là ‘độc quyền’ thì “ĐCSTQ là một đảng độc tài, tổ chức này độc chiếm tất cả các lĩnh vực quan trọng như điện, nước, dầu mỏ, nhà ở, và độc chiếm luôn quyền được gán nhán “độc quyền” cho thực thể khác.

Một cư dân mạng nói rằng: “CNPC, Sinopec, Telecom, China, China, Industry, Agricultural, Commercial and Construction Bank, những tập đoàn này cái nào không phải là độc quyền. Sai lầm của Alibaba là dám cướp đi miếng cơm của kẻ độc quyền”.

ĐCSTQ thực sự là thực thể độc quyền lớn nhất ở Trung Quốc.

Thứ nhất, nó độc chiếm quyền lực cầm quyền ở Trung Quốc, kiên quyết bác bỏ đa đảng, phủ nhận các cuộc bầu cử dân chủ và sự giám sát của nhân dân, đồng thời nó cự tuyệt những phản ánh và đánh giá về nó.

Để duy trì chế độ độc tài độc đảng, nó đã sử dụng quân đội, cảnh sát vũ trang, tư pháp, và các bộ máy tuyên truyền để trấn áp mọi nghi ngờ và phản đối nó.

Sự độc quyền này đã dẫn đến các vấn đề xã hội chính trị, kinh tế, luật pháp và đạo đức, từ đó sinh ra một lượng lớn các vụ phạm pháp và số lượng lớn các quan chức tham nhũng, và hậu quả thì các tầng lớp nhân dân trong cả nước phải gánh chịu.

Thứ hai, ĐCSTQ độc quyền các nguồn lực và phương tiện sản xuất khác nhau, tức là quốc hữu hóa mọi thứ cho đảng. Trong nhiều thập kỷ, ĐCSTQ đã cưỡng chế tịch thu đất đai, phá dỡ nhà cửa, gây ra vô số thảm kịch.

Năm 1982, ĐCSTQ chính thức tuyên bố quốc hữu hóa đất đô thị và chuyển đất tư nhân thành đất nhà nước chỉ trong một đêm, tuy nhiên, chính quyền không thông báo cho chủ sở hữu hay hộ gia đình bị thu đất và cũng không làm bất kỳ thủ tục trưng thu hay trưng dụng nào. Sau đó, “nhà nước” xây nhà, bán quyền sử dụng nhà 70 năm cho các hộ dân, để thu về những khoản tiền kếch xù.

Ví dụ: Vào 22/6 năm ngoái, một lượng lớn cảnh sát vũ trang được trang bị khiên và dùi cui đã cố gắng phá hủy các biệt thự ở ngoại ô Trường Bình, Bắc Kinh. Theo phóng viên của Epoch Times, vụ việc liên quan đến một “một khu bất động sản” do chính quyền quận Trường Bình phê duyệt xây dựng. Ban đầu, ủy ban thôn, chủ đầu tư và chủ sở hữu đã ký hợp đồng ba bên cho phép xây dựng, tuy nhiên sau khi công trình hoàn thành chính quyền lại xác định đó là công trình bất hợp pháp, và ra lệnh phá dỡ.

Về vấn đề này, cư dân mạng đại lục bình luận: “ĐCSTQ thực sự là một chính quyền lưu manh, lừa người dân lấy tiền tiết kiệm của ba đời ông bà để mua nhà, xong rồi nghĩ cách cướp lại. Nó chỉ cần dán nhãn là ‘xây dựng bất hợp pháp’, thì dân không được bất kỳ khoản bồi thường nào”.

Thứ ba, trong vành đai liên kết tài nguyên, các doanh nghiệp nhà nước của ĐCSTQ hầu như độc quyền về dầu mỏ, điện, than, viễn thông, hàng không dân dụng, tài chính và các lĩnh vực khác. Các công ty hàng đầu thường bị kiểm soát bởi các gia đình quan chức hoặc phe nhóm quyền lực riêng lẻ. Ví dụ: Gia đình Chu Vĩnh Khang kiểm soát toàn bộ dầu mỏ của Trung Quốc. Gia đình Giang Trạch Dân kiểm soát ngành viễn thông trong nước. Chính sự độc quyền này đã hạn chế sự cạnh tranh của thị trường và gây ra nạn tham nhũng tràn lan.

Thứ tư, ĐCSTQ độc quyền báo chí trong nước, ti vi, đài truyền hình và Internet. Tất cả các tổ chức truyền thông ở Trung Quốc phải cùng có họ là “Đảng”. Tờ báo có lượng phát hành lớn nhất ở Trung Quốc là báo đảng, các đơn vị các cấp từ trung ương đến các tỉnh đều phải đặt mua báo đảng hàng ngày, đây là sự lãng phí lớn nhất trong ngành báo chí và xuất bản. 

Ngoài ra ĐCSTQ, còn thao túng kiểm duyệt tất cả các vấn đề liên quan đến tin tức, Internet, xuất bản, truyền hình và phim ảnh.

Ví dụ: Năm 2008, sau khi vụ việc sữa bột bị nhiễm độc ở Tam Lộc bị phanh phui, ngày 14/9 cùng năm, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành lệnh cấm các phương tiện truyền thông trong nước đưa tin, chỉ có Tân Hoa xã cơ quan ngôn luận của đảng là được ưu tiên.

Bởi vì dưới chế độ chuyên chế của ĐCSTQ, thì sân chơi của các phương tiện truyền thông tư nhân rất khắc nghiệt. Cánh cửa sẽ bị đóng lại vì ĐCSTQ sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ tiếng nói nào khác. Do đó, vốn tư nhân và vốn nước ngoài mà đầu tư vào phương tiện truyền thông ở Trung Quốc thì sớm muộn gì cũng sẽ phá sản.

Cho đến nay không có đài phát thanh hoặc truyền hình tư nhân nào ở Trung Quốc còn hoạt động, các quyền về tự do ngôn luận và tự do báo chí của công dân trong Hiến pháp không có giá trị gì.

Ngoài ra, ĐCSTQ sẽ sử dụng các cơ quan báo chí, các phương tiện truyền thông của nó, để ngăn chặn các nhà văn, học giả và những công dân mà chính phủ không thích, hoặc trừng phạt những nhà báo dám nói lên sự thật.

Ví dụ như: Khi đại dịch bùng phát ở Vũ Hán năm ngoái, bác sĩ Lý Văn Lượng, người dám đưa ra những cảnh báo đầu tiên về sự bùng phát của virus Vũ Hán, đã bị ĐCSTQ trừng phạt. Ba nhà báo công dân là Phương Bân, Trần Thu Thực và Trương Triển cũng bị chính quyền bắt giữ vì đưa tin. Trương Triển bị kết án bốn năm tù. Hiện vẫn chưa rõ tung tích của Phương Bân. Cộng đồng quốc tế đã chỉ ra rằng việc chặn và kiểm soát thông tin của ĐCSTQ đã trì hoãn cuộc chiến chống lại đại dịch trong và ngoài nước, dẫn đến một thảm họa đối với sức khỏe toàn cầu.

Tóm lại, chính quyền ĐCSTQ sẽ không từ bất kỳ một thủ đoạn nào để bảo vệ quyền lực chính trị và thu lợi bất chính. Nó muốn cản trở sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, tin tức, từ đó tác động tiêu cực đến công bằng xã hội và nhân quyền con người. Từ đó gây ra những tổn thất nặng nề cho hơn một tỷ dân trong nước và người dân toàn cầu.

Related posts